|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiểu thương bán gạo giá rẻ ven đường ở miền Tây

06:57 | 17/02/2025
Chia sẻ
Một số tiểu thương ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang... dùng xe tải chở gạo, rao bán giá rẻ dọc các tuyến đường nông thôn, người dân đổ xô tới mua về dự trữ.

Hơn một tháng nay, bà Nguyễn Thị Lan, một thương lái ở thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đều đặn đem gạo tới bán tại nhiều tuyến đường, chợ ở Tiền Giang, Đồng Tháp.

"Mỗi ngày vợ chồng tôi bán hết một xe gạo, có hôm chỉ một tiếng đồng hồ là hết sạch. Đến nay tôi đã bán vài trăm tấn gạo rồi", bà Lan cho biết. Mỗi kg bà bán 11.800-15.000 đồng, tùy loại.

Số gạo này được bà xay từ lúa mua của nông dân trước Tết. Thông thường gạo xay xong, bà trữ tại nhà máy, chờ doanh nghiệp đến mua. Năm nay giá giảm mạnh, doanh nghiệp thu mua nhỏ giọt, bà Lan quyết định chở xe bán dạo với hy vọng sớm thu hồi vốn.

"Bán mức này cũng chưa có lời đâu, nhưng để trong kho giá xuống nữa thì lỗ thêm", bà giải thích.

Người dân đến mua gạo giá rẻ tại xe của bà Lan. Ảnh: Ngọc Tài

Nhiều thương lái thu mua lúa ở An Giang, Bến Tre cũng cho biết gạo tại các kho vẫn khó bán, trong khi giá tiếp tục giảm. Vì vậy, họ buộc phải bán lẻ hoặc chở bằng xe tải đi các nơi tiêu thụ.

Anh Trần Thành, một tiểu thương ở Bến Tre, đem gạo ra chợ Tân Hào (huyện Giồng Trôm) bán với giá 600.000-750.000 đồng loại bao 50 kg, tức 12.000-15.000 đồng một kg. Anh cho biết mỗi ngày bán được vài trăm bao gạo cho người dân trong vùng. Thường mỗi chợ anh bán khoảng một tuần đến khi sức mua giảm dần thì chuyển sang nơi khác.

"Gạo tồn kho, khó xuất khẩu, phải bán dạo gỡ vốn. Nhờ giá rẻ nên gạo tôi bán thu hút được nhiều người mua", anh giải thích.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) giá lúa thơm mua tại ruộng của người dân giảm, dao động 6.300-6.400 đồng một kg. Giá gạo hạ do thị trường xuất khẩu chưa nhộn nhịp, Philippines mua nhỏ giọt, Indonesia hạn chế nhập.

"Thời điểm này đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, nên các doanh nghiệp xuất khẩu chưa đẩy mạnh nhập gạo vào kho. Họ chờ nghe ngóng giá trên thị trường", ông Trọng cho biết.

Riêng các trường hợp thương lái bán dạo ven đường, ông Trọng cho rằng đây là cơ hội để người dân tiếp cận gạo giá rẻ, trong lúc giá bán lẻ trên thị trường vẫn neo cao. "Thường mất 2-3 tháng giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường xuất khẩu. Cảnh bán gạo ở ven đường sẽ không còn khi giá bán lẻ giảm", ông nói, thêm rằng lượng gạo bán dạo không nhiều nên khó gây xáo trộn thị trường.

Điểm bán gạo giá rẻ ven đường tại chợ Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ảnh: Minh Bằng

Tháng trước, người dân cũng đổ xô mua gạo giá rẻ tại các nhà máy xay xát dọc tỉnh lộ 868, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tiểu thương treo biển bán gạo lẻ với giá thấp hơn thị trường 200.000-400.000 đồng một bao 50 kg, nhằm đối phó tình trạng các vựa gạo thu mua nhỏ giọt, giá thấp. Cũng từ đây nhiều tiểu thương bắt đầu chở gạo đi các nơi bán.

Người dân ùn ùn mua gạo rẻ ngoài đường hoặc tại các nhà máy bởi giá bán lẻ ở chợ vẫn neo cao. Trong khi đó, giá lúa và gạo xuất khẩu lao dốc từ đầu năm nay.

Chị Trần Thị Tuyết (xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết đã mua 3 bao gạo loại 50 kg và tính mua thêm vì thấy giá rẻ hơn ngoài chợ 20-40%. Đây cũng là mức giá thấp nhất chị mua trong một năm qua.

"Lúa rẻ mà giá gạo ngoài chợ vẫn cao, không biết khi nào mới giảm. Sẵn có gạo rẻ tôi mua để dành, tiết kiệm được kha khá tiền", chị nói.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam, mỗi kg lúa thường tại ruộng bình quân 5.400 đồng, lúa thơm 7.000-8.500 đồng. Tại kho, lúa thơm giảm xuống 8.000-9.500 đồng một kg, thấp hơn 40-50% so với năm ngoái.

Trên thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm Việt Nam chốt phiên ngày 14/2 ở mức 395 USD một tấn, thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu, gồm Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan.

Năm ngoái, Việt Nam từng hưởng lợi khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, đưa giá gạo tăng cao và xuất khẩu đạt kỷ lục 9 triệu tấn. Tuy nhiên, khi nước này dỡ lệnh cấm, thị trường đảo chiều nhanh. Nguồn cung toàn cầu tăng mạnh kéo giá giảm.

Cùng lúc, Indonesia - thị trường lớn thứ hai của Việt Nam - đẩy mạnh tự chủ lương thực, chỉ nhập khẩu nhỏ giọt. Philippines cũng hạn chế mua do tồn kho dồi dào. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo sang Indonesia tháng 1 chỉ đạt 651 tấn, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước, kéo giá trong nước giảm sâu.

 

 

Ngọc Tài