Đơn hàng từ Mỹ gia tăng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng cơ hội?
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng từ Trung Quốc và cân nhắc đánh thuế vào hai đối tác thương mại lớn là Canada và Mexico vào Mỹ đã giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường này.
Doanh nghiệp Mỹ tăng cường đặt hàng tại Việt Nam
Chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang 47 quốc gia trên thế giới, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, trong những ngày gần đây, trước những thay đổi chính sách về thuế của Tổng thống Donald Trump, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận liên tục nhận được đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp Mỹ.
Theo đó, để tiếp nhận được các đơn hàng, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí khó khăn liên quan đến những quy định về xuất xứ gỗ và những đòi hỏi phức tạp về thủ tục tuân thủ của thị trường khó tính này.
Theo ông Kiên, từ năm 2024 đến nay, doanh nghiệp đã phát triển được vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng quốc tế FSC đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế. Vì vậy, triển vọng xuất khẩu gỗ của vào Mỹ của doanh nghiệp là rất tích cực.
“Dù không biết cơ hội này kéo dài bao lâu, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nắm bắt vì không phải lúc nào cũng có sự thuận lợi thuế quan so với Trung Quốc”, ông Kiên nêu rõ.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/11/4229209539523398464605091846212114664115263n-20250211015622316.jpg?width=700)
Người lao động hoàn thành đơn hàng xuất khẩu. (Nguồn: Công ty TNHH Kẻ Gỗ).
Tương tự, hoạt động trong lĩnh vực đúc mẫu chảy, đúc thép, đúc đồng, ông Đặng Trần Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo Việt Nam cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và dự kiến 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ tăng cường đặt hàng tại Việt Nam.
“Chúng tôi thấy có những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường đặt hàng. Các đơn hàng năm nay lớn hơn những năm trước rất nhiều, cụ thể trước đây, khách hàng chỉ đặt vài trăm sản phẩm thì nay có đơn trên 1.000 sản phẩm và thậm chí trên chục nghìn sản phẩm”, ông Thùy thông tin.
Tuy vậy, trước lo ngại khả năng Mỹ đánh thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia, đại diện Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo Việt Nam cho biết đã có kế hoạch mở rộng tệp khách hàng tại các thị trường tiềm năng như Anh và Đức và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam như Nhật Bản.
“Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng sẽ tăng cường tổ chức các hội chợ thương mại để tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và học hỏi cộng nghệ từ các doanh nghiệp FDI”, ông Thùy kiến nghị.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/11/z6286404866179a7ff09734035e8da88d08dc8574019ef-20250204115005785-20250211020049779.jpg?width=700)
Ông Đặng Trần Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở thương mại lớn và Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều là đối tác thương mại quan trọng. Do vậy, chiến tranh thương mại có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức.
Về cơ hội, ông Thịnh cho rằng, việc Mỹ đánh thuế vào một số đối tác lớn như Trung Quốc sẽ giúp hàng hóa Việt Nam được lợi do nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ của tương đồng với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nay hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế cao thì hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường này.
Đa dạng hóa thị trường
Tuy vậy, ông Thịnh lưu ý, khi bị áp thuế cao, Trung Quốc và một số quốc gia sẽ tích cực đầu tư vào Việt Nam để thay đổi nguồn gốc xuất xứ cũng như thương hiệu để hưởng lợi về thuế quan xuất khẩu đi Mỹ. Trong khi đó, Mỹ kiểm tra chặt chẽ vấn đề này, nếu doanh nghiệp trong nước không cẩn trọng để cho doanh nghiệp nước ngoài đứng tên sản phẩm thì không chỉ doanh nghiệp đó mà có thể cả một ngành hàng bị áp thuế cao.
“Trước đây, một số ngành hàng sắt thép của Việt Nam bị Mỹ đánh thuế lên hơn 600% khi phát hiện đó là thép Trung Quốc thay đổi nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu. Điều này chúng ta cần phải lưu ý cho các doanh nghiệp để phòng tránh việc này”, ông Thịnh nêu rõ.
Ngoài ra, dù chưa chịu mức thuế nào từ Mỹ song việc thâm hụt thương mại ngày càng tăng giữa hai nước cũng không loại trừ khả năng nước này sẽ tăng thuế tại thị trường Việt Nam.
Vì vậy, để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể nhập khẩu các máy móc, thiết bị hiện đại, tăng tiêu dùng các mặt hàng từ mỹ phẩm hay mua máy bay và tàu biển có giá trị lớn,...Cùng với đó, Bộ Công thương cùng với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần phải hỗ trợ hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đa dạng hóa xuất khẩu thông qua 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, từ đó hưởng lợi ích từ việc giảm thuế quan.
Điều quan trọng, các là các doanh nghiệp trong nước cần phải có liên doanh, liên kết chặt chẽ để vừa tạo ra được một chuỗi giá trị thuần Việt, vừa giảm được chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm xuất khẩu. Từ đó, nâng cao được khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt trên trường quốc tế.
“Hiện nay, nhiều thị trường phát triển và người tiêu dùng trên thế giới đang yêu cầu việc xanh hóa sản phẩm cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tái chế. Vì vậy, quá trình xanh hóa trong doanh nghiệp cần phải được ưu tiên và chú trọng thỏa đáng thì lúc đó xuất khẩu mới có thể đạt được hiệu quả”, ông Thịnh lưu ý.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2025, ngành Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, trong đó việc Mỹ đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng sẽ bị tác động.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, chủ động ứng phó và minh bạch nguồn gốc xuất xứ; tận dụng tốt các hiệp định FTA, khai thác thị trường tiềm năng, thị trường ngách để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh thương mại toàn cầu dự báo còn nhiều diễn biến khó lường", đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị.