Nhiều hàng Việt bị EU cảnh báo dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật
Thông tin trên được TS Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - công bố sáng 24/2 tại hội nghị trực tuyến về tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU. Theo ông Nam, Việt Nam là quốc gia bị cảnh báo nhiều nhất châu Á từ EU, tiếp theo là Thái Lan với 6 cảnh báo, Indonesia và Hàn Quốc mỗi nước 2 cảnh báo.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm mốc và chất phụ gia, kháng sinh. Trong đó, 5 cảnh báo liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, 1 về độc tố nấm mốc, 2 về chất phụ gia, còn lại là các vi phạm về ô nhiễm môi trường và sản phẩm mới.
Đáng báo động, thủy sản Việt Nam thường xuyên bị cảnh báo về tồn dư kháng sinh, trong khi rau quả bị dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều loại trái cây không đảm bảo thời gian cách ly, dẫn đến khi xuất khẩu vẫn còn tồn dư hóa chất. Trong số 16 cảnh báo đầu năm, Việt Nam đã phải tiêu hủy 3 lô hàng, thu hồi 9 lô và xử lý 4 lô theo các biện pháp khác.
Năm ngoái, Việt Nam cũng nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng 70% so với năm 2023.

TS Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam tại hội nghị sáng 24/2. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn mới từ EU. Ngoài ra, tình trạng thiếu đồng bộ trong kiểm soát vùng nguyên liệu và giám sát chuỗi cung ứng cũng góp phần gia tăng vi phạm.
Ngoài vi phạm về chất lượng sản phẩm, theo TS Tôn Nữ Thục Uyên - Quyền giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, một số sản phẩm thực phẩm mới cũng bị cảnh báo do ghi nhãn chưa đúng quy định của EU. Theo đó, sản phẩm có chứa thịt, sữa và lúa mì phải ghi rõ nguồn gốc của từng thành phần qua các công đoạn chế biến khác nhau. Việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến cảnh báo hoặc thu hồi hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, cho rằng Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể cho các nông sản chủ lực xuất khẩu, gây khó khăn trong tuyên truyền và kiểm soát. Tại Đăk Lăk, Sở nhận nhiều văn bản chỉ đạo nhưng thiếu thống nhất, khiến việc hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân gặp lúng túng.
Ông Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hệ thống hóa tiêu chuẩn theo nhóm cây trồng, quy định rõ từ vùng nguyên liệu đến chế biến, đồng thời có chế tài xử lý sản phẩm không đạt chuẩn.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho rằng cần tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến tiêu chuẩn mới cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn và chứng nhận an toàn thực phẩm. Song song đó, nhà chức trách địa phương cần kiểm soát chặt chuỗi cung ứng, đảm bảo tuân thủ quy định vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh doanh nghiệp cần cam kết sản phẩm đạt chuẩn trước khi xuất khẩu, nhằm nâng cao uy tín hàng Việt trên thị trường quốc tế.
"Nếu kiểm soát tốt chất lượng, nông sản Việt không chỉ tránh được cảnh báo mà còn gia tăng lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu bền vững," ông Hoan nói.
Theo số liệu hải quan, năm 2024, xuất khẩu nông, thủy sản sang EU đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 25% so với 2023 và tăng 55% so với năm 2020.