|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2024, khách quốc tế đến Đà Nẵng đạt kỷ lục 4,1 triệu lượt

08:00 | 26/01/2025
Chia sẻ
Lượng khách quốc tế do các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ năm 2024 tăng 17,4% so với năm 2019 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng, quý IV/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,18%, gấp hơn 4 lần mức tăng 2,45% của quý I/2024, nâng tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố lên 7,51%, cao gấp 3,7 lần mức tăng 2,01% của năm 2023, xếp thứ 7/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 29 cả nước. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2%, đóng góp 0,04 điểm % vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,69%, đóng góp 1,59 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 7,7%, đóng góp 5,96 điểm %.

Tính theo giá hiện hành, GRDP ước đạt khoảng 151.307 tỷ đồng, tăng gần 17.086 tỷ đồng so với năm trước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 118,6 triệu đồng/người, tăng 4,95% so với năm trước, xếp thứ 12 cả nước.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng đang có xu hướng thu hẹp tỷ trọng, trong khi đó, khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục mở rộng tỷ trọng.

Cơ cấu nền kinh tế Đà Nẵng năm 2024 so với năm 2023.(Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%

Cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2024 tại Đà Nẵng ước đạt 12.635,4 tỷ đồng, tăng 6,9% so với tháng trước và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 36.038,3 tỷ đồng, tăng 0,9% so với quý trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Luỹ kế cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 136.954 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 12%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 21%; doanh thu lữ hành và các dịch vụ du lịch tăng 29,8%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tăng 15,9%.

Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2024.(Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Du lịch đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú tại thành phố phục vụ ước đạt 10,86 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,11 triệu lượt, tăng 35,1%; khách trong nước đạt 6,75 triệu lượt, tăng 30,8% so với năm trước.

Có thể thấy, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2024 đã có sự tăng trưởng rõ nét so với các năm giai đoạn 2020 - 2023, đặc biệt đã vượt qua kết quả của năm 2019 - thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng trong các năm từ 2015 - 2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê, Sở Du lịch Đà Nẵng).

Thu hút 243,4 triệu USD vốn FDI

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 25/12/2024, thành phố đã thu hút được 243,4 triệu USD, tăng 33,2% so với năm trước.

Cụ thể, có 71 dự án cấp mới đầu tư, với vốn đăng ký đạt 233,6 triệu USD; 26 lượt dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt 7,9 triệu USD; 23 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,8 triệu USD. 

Doanh nghiệp gia nhập giảm, doanh nghiệp rút lui tăng

Tính đến ngày 24/12/2024, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 4.051 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 16.029 tỷ đồng; giảm 8% về số doanh nghiệp và giảm 27,3% về số vốn so với năm trước. Bên cạnh đó, có 1.770 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, giảm nhẹ 0,6% so với năm 2023.

Ở chiều ngược lại, có 4.349 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 3,9%. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 734 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 2,2%.

IIP tăng 7,03%

So với tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đà Nẵng giảm nhẹ 1,11% nhưng tăng 13,26% so với cùng kỳ năm 2023. Dự ước quý IV/2024, IIP giảm 3,35% so với quý trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung cả năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng vẫn giữ đà giảm mạnh, chỉ bằng 66,75% năm trước. 

IIP năm 2024 so với năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Xuất siêu 550 triệu USD

Ước tính năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của Đà Nẵng ước đạt 3,27 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2023, cán cân thương mại hàng hoá duy trì xuất siêu 550 triệu USD. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 1,91 tỷ USD, tăng 2,9%; nhập khẩu hàng hoá ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 19,2%. 

CPI tăng 3,08%

Theo báo cáo, chỉ số giá (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 3,26% so với bình quân cùng kỳ năm trước, với 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và một nhóm hàng có chỉ số giảm là nhóm giao thông.

Bình quân 12 tháng năm 2024, CPI Đà Nẵng tăng 3,08% và thấp hơn mức tăng bình quân 5,08% của năm trước. Trong tổng số 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ, 10 nhóm có chỉ số giá tăng, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,22%.

CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023.(Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Thu ngân sách Nhà nước đạt 26.819 tỷ đồng

Năm 2024, sơ bộ tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 26.819 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm trước. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 6.635 tỷ đồng, tăng 23,3%; thu ngân sách địa phương đạt 20.184 tỷ đồng, tăng 34%. 

Tổng chi ngân sách Nhà nước sơ bộ đạt 31.853 tỷ đồng, tăng 23,1%. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 12.065 tỷ đồng, tăng 64,1%; chi thường xuyên ước đạt 19.744 tỷ đồng, tăng 6,8%.

Dư nợ tín dụng tăng 8,28%

Ước đến cuối tháng 12/2024, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại Đà Nẵng đạt 214.000 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi bằng VND đạt 205.000 tỷ đồng, chiếm 95,79% tổng nguồn vốn, tăng 10,63%; tiền gửi ngoại tệ đạt 9.000 tỷ đồng, chiếm 4,21% tổng nguồn vốn, tăng 58,14%. 

Tổng dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn ước đạt 238.000 tỷ đồng, tăng 8,28% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đạt 233.000 tỷ đồng, tăng 8,37%; dư nợ ngoại tệ đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 4,34%. Xét theo thời hạn, dư nợ ngắn hạn đạt 111.500 tỷ đồng, chiếm 46,85% tổng dư nợ, tăng 11,23%; dư nợ trung dài hạn đạt 126.500 tỷ đồng, chiếm 53,15% tổng dư nợ, tăng 5,81%.

Anh My