|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng dành 6,17ha để xây trung tâm tài chính quốc tế

07:11 | 17/01/2025
Chia sẻ
UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để  phục vụ hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội thảo "Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam" chiều 16/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định, Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố “thiên, thời, địa lợi, nhân hoà” khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.

Theo ông, việc xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế được xác định là một trong những đột phá về thể chế, nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Để triển khai định hướng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Đà Nẵng, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 47 đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam trong đó có TP. Đà Nẵng, đồng thời giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính để quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình.

Hội thảo "Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam". (Ảnh: VGP).

Thông tin về sự chuẩn bị của TP. Đà Nẵng để xây dựng TTTC khu vực và quốc tế, ông ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích.

Trong dài hạn, theo nhu cầu phát triển Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62 ha để hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư phát triển hạ tầng Trung tâm tài chính và thu hút các nhà đầu tư khác vào hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.

"TP Đà Nẵng dự kiến sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp năng lượng và các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh", ông Minh cam kết.

Thành phố cũng sẽ liên kết, hợp tác với các trung tâm đào tạo quốc tế để cử các cán bộ của TP. Đà Nẵng đến học tập kinh nghiệm, thực tập tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới. Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ đề xuất Trung ương các chính sách vượt trội liên quan đến thu hút nhân lực chất lượng cao trên thế giới đến sinh sống và làm việc tại TTTC quốc tế Đà Nẵng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành chính sách đặc thù, vượt trội cho TTTC quốc tế Đà Nẵng, trong đó có các thí điểm chính sách đối với ngành tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, đi cùng với cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp.

Ông đề nghị cơ quan quản lý sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho phép áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính, Thông tư quy định về việc triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) trong ngành ngân hàng; hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng trong thanh toán kỹ thuật số và các giao dịch tài chính.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng cần chuẩn bị nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống... Tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương.

Hạ An