|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế CBPG và CTC

15:38 | 03/08/2021
Chia sẻ
Trong tháng 6, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua khi chỉ đạt 15,2 nghìn tấn, giảm 60,5% so với tháng trước và giảm 83,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Hải quan Thái Lan, xuất khẩu đường (HS: 1701) của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 51,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách hàng nhập khẩu đường lớn nhất của Thái Lan là Indonesia với gần 482,6 nghìn tấn, giảm 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ hai là Campuchia đạt 298,4 nghìn tấn, tăng 31,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 về thị trường xuất khẩu đường của Thái Lan với khối lượng đạt 279,4 nghìn tấn, giảm mạnh 57,2% (tương ứng giảm 373,9 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, sau hơn một năm điều tra, Bộ Công thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% (thuế CBPG là 42,99% và mức thuế CTC là 4,65%) kể ngày 16/6/2021 và có thời hạn áp dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.

Quyết định này đã mở ra thời kỳ mới, tạo điều kiện cho ngành đường Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch với các đồng nghiệp trong khu vực.

Ngay sau khi thuế CBPG và CTC chính thức có hiệu lực, đường xuất khẩu của Thái Lan vào Việt Nam trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 khi chỉ đạt 15,2 nghìn tấn, giảm 60,5% so với tháng trước và giảm tới 83,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đã bắt đầu giảm mạnh kể từ giữa tháng 2/2021 sau khi Việt Nam áp thuế CBPG và CTC tạm thời 44,88% với đường tinh luyện, 33,88% đối với đường thô có xuất xứ từ Thái Lan.

Xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế CBPG và CTC - Ảnh 1.

Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Xuất khẩu đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn (HS: 1701) của Thái Lan 6 tháng đầu năm 2021

Thị trường

Tháng 6/2021 (tấn)

So với tháng 5/2021 (%)

So với tháng 6/2020 (%)

6 tháng đầu năm 2021 (tấn)

So với 6 tháng năm 2020 (%)

Tổng

371.907

38,1

-12,0

1.814.412

-51,6

Indonesia

149.050

261,0

-20,3

482.561

-72,5

Campuchia

36.632

-45,5

34,2

298.368

31,8

Việt Nam

15.205

-60,5

-83,5

279.367

-57,2

Hàn Quốc

8.639

-53,0

-2,9

134.418

-40,2

Đài Loan

42.890

109,4

238,3

112.168

-36,4

Malaysia

44.863

380,1

465,4

108.522

15,5

Nhật Bản

2.061

-88,5

-52,4

71.532

2,6

Lào

12.383

214,2

123,1

63.317

18,5

Singapore

9.621

29,6

-13,8

48.647

-28,7

Myanmar

9.269

-39,7

-36,2

43.007

-28,0

Philippines

16.562

192,2

-31,5

40.052

-29,0

Trung Quốc

11.384

10,7

93,0

36.876

-35,7

Papua New Guinea

2.704

-27,0

83,3

24.071

-14,6

Sri Lanka

250

-77,3

-90,2

19.250

20,9

Hong Kong

4.311

38,6

-44,7

15.993

-59,8

Thị trường khác

6.058

9,1

-33,5

36.263

-78,5

Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Trong 6 tháng đầu năm, đường đã tinh luyện (HS: 17019910) và các loại đường mía khác (HS 17011400) vẫn là 2 chủng loại được Thái Lan xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam, chiếm tỷ trọng 49,7% và 48,4% trong tổng khối lượng.

Trong đó, đường đã tinh luyện đạt 138,7 nghìn tấn, giá xuất khẩu bình quân 424 USD/tấn (FOB), giảm 61,8% về lượng nhưng tăng 17,4% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, các loại đường mía khác đạt 135,2 nghìn tấn, giá xuất khẩu bình quân 345 USD/tấn (FOB), giảm 49,6% về lượng nhưng tăng 18,2% về giá so với cùng kỳ.

Xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế CBPG và CTC - Ảnh 3.

Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Đường trong nước vẫn khó cạnh tranh với đường nhập khẩu

Thời gian qua, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sơ bộ cũng như chính thức đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đã tác động tích cực tới thị trường mía đường trong nước.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2021, giá đường sản xuất trong nước đã tăng 5% - 6% (800 – 1.000 đồng/kg) so với cuối tháng 5 và tăng 25% – 26% (3.600 – 3.800 đồng/kg) so với đầu năm nay, dao động ở mức 17.400 - 17.600 đồng/kg đối với đường kính trắng; 18.000 - 18.300 đồng/kg đối với đường tinh luyện.

Tuy nhiên, đường trong nước vẫn khó cạnh tranh với đường ngoại khi giá đường nhập khẩu được bán với giá 17.100 - 17.400 đồng/kg.

Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) các loại đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan tiếp tục hiện diện thông qua nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam. 

Cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 7, tháng 8/2021, ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Có những dấu hiệu cho thấy, các hoạt động gian lận thương mại đã thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với hoàn cảnh.

VSSA cho biết theo số liệu của tổng cục Hải Quan Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam đã tăng đột biến từ 20.043 tấn của cùng kỳ năm 2020 lên trên 320.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng 16 lần so với cùng kỳ năm trước.

Điều đặc biệt là cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ ở mức 5%, đây là mức thấp hơn nhiều so với mức thuế mà đường nhập từ Thái Lan phải chịu khi bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. 

Do đó, đã xuất hiện những lo ngại đường Thái Lan có thể đi đường vòng để né thuế vào Việt Nam.

Xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế CBPG và CTC - Ảnh 4.

Nguồn: VSSA. (Tổng hợp Hoàng Hiệp)

 

Hoàng Hiệp

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.