|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những tín hiệu tốt cho niên độ mới của ngành mía đường

08:00 | 09/07/2021
Chia sẻ
Với thời hạn 5 năm, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan được ban hành đang mang tới niềm vui cho ngành mía đường, các doanh nghiệp sản xuất đường, người nông dân và cả người tiêu dùng.

Sau hơn một năm điều tra, ngày 16/6, Bộ Công thương chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% trong vòng 5 năm.

Trước đó, việc áp thuế mức thuế tạm thời 44,88% với đường tinh luyện, 33,88% đối với đường thô có xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công thương bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Trước hết phải kể đến giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020.

Niên vụ 2020 - 2021, nông dân đã được hưởng lợi từ Quyết định 477, trong đó giá thu mua nguyên liệu đã tăng từ 10% đến 13% so với các niên vụ trước.

Theo ghi nhận, giá mua mía ở miền Nam và miền Trung đạt bình quân 950.000 đồng/tấn tại ruộng. Tại miền Bắc, giá bình quân là 900.000 đồng/tấn.

Nhờ những cải thiện này, người trồng mía yên tâm đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, từ đó từng bước khôi phục lại các vùng nguyên liệu hàng đầu, nhà máy có đủ nguyên liệu để sản xuất.

Những tín hiệu tốt cho niên độ mới của ngành mía đường - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy mía đường thoát khỏi tình trạng thua lỗ khi nhà nước áp dụng chính sách kịp thời. (Ảnh: shutterstock)

Quyết định đánh thuế CBPG đối với đường Thái Lan là điều mà các doanh nghiệp mía đường Việt Nam mong mỏi từ lâu. Không ít nhà máy đã bước đầu thoát khỏi cảnh thua lỗ triền miên, không còn tình trạng tồn kho.

Ở những thời điểm đường giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường trong nước, đường nội địa bị rớt giá thê thảm, có lúc chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, tức chỉ tương đương với giá thành sản xuất.

Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất, chế biến đường phải ngậm ngùi tuyên bố phá sản hoặc hoạt động dưới công suất.

Từ khi quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan chính thức có hiệu lực, hoạt động của các nhà máy đường đã ổn định trở lại, doanh nghiệp cũng ra sức đồng hành để người nông dân gắn bó với cây mía, góp phần xây dựng lại các vùng nguyên liệu quy mô, chất lượng cao.

Những tín hiệu tốt cho niên độ mới của ngành mía đường - Ảnh 2.

Doanh nghiệp đường trong nước được bảo vệ và đủ sức cạnh tranh bình đẳng với đường nhập khẩu từ Thái Lan. (Ảnh: shutterstock)

Mức thuế 44,88% với đường tinh luyện, 33,88% đối với đường thô được nhận xét tương đối hợp lý bởi mức chênh lệch giá đường nội địa so với đường Thái Lan khá tương đồng với mức thuế này.

Lệnh thuế tạm thời này đã giúp lượng đường nhập khẩu đã giảm đáng kể, giá mua mía trong nước niên vụ 2020-2021 đã tăng 150.000 – 200.000 đồng/tấn mía so với trước đây lên trung bình 1 triệu đồng/tấn mía (tương đương khoảng 44,36 USD/tấn mía).

Mức giá này đã tiệm cận với giá mía trong khu vực ASEAN (khoảng trên dưới 50 USD/tấn mía).

Diễn biến tích cực này đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và sân chơi công bằng. Trên thị trường, giá đường trong nước và giá đường có nguồn gốc từ Thái đã dần được đưa về thế cạnh tranh công bằng; nhờ vậy, người tiêu dùng yên tâm hơn khi đã có thêm những lựa chọn là sản phẩm đường trong nước đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe.

Những tín hiệu tốt cho niên độ mới của ngành mía đường - Ảnh 3.

Người nông dân có thêm chỗ dựa vững chắc để trở lại làm giàu cùng cây mía. (Ảnh: shutterstock)

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN.

Do tác động của đường lậu tràn lan nên nhiều năm qua đã khiến ngành đường nội địa lao đao.

Do đó, việc áp dụng thuế CBPG, CTG với đường Thái Lan giúp bảo vệ doanh nghiệp và người nông dân và "cửa thoát’ cho ngành mía đường đã rộng mở hơn.

Bích Thu