|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc chiến đường lậu – Khi người tiêu dùng lên tiếng

10:23 | 08/07/2021
Chia sẻ
Chỉ chạy theo lợi nhuận, thì việc doanh nghiệp sử dụng đường không rõ xuất xứ, đường pha trộn, đường dính tạp chất…, về lâu về dài sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Muôn cách hô biến thành đường nội địa

Nhiều năm qua, đường lậu tràn vào biên giới Việt Nam tại các điểm nóng như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp…. Các tổ chức buôn lậu không chỉ có nhiều thủ đoạn khó lường từ khâu vận chuyển, mà còn móc nối với các đầu mối tiêu thụ đường trong nước bởi những "thỏa thuận ngầm" cùng nhiều cách thức tinh vi qua mặt cơ quan chức năng.

Cuộc chiến đường lậu – Khi người tiêu dùng lên tiếng - Ảnh 1.

Ghe vận chuyển đường lậu số lượng lớn bị BĐBP và Hải quan bắt giữ. (Ảnh: Báo Biên Phòng)

Cách phổ biến để biến đường lậu thành đường nội là thay đổi bao bì nhanh chóng ngay từ khi hàng qua biên giới. Hàng chục tấn đường sẽ được nhân công đợi sẵn, thay bằng bao bì đường nội địa rồi chuyển xuống ghe, thuyền, sà lan lớn hay chất lên xe tải.

Tìm cách hợp thức hóa đường lậu thành đường nhập khẩu cũng là một trong những phương thức gây đau đầu cho lực lượng chức năng.

Ở khu vực biên giới Tây Nam, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường trái phép. Gần nhất, ngày 15/5, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục QLTT thành phố phát hiện gần 150 tấn đường nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Thậm chí, đường lậu còn được rao bán online thông qua website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chỉ cần nhấc máy gọi điện theo số điện thoại được công khai, không khó để có thể sỉ và lẻ lượng đường từ vài chục kg đến cả trăm kg "giá nào cũng có", lại còn được chăm sóc rất "nhiệt tình".

Cuộc chiến đường lậu – Khi người tiêu dùng lên tiếng - Ảnh 2.

Lực lượng công an bắt được nhiều xe tải lớn vận chuyển đường cát nhập lậu. (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Năm 2020, Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 13 vụ vi phạm, tịch thu hơn 15 tấn đường cát các loại. Lực lượng chức năng phải tiêu hủy hơn chín tấn đường cát các loại. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng hơn 385,7 triệu đồng.

Sức khỏe người tiêu dùng đang bị đe dọa

Đường lậu tràn lan, người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp bị "ăn trái đắng".

Cuộc chiến đường lậu – Khi người tiêu dùng lên tiếng - Ảnh 3.

Đường cát không rõ nguồn gốc đang được bày bán ở nhiều chợ truyền thống. (Ảnh: Báo Nhà Đầu tư)

Công ty bánh kẹo, thực phẩm, các quán ăn, bếp ăn công nghiệp… là những nơi phải sử dụng lượng đường lớn mỗi ngày. Nếu làm ăn có uy tín, công ty sẽ đặt mua nguồn đường chất lượng, có nguồn gốc. 

Ngược lại, chỉ chạy theo lợi nhuận, thì việc doanh nghiệp sử dụng đường không rõ xuất xứ, đường pha trộn, đường dính tạp chất…, về lâu về dài sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia sức khỏe, đường lậu trong quá trình vận chuyển, sang chiết sẽ không tránh khỏi việc nhiễm những tạp chất có hại. Chưa kể, nếu không tiêu hủy đường hết hạn sử dụng mà đem trộn lẫn để tiếp tục sử dụng sẽ rất dễ gây bệnh.

Cách duy nhất mà người tiêu dùng có thể lựa chọn để bảo vệ an toàn cho gia đình hiện nay là chỉ mua những sản phẩm quen thuộc, đã có thương hiệu lâu năm. Chị Hoàng Quyên (38 tuổi, sống tại TP HCM) vẫn là khách hàng trung thành nhiều năm nay của thương hiệu đường Biên Hòa.

Theo chị Quyên, đường trong nước có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, lại phong phú về chủng loại, rất an tâm để sử dụng. Thêm nữa, việc người Việt sử dụng hàng Việt cũng sẽ kích cầu cho doanh nghiệp, góp phần ngăn chặn đường lậu.

Còn chị Phương Mai (40 tuổi, quận Gò Vấp) trước đây cũng thường mua đường theo thói quen, tiện người bán đưa cho loại nào thì lấy loại đó. Tuy nhiên, kể từ khi ý thức rõ những nguy cơ sức khỏe do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, chị đặc biệt chú ý đến xuất xứ của sản phẩm.

Nhiều năm qua gia đình chị đã chuyển hẳn sang dùng các sản phẩm "hàng Việt Nam chất lượng cao" mà giá cả lại hợp lý như gạo ST, Cholimex, đường Biên Hòa...

"Tôi thấy, dùng hàng Việt Nam là rất yên tâm. Đặc biệt trong thời điểm dịch kéo dài như bây giờ, mấy người bạn tôi ưa dùng hàng nhập cũng chuyển qua đồ nội địa cho tiết kiệm mà chất lượng cũng tốt không kém", chị chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều xí nghiệp, công ty sản xuất đường trong nước dù bị lấn át bởi đường lậu, đường giá rẻ, mất thị phần không nhỏ nhưng họ vẫn dùng nhiều cách cố gắng bám trụ, lạc quan và tin tưởng vào sự sáng suốt của người tiêu dùng.

Nhiều người tin rằng một khi ngành mía đường, doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng đồng lòng, đường lậu sẽ sớm bị loại trừ, ngành đường trong nước sẽ khởi sắc trở lại.

Củng cố niềm tin và mở ra một lối thoát mới cho ngành mía đường Việt Nam là điều cấp thiết hiện tại. Với tiềm năng hiện có, Việt Nam được kỳ vọng sẽ sản xuất đường đảm bảo sản lượng và chất lượng không kém cạnh các nước trong khu vực và quốc tế.

Bích Thu