Xuất khẩu cao su 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,28 tỷ USD
Mức thu nhập tăng lên ở những nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô, từ đó tăng nhu cầu tiêu thụ lốp xe và cao su. Các ngành sản xuất khác bên cạnh lốp xe như linh kiện ô tô, sản phẩm cao su công nghiệp, sản phẩm y tế và giày dép cũng đóng góp vào sự gia tăng nhu cầu cao su.
1. Tiêu thụ cao su thế giới:
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cao su lớn nhất đến năm 2019 và chiếm gần 2/3 tiêu thụ thế giới; trong đó, In-đô-nê-xia, Ấn Độ và Thái Lan là những nước có mức tăng trưởng nhanh nhất. Tiêu thụ cao su tại Trung Quốc, Ma-lai-xia, Việt Nam cũng tăng nhanh và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa so với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2019. Nhu cầu cao su tại các khu vực khác như Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông cũng tăng trưởng ổn định nhờ sự hỗ trợ từ ngành sản xuất lốp xe trong nước.
Tại Bắc Mỹ và châu Âu, nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ tăng trưởng dưới mức bình quân đến năm 2019 do ngành chế biến cao su ở các nước phát triển chững lại, ngoại trừ ngành sản xuất lốp xe. Tây Âu được dự báo có mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thấp nhất tại khu vực này.
2. Nhập khẩu cao su Ấn Độ:
Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Ấn Độ trong tháng 8/2016 tăng mạnh 27% so với cùng kỳ năm ngoái lên 47.540 tấn. Nguyên nhân là do giá thế giới thấp hơn thị trường trong nước. Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ tháng 8/2016 tăng 21% so với năm ngoái lên 58.000 tấn, trong khi tiêu thụ tăng 6% lên 87.500 tấn. Như vậy, sau 4 tháng đầu tiên của năm tài khóa 2016/17 sản xuất cao su thiên nhiên của Ấn Độ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 245.000 tấn. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Việt Nam In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng cao su của các thị trường chủ chốt trên thế giới có xu hướng tăng trong quý 4/2016, giá cao su thế giới nhiều khả năng sẽ ổn định hoặc tiếp tục tăng nhẹ trong những tháng cuối năm.
3. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:
Thị trường cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) diễn biến tăng trong 20 ngày đầu tháng 10/2016, trong bối cảnh giá dầu tăng do kỳ vọng các thành viên OPEC cắt giảm sản lượng và đồng yên suy yếu.
Được hậu thuẫn bởi giá dầu tăng, giá cao su Tocom đạt mức cao trong 5 tháng trước khi giảm nhẹ vào cuối phiên 12/10. Trong đó, hợp đồng benchmark tháng 3/2017 đạt 182,3 yên/kg cuối phiên 11/10, mức cao nhất kể từ ngày 13/5/2016, sau khi giá dầu đạt mức đỉnh 1 năm vào phiên trước đó (10/10). Đây là phiên thứ 5 liên tiếp hợp đồng benchmark tăng giá.
Thị trường cao su kỳ hạn phiên giao dịch 12/10 giảm nhẹ do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra để chốt lời khi giá dầu giảm trở lại và đồng yên hồi phục. Giá đóng cửa hợp đồng benchmark tháng 3/2017 cuối ngày 12/10 đạt 178,1 yên/kg.
Sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng vào phiên 17/10 ở mức 183,7 yên/kg, hợp đồng benchmark giao tháng 3/2017 đã giảm xuống còn 183 yên/kg và tiếp tục giảm xuống 176,7 yên/kg vào cuối phiên 19/10 do chịu tác động giảm giá từ thị trường cao su Thượng Hải.
Các yếu tố cơ bản tác động đến thị trường cao su Tocom bao gồm: tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng duy trì ở mức 6,7% trong quý III/2016, được thúc đẩy bởi chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân giảm, nợ tăng.
OPEC có thể đạt thỏa thuận vào tháng tới, nhằm hạn chế sản lượng dầu mà không có quá nhiều ngoại lệ đối với các quốc gia riêng biệt và không có quá nhiều bất đồng về mức sản lượng, tổng thư ký nhóm các nhà sản xuất cho biết.
Dự trữ cao su thô tại các cảng Nhật Bản đạt 8.034 tấn tính đến ngày 30/9, tăng 2,9% so với mức dự trữ trước đó, Hiệp hội thương mại cao su Nhật Bản cho biết.
Công ty Honda Motor có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Trung Quốc, sẽ sản xuất xe khách từ năm 2019, thúc đẩy công suất sản xuất tại nước này thêm khoảng 20%.
II. Việt Nam:
1. Tình hình trong nước:
Trong 20 ngày đầu tháng 10/2016, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến tăng mạnh cùng với xu hướng thị trường cao su thế giới. Cụ thể: cao su SVR3L tăng từ 30.100 đ/kg (5/10) lên 34.300 đ/kg (19/10); cao su SVR10 tăng từ 29.100 đ/kg lên 33.300 đ/kg.
Hệ thống cung cấp giá tại địa phương ghi nhận giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước cũng đã tăng trở lại sau 1 tháng không biến động, từ 7.040 đ/kg lên 7.360 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Những tháng gần đây, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Hiện, giá cao su thiên nhiên tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 37 – 38 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân là do giá dầu mỏ đang nhích lên, nhu cầu của các nước tiêu thụ cao su lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… đang tăng.
Tuy nhiên, do một thời gian dài giá cao su đứng ở dưới mức thấp nên nhiều hộ cao su tiểu điền ngưng khai thác hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Còn các công ty cao su lớn trong tỉnh thì tiết giảm việc khai thác, tập trung bảo dưỡng cây. Dự báo từ nay đến cuối năm 2016, giá cao su có thể tiếp tục tăng. Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên thận trọng trong việc chặt bỏ cây cao su, tránh thiệt hại về sau.
Khối lượng cao su xuất khẩu qua cửa khẩu phía Bắc trong 20 ngày đầu tháng đạt trung bình 11.300 tấn. Giá sản phẩm đạt chuẩn SVR3L ở mức 10.100 NDT/tấn.
2. Tình hình xuất nhập khẩu:
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 10/2016 đạt 140 nghìn tấn với giá trị đạt 183 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 10 tháng năm 2016 đạt 1 triệu tấn và 1,28 tỷ USD, tăng 15,8% về khối lượng và tăng 4,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2016 đạt 1.258 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016, chiếm 65,5% thị phần. Chín tháng năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt là 20,3% và 14,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 10/2016 đạt 35 nghìn tấn với giá trị đạt 57 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này 10 tháng đầu năm 2016 đạt 338 nghìn tấn với giá trị đạt 523 triệu USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng lại giảm 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 9 tháng đầu năm 2016 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Đài Loan, chiếm 57% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Về giá trị, 4 thị trường có giá trị nhập khẩu cao su tăng trong 9 tháng đầu năm 2016 là Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaixia với giá trị tăng lần lượt là 22,8%, 9,5%, 7,4% và 3,9%. Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu cao su trong 9 tháng đầu năm 2016 giảm, trong đó giá trị nhập khẩu cao su của Nga là giảm mạnh nhất, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2015.