|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Walmart, Amazon và top nhà bán lẻ Mỹ cố gánh thuế quan để người tiêu dùng có một mùa Giáng sinh an lành

16:27 | 28/11/2019
Chia sẻ
Giá nhiều mặt hàng điện tử tại các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu nước Mỹ đều tăng nhẹ trước kì mua sắp lễ Giáng sinh, tuy nhiên một số trang thương mại điện tử như Walmart và Amazon.com đã giữ ổn định giá các sản phẩm phổ biến, bất chấp áp lực từ thuế quan đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
1000x563_top-us-retailers-absorb-tariff-pressure-ahead-of-holiday-shopping-season

Nhân viên Amazon đóng góp hàng hóa. (Ảnh: Reuters)

Giá các danh mục hàng hóa tăng, giảm không đồng đều

Phân tích này được dựa trên một nghiên cứu về giá mà công ty Profitero thực hiện cho Reuters sau khi họ kiểm tra giá bán trực tuyến của 7 nhà bán lẻ lớn cho 21.000 sản phẩm.

Profitero đã so sánh giá sản phẩm trong giai đoạn tháng 10 - 11/2018 với giá của chúng trong năm nay theo các danh mục hàng hóa quan trọng cho lễ Giáng sinh gồm đồ gia dụng, đồ điện tử, đồ chơi và video game trên 7 công ty bán lẻ: Walmart, Jet.com (thuộc sở hữu của Walmart), Amazon, Target, Best Buy, GameStop và Staples.

Ông Keith Anderson, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược của Profitero, cho biết mức giá trung bình mà các nhà bán lẻ tính cho đồ điện tử cao hơn 2,3% so với cùng kì năm trước, trong khi trên tất cả danh mục, giá sản phẩm tăng 0,9%.

Kết quả trên thấp hơn tỉ lệ lạm phát trung bình trong cùng kì, cụ thể là 2,4% năm 2018 và khoảng 1,8% từ đầu năm 2019 đến nay.

Không xét đến thay đổi về giá so với cùng kì năm ngoái trên mẫu sản phẩm của các nhà bán lẻ và danh mục hàng hóa trong quá khứ, Profitero cho biết giá của nhóm đồ chơi giảm 0,2% và của video games giảm 2%.

Cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc đe dọa kéo giá sản phẩm tăng cao, do đó có thể gây tổn hại đến hoạt động mua sắm của người tiêu dùng trong mùa lễ Giáng sinh - giai đoạn chiếm gần 40% doanh thu hàng năm của nhiều nhà bán lẻ. Hai nước hiện đang gặp trở ngại trong việc soạn thảo nội dung chi tiết của thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Theo Reuters, có khoảng 539 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ năm 2018, đưa đất nước tỉ dân trở thành nhà cung ứng hàng hóa lớn nhất của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã áp thuế quan trừng phạt lên hàng trăm tỉ USD sản phẩm Trung Quốc và đe dọa sẽ tăng thêm nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong khi thuế quan kéo chi phí hàng hóa tăng cao, chí ít cho đến nay một số nhà bán lẻ lớn vẫn có thể kiểm soát giá mà không đẩy áp lực giá sang người mua sắm.

Biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT margin) của toàn bộ nhà bán lẻ, tính cả Walmart, đã giảm kể từ tháng 10/2018 và đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 là 6,7%, theo một phân tích của Oxford Economics.

Không muốn phá hỏng Giáng sinh, các nhà bán lẻ tăng giá ít nhất có thể

"Hiện tại, không ai muốn phá bĩnh và làm hỏng lễ Giáng sinh nên họ đang chuyển sang khách hàng càng ít chi phí phụ càng tốt", theo ông Jeff Unze, Chủ tịch của BorderX Lab - một nền tảng thương mại điện tử, kết nối nhà bán lẻ Mỹ với người tiêu dùng Trung Quốc và theo dõi thay đổi giá cả ở cả hai thị trường.

Vào ngày 1/9, Mỹ đã áp thuế 15% lên nhiều mặt hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, khiến giá vốn của nhiều nhà bán lẻ tăng. Ví dụ, Dollar Tree cho biết thuế quan sẽ kéo giá vốn tăng khoảng 19 triệu USD trong quí IV năm nay nếu thuế quan mà ông Trump đe dọa áp dụng vào tháng 12 có hiệu lực.

Trong phân tích của Profitero trên một mẫu nghiên cứu gồm hơn 6.000 sản phẩm Giáng sinh phổ biến thì sản phẩm của Walmart chỉ đắt hơn 0,4% so với cùng kì năm ngoái. 

Đối với mẫu 9.200 sản phẩm của Amazon, mức tăng giá là 0,6%. Một mẫu nghiên cứu gồm 1.200 mặt hàng Target cho thấy giá rẻ hơn cùng kì năm ngoái 0,9%. Ngược lại, sản phẩm của Staples đắt hơn 4,7% và BestBuy là hơn 1,1%.

Nghiên cứu của Proferito không bao gồm các danh mục phổ biến như may mặc và phụ kiện khi mà phần lớn số này không chịu ảnh hưởng từ đợt thuế quan mới nhất của chính quyền ông Trump, tuy nhiên các nhóm này có thể phải đối mặt với mức thuế 15% dự kiện áp dụng vào ngày 15/12.

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng đến hết tháng 10 cho thấy tivi, điện thoại, linh kiện máy tính, sản phẩm audio và video chiếm 4 vị trí trong top 5 sản phẩm giảm giá mạnh nhất so với cùng kì năm ngoái theo từng danh mục.

Tuy nhiên dữ liệu của mẫu nghiên cứu trên, do Cục Thống kê Lao động Mỹ thực hiện, chỉ tính đến tháng 10, trong khi Profitero chỉ đánh giá giá bán trực tuyến tại 7 nhà bán lẻ trong tháng 10 và 11.

Khả Nhân