|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Trung Quốc cạn 'vũ khí' kinh tế để trả đũa Mỹ về dự luật Hong Kong

17:49 | 22/11/2019
Chia sẻ
Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong, Bắc Kinh đã lên tiếng rằng họ sẽ trả đũa. Tuy nhiên, các chuyên gia của Bloomberg nhận định Trung Quốc không còn nhiều vũ khí trong tay để có thể trừng phạt Mỹ vì đa phần đều đã được sử dụng trong thương chiến.

Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra lời cảnh báo mơ hồ nhưng có vẻ nguy hiểm rằng họ sẽ trả đũa dự luật mà Quốc hội Mỹ thông qua với nội dung yêu cầu Nhà Trắng bảo vệ nhân quyền và đảm bảo quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định các lựa chọn mà Trung Quốc có thể dùng để trả đũa Mỹ về mặt kinh tế khá hạn chế. Phần lớn số này đều đã được sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Tổng thống Trump.

Ngừng nhập khẩu hàng hóa Mỹ: Không còn khả thi

Phương pháp trả đũa rõ ràng nhất của Trung Quốc sẽ là ngừng mua hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã áp thuế đối với 135 tỉ USD sản phẩm xuất xứ từ Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu từ nhiều bang trên khắp nước Mỹ sang thị trường tỉ dân đều đã giảm mạnh.

xk-state-1574069576938266504471

Nguồn: Bloomberg/Bộ Thương mại Mỹ, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung

Trong đó, ngành nông nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Số trường hợp phá sản trang trại ở Mỹ đã tăng 24% trong năm nay và một báo cáo mới của Liên đoàn Cục Nông nghiệp Mỹ cho thấy gần 40% doanh thu của nông dân trong năm nay sẽ đến từ các khoản thanh toán bảo hiểm hoặc cứu trợ của Washington.

Đây là một thảm họa kinh tế đối với nhiều nông dân và nỗi đau đầu cho nhiều nhà xuất khẩu khác. Tuy nhiên, thiệt hại đã xảy ra rồi. Rất ít chuyên gia dự đoán xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi ngay cả khi thương chiến kết thúc ngay ngày mai, vì Trung Quốc đã tìm được nhà cung ứng mới.

Ngay cả các nhà xuất khẩu Mỹ vẫn đang bán sản phẩm tại Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng tình thế của họ đang rất bấp bênh. Nếu đủ thông minh, họ đã tìm kiếm thị trường thay thế. Do đó, Trung Quốc không có nhiều cơ hội để đe dọa Mỹ trên mặt trận thương mại.

Bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ là tự "mua dây buộc mình"

Một vũ khí nguy hiểm khác trong "kho đạn" của Trung Quốc chính là đầu tư. Trung Quốc từ lâu đã là chủ nợ lớn của Mỹ và nắm giữ khối lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản.

Trong vài năm qua, nhiều chuyên gia đã lo ngại rằng một cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc sẽ khiến Trung Quốc bán hết núi nợ này, gây ra thiệt hại mang tầm thế giới cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ.

Screenshot (292)

Nguồn: Bloomberg

Tuy nhiên, mối nguy hiểm trên bị phóng đại quá mức vì hai lí do. Thứ nhất, như kinh nghiệm gần đây chứng minh, Mỹ không cần tiền mặt của chính phủ Trung Quốc.

Trong hai năm 2015 và 2016, Trung Quốc đã chứng kiến một trong những dòng vốn tháo chạy mạnh nhất trong lịch sử, với khoảng 1.000 tỉ USD chảy ra khỏi đất nước. Điều này dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng đối với kho dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh, mà hầu hết trong số này là trái phiếu Mỹ.

Nếu Mỹ phụ thuộc nhiều vào sự cấp vốn của chính phủ Trung Quốc, lãi suất đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, cũng như toàn bộ nền kinh tế Mỹ, đáng lẽ phải tăng lên. Tuy nhiên, nó lại đi xuống.

Nếu Trung Quốc bán tháo một phần tư khối lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ và không gây ra biến động đáng chú ý nào trong chi phí đi vay của Mỹ, thì mối đe dọa của ba phần tư còn lại có thể không lớn. Tương tự các nước phát triển khác, Mỹ đang có nguồn tiền rất dồi dào.

Screenshot (293)

Nguồn: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khu vực St. Louis

Việc bán tháo trái phiếu để đáp trả động thái của Mỹ về Hong Kong sẽ đặt Trung Quốc vào thế nguy hiểm hơn cả Mỹ. Nếu không có tấm đệm dự trữ ngoại hối, sự kiện năm 2015 - 2016 lặp lại có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi kinh điển ở Trung Quốc.

Khi đó, tình trạng dòng vốn tháo chạy sẽ khiến đồng nội tệ bất ngờ mất giá, hệ thống tài chính bị hủy hoại và guồng quay kinh tế đột ngột ngừng lại.

Hạn chế xuất khẩu đất hiếm - phương án không khả thi nhất

Vũ khí cuối cùng Trung Quốc thể dùng là hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một nguồn cung quan trọng cho nhiều sản phẩm công nghệ.

Trung Quốc đang chiếm ưu thế về sản lượng đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia David Fickling của Bloomberg lưu ý rằng mối đe dọa này cũng rất nhỏ.

Khi Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 do tranh chấp địa chính trị, Nhật Bản chỉ cần hợp tác với một công ty của Australia để tìm nguồn cung mới, nhanh chóng phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc. Mỹ có thể dễ dàng thực hiện kì tích tương tự.

Do đó, Trung Quốc có rất ít vũ khí kinh tế để đe dọa Mỹ trước vấn đề Hong Kong. Tương tự, Trung Quốc sẽ thua thiệt nếu trả đũa các tranh chấp địa chính trị và vấn đề nhân quyền khác, chẳng hạn như ở khu tự trị Tân Cương hay Biển Đông.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.