|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự luật ủng hộ Hong Kong: Tổng thống Trump khó xử, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung lâm nguy

11:07 | 21/11/2019
Chia sẻ
Trong khi ông Trump đang phải tìm cách đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước cuộc bầu cử 2020, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật ủng hộ Hong Kong rồi đưa dự luật này đến bàn Tổng thống chờ kí ban hành, qua đó đặt ông Trump vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Hong Kong Reuters

Một người biểu tình được nhân viên y tế đưa đi giữa khung cảnh đổ nát ở trường đại học Polytechnic University, Hong Kong ngày 19/11/2019. Ảnh: Reuters.

Nhân tố tác động tới đàm phán thương mại

CNBC mới đưa tin Hạ viện Mỹ ngày 20/11 đã bỏ phiếu thông qua dự luật về bảo vệ nhân quyền ở Hong Kong với tỉ lệ 417 phiếu thuận và chỉ một phiếu chống, giữa bối cảnh các cuộc biểu tình ở Hong Kong lan rộng và ngày càng trở nên bạo lực.

Theo dự luật này, Bộ Thương mại Mỹ hàng năm sẽ phải xác minh xem Đặc khu hành chính Hong Kong có đủ quyền tự trị để được hưởng quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ hay không. Dự luật này cũng mở ra khả năng áp đặt cấm vận lên những người chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Hong Kong.

Hạ viện Mỹ còn thông qua một dự luật khác, cấm xuất khẩu một số loại vũ khí giải tán đám đông như hơi cay, đạn cao su, … cho cảnh sát Hong Kong cũng với số phiếu áp đảo 417-0.

Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua cả hai dự luật trên và do vậy hai dự luật đang được đặt trên bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng. Hiện nay Nhà Trắng chưa cung cấp thông tin gì về quan điểm của ông Trump nhưng rõ ràng Tổng thống Mỹ đang đối mặt với một bài toán khó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết chính quyền Bắc Kinh "lên án và cực lực phản đối" dự luật nhân quyền Hong Kong và cho rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. 

Dự luật này đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào một tình thế khó xử. Nếu không kí thông qua, ông có thể phải đối mặt với phản ứng gay gắt từ trong nước, bao gồm từ chính Đảng Cộng hòa của mình.

Nhưng nếu ông Trump kí thông qua, chính quyền Bắc Kinh sẽ phật ý và quá trình đàm phán thương mại sẽ càng thêm khó khăn. Việc không đạt được một thỏa thuận thương mại sẽ ảnh hưởng tới khả năng tái đắc cử của ông Trump trong năm 2020.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt đi xuống sau khi hãng tin Reuters ngày 20/11 đưa tin hai nền kinh tế thế giới có thể sẽ không hoàn thành thỏa thuận giai đoạn một trong năm nay như dự tính ban đầu.

Trong đàm phán thương mại chính thức, Mỹ và Trung Quốc bàn luận về các vấn đề như thuế quan, giao dịch nông sản, mở cửa thị trường, bảo vệ tài sản trí tuệ và cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề khác có thể tác động tới tiến trình đàm phán của hai bên, chẳng hạn như lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và quan điểm hai bên về cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Vì vậy, cách ông Trump xử lí vấn đề Hong Kong sẽ có tác động lan rộng tới rất nhiều lĩnh vực.

Nếu ông Trump phủ quyết, Quốc hội vẫn sẽ thông qua

CNBC dẫn một nguồn tin thân cận cho biết nhiều khả năng ông Trump sẽ kí ban hành dự luật liên quan tới Hong Kong.

Trong qui trình lập pháp Mỹ, trong vòng 10 ngày (không tính Chủ nhật) sau khi hai viện quốc hội thông qua với tỉ lệ quá bán, dự luật sẽ được trình cho Tổng thống kí để trở thành luật chính thức. Nếu Tổng thống không chịu kí nhưng có trên 2/3 số thành viên quốc hội thông qua, dự luật cũng sẽ được ban hành.

Tỉ lệ ủng hộ đối với dự luật Hong Kong ở cả Thượng viện và Hạ viện đều cao gần như tuyệt đối, nghĩa là dù ông Trump không kí thì quốc hội cũng có thể dễ dàng đưa dự luật vào áp dụng.

Các cuộc biểu tình tại Hong Kong bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 và bùng phát mạnh vào tháng 6 để phản đối một dự luật cho phép dẫn độ những người bị truy nã từ Hong Kong sang một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực, nhiều nhà cửa và công trình công cộng bị phá hoại, nhiều người bị bắt giữ, nhiều cảnh sát và người biểu tình bị thương.

Một số thành viên của chính quyền Tổng thống Trump như Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ trích gay gắt phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình ở Đặc khu hành chính Hong Kong.

Bản thân ông Trump từng nói Trung Quốc nên tự giải quyết vấn đề này nhưng ông cũng cảnh báo rằng các biện pháp đối xử hà khắc với người dân Hong Kong có thể phá hỏng cuộc đàm phán thương mại.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio – người tích cực thúc đẩy cả hai đảng cùng thông qua dự luật nói trên cho biết ông đã hối thúc Tổng thống Trump "kí ban hành luật này càng sớm càng tốt".

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng nói trong một thông cáo rằng quốc hội đã cho thấy nước Mỹ "đứng về phía những người biểu tình dân chủ ở Hong Kong".

Ngày 20/11 khi được hỏi về các cuộc đàm phán thương mại, Tổng thống Trump nói phía Bắc Kinh muốn đạt được thỏa thuận nhiều hơn là ông muốn. Ông cũng cho biết thêm là ông chưa đạt được thỏa thuận bởi vì "Tôi nghĩ là họ chưa hợp tác đến mức mà tôi muốn".

Song Ngọc, Kiên Dương