|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tình cảnh chung của hàng loạt tiểu bang tại Mỹ: Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm đến hai chữ số

16:34 | 18/11/2019
Chia sẻ
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, cuộc chiến thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đang gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc của hàng loạt tiểu bang tại Mỹ, vượt ra khỏi phạm vi lĩnh vực nông nghiệp.
1

Ảnh: Bloomberg

Trong 9 tháng đầu năm nay, hàng hóa xuất sang Trung Quốc của hơn 30 tiểu bang trải dài từ Florida đến Alaska đều phải chịu thiệt hại hai chữ số so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh số xuất khẩu sang đất nước tỉ dân giảm 39% tại Texas, nơi mà dầu mỏ và khí đốt chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nhóm sản phẩm xuất sang thị trường châu Á này.

Tại Alabama, tiểu bang xuất khẩu xe hơi lớn thứ ba tại Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 49% trong 9 tháng đầu năm 2019. Tương tự, khối lượng hàng hóa xuất từ Florida đến thị trường tỉ dân cũng giảm 40%, trong khi West Virginia và Wisconsin mỗi nơi giảm khoảng 25%.

Tính chung, tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay giảm 15% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 78,8 tỉ USD.

xk state

Nguồn: Bloomberg/Bộ Thương mại Mỹ, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung

"Nhìn chung, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang khá yếu", ông Brad Setser, chuyên gia cao cấp về lĩnh vực kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho hay.

Cũng theo ông Setser, thời gian để phục hồi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với nhiều hàng hóa Mỹ sẽ phụ thuộc vào bản chất của thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Trong một số trường hợp, ngành xuất khẩu của Mỹ sẽ không bao giờ phục hồi

Ông Brad Setser, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Kinh tế Đối ngoại, nhấn mạnh.

Tiểu bang Washington, quê hương của hãng máy bay toàn cầu Boeing, đã chứng kiến giá trị hàng hóa xuất sang Trung Quốc giảm 45% trong quí III, ngay khoảng thời gian dòng máy bay bán chạy nhất của hãng là Boeing 737 MAX vẫn còn bị cấm bay.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã "phản đòn" trong cuộc chiến thương mại bằng cách áp thuế lên khoảng 135 tỉ USD hàng hóa Mỹ gồm nhiều sản phẩm như nông sản (đậu nành, thịt heo), xe máy, mĩ phẩm,...

Trong quá trình đàm phán thỏa thuận giai đoạn một, Bắc Kinh đã nhấn mạnh yêu cầu dỡ bỏ thuế quan Mỹ áp lên 360 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc như một điều kiện để chốt thỏa thuận.

Trong khi đó, một báo cáo mới cho biết thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ có thể khiến Đảng Cộng hòa mất 5 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì năm 2018, một dấu hiệu cảnh báo sớm trước thềm cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.

Nghiên cứu nói trên không nêu đích danh các ứng viên có thể mất ghế tại Hạ viện, nhưng nó chỉ ra thuế quan lên sản phẩm nông nghiệp là nhân tố dẫn đến tổn thất này.

Tiểu bang Tổng xuất khẩu
(tỉ USD)
Tăng trưởng giai đoạn
2017 - 2018 (%)
Tăng trưởng giai đoạn
2009 - 2018 (%)
1. Texas16,32,394
2. California15,80,364,3
3. Washington14,22,9145
4. South Carolina5,6-10518,6
5. Oregon4,621,560,8
6. Illinois3,8-32,911,9
7. Michigan3,6-8,4134,6
8. Ohio3,6-849,6
9. New York3,37,237,6
10. Alabama3-12,6318,8

Nguồn: Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng với việc cắt giảm ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe, "dường như đã gây tổn hại đến các ứng viên Đảng Cộng hòa tại những bang mà các cử tri dao động (swing voter) đóng vai trò quan trọng nhất", báo cáo do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ công bố tháng này nêu rõ.

Bà Emily Blanchard, nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh Tuck (Dartmouth) và đồng thời là một tác giả của bài nghiên cứu trên, cho hay nếu thuế quan vẫn còn và doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc hạn chế tăng lương do xuất khẩu đi xuống, tình thế có thể tác động mạnh hơn đến người lao động và cách họ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2020.

Nhà kinh tế học Admad Ijaz tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, thuộc Đại học Alabama, lại nhận định điều đó vẫn chưa xảy ra.

"Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2019, cho đến nay nó vẫn chưa có tác động đáng kể nào đến bảng lương", ông Ijaz nói và lưu ý thêm rằng các nhà sản xuất xe hơi đang tuyển thêm công nhân và một phần doanh số bị mất tại thị trường Trung Quốc đang được bù đắp bằng mức tăng ở các thị trường mới, đặc biệt là châu Âu.

Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc tạo ra hơn một triệu công ăn việc làm trên khắp nước Mỹ, theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Giữa bức tranh ảm đạm như vậy vẫn xuất hiện vài điểm sáng. Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục thu mua chất bán dẫn được sản xuất tại Oregon, chủ yếu do Intel Corp chế tạo. Intel hiện đang vận hành một trong những nhà máy lớn nhất của hãng tại tiểu bang này.

Tổng xuất khẩu của Oregon sang Trung Quốc đã tăng 65% trong 9 tháng đầu năm nay. Theo ông Nathan Buehler, phát ngôn viên của cộng đồng doanh nghiệp Oregon thì chỉ khoảng một phần ba sản phẩm của tiểu bang chịu ảnh hưởng của thuế quan, trong khi phần lớn chất bán dẫn xuất khẩu đều được miễn thuế.

Tương tự, doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc của tiểu bang South Carolina tăng 30% trong 9 tháng đầu năm, một phần trong nhóm sản phẩm xuất khẩu này là máy bay. Một số máy bay 787 Dreamliner của Boeing được sản xuất tại South Carolina và khoảng 17% trong số đó cho đến nay được bán sang Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến mua thêm 100 máy bay phản lực thân rộng của Boeing, gồm các dòng 787 và 777X, tuy nhiên thỏa thuận đã tạm ngưng vì bất ổn thương mại.

Các quan chức South Carolina và Oregon đều không dám chắc về tương lai của hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Bất ổn thương mại gây ra nhiều lo ngại", ông Buehler nói, đồng thời lưu ý thuế quan trừng phạt dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 là một trở ngại đối với các nhà xuất khẩu hiện tại và là rào cản đối với các doanh nghiệp đang cân nhắc chi phí gia nhập thị trường Mỹ. "Tình hình rất đáng lo!", ông cảm thán.

Yên Khê