|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam nhập 2 triệu tấn giấy/năm

22:25 | 16/10/2018
Chia sẻ
Dự kiến nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có mức tăng trưởng từ 8-10%/năm, đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, đạt kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD với tiềm năng phát triển rất lớn.
viet nam nhap 2 trieu tan giay nam Hiệp hội Giấy và Bột giấy: Tổng cục Hải quan ban hành 2 văn bản làm khó doanh nghiệp
viet nam nhap 2 trieu tan giay nam
Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: XT.

Tuy nhiên, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và cho sản xuất.

Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam ngày 16/10 tại Hà Nội.

Thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương cho biết, riêng đối với giấy bao bì, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn, vì vậy việc tăng năng lực sản xuất đối với giấy bao bì còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Tuy có nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng với nền kinh tế nhưng hiện nay nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu; trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước trước khi đưa vào phân loại và xử lý, còn lại phải nhập khẩu.

“Việc tái sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như sẽ giảm đi việc chặt phá, đồng thời tận dụng được phế liệu để sản xuất giúp giảm chi phí do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí để xử lý so với việc phát thải phế liệu ra môi trường. Do đó, trong sản xuất công nghiệp, không riêng ngành giấy mà rất nhiều ngành đã và đang sử dụng phế liệu trong sản xuất, sản phẩm đã qua sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất như ngành nhựa, giấy, thủy tinh, thép…”, ông Dũng cho biết thêm.

Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến cho biết, qua kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... tái chế giấy phế liệu đã và đang trở thành xu hướng, thậm chí còn là ngành công nghiệp xanh góp phần bảo vệ môi trường. Hoạt động tái chế giấy trở thành hoạt động kinh doanh từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng, nên tạo ra nhiều giá trị kinh tế.

Băn khoăn về nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường

Tuy có vai trò trọng yếu trong việc phát triển công nghiệp, tại Việt Nam, nguyên liệu giấy tái chế và việc nhập khẩu nguyên liệu này vẫn còn gặp nhiều thách thức về mặt quản lý, đặt ra bài toán được mất giữa sản xuất và môi trường.

Trao đổi tại hội thảo về dự thảo sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, đa phần ý kiến đều ghi nhận việc siết chặt quản lý phế liệu này là cần thiết vì đã có một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời một số doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc sử dụng các công cụ khác như phân luồng vi phạm theo mức độ, xác suất sai phạm qua kiểm định của các doanh nghiệp chứ không đánh đồng tất cả như một. Bên cạnh đó tiến hành rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn giấy tái chế đang nhập khẩu vào Việt Nam để giấy tái chế được quản lý và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời thay đổi tên nguyên liệu giấy từ “phế liệu giấy” thành “giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất.”

Các đề xuất, kiến nghị nêu ra từ các chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành về quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu từ các quốc gia khác, tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra được định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách. Về phía doanh nghiệp giấy, môi trường vẫn luôn cần là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải và giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế.

Xem thêm

Xuân Thảo