|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Việt Nam có phải là ‘vịnh tránh bão’ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

07:46 | 03/11/2018
Chia sẻ
“Tôi rất băn khoăn về từ “tránh bão”, vậy tránh bão xong thì doanh nghiệp nước ngoài ở lại hay ra đi?. Thực tế, chúng ta muốn trở thành một vịnh sạch đẹp, an toàn chứ không chỉ muốn làm một nơi tránh bão. Bởi chúng ta muốn các doanh nghiệp gắn bó, làm ăn lâu dài tại đây và cùng phát triển chứ không phải để tránh bão”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I cho biết.

Bản chất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cơ hội nào cho Việt Nam?

Tại Vietnam Business Outlook 2019 diễn ra vào chiều 2/11, nói về cuộc chiến tranh thương mại và những tác động đến thị trường Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực chất là một động thái chính trị nhằm chia lại trật tự thế giới và có thể kéo dài rất lâu nữa.

Và may mắn thay, Việt Nam không lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump trong danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, ảnh hưởng từ bên ngoài tăng lên rất nhanh, nên suy giảm tăng trưởng từ các nước trên thế giới ảnh hưởng khá nhiều đến Việt Nam.

Vậy giá hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng có lợi gì cho Việt Nam? Chúng ta phải xem xét kỹ cơ cấu mặt hàng mà Mỹ đánh thuế vào Trung Quốc. Theo ông Tự Anh, tác động tiêu cực là rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhập linh kiện từ Mỹ, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam.

Còn ảnh hưởng tích cực khi sản phẩm từ Mỹ sang Trung Quốc bị chặn lại, thì Trung Quốc có thể tìm tới thị trường các nước khác, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đề ra là 6,7% trong năm 2018, VN không nên bận tâm quá nhiều về các tác động này.

Chính phủ VN cần tập trung nỗ lực cải cách, tận dụng những lợi thế đang có để phát triển kinh tế, không nên quá lạc quan về cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại này, thay vào đó hãy xem xét hiện trạng của mình để tăng tốc.

viet nam co phai la vinh tranh bao trong cuoc chien thuong mai my trung

“Việt Nam không phải là vịnh tránh bão như chúng ta nghĩ”

Nói về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, cho biết khái niệm “vịnh tránh bão” được mọi người rất hay nhắc đến trong có hai tuần qua.

Để trả lời câu hỏi “Việt Nam có phải là vịnh tránh bão trong chiến tranh thương mại hay không? “, tại hội thảo ông Mai Hữu Tín đã kể một câu chuyện về các doanh nghiệp hàng đầu về nội thất của thế giới.

“Trong 2 tuần qua, tôi đã có dạo một vòng để trao đổi với họ, những doanh nghiệp thật lớn trong ngành nội thất của thế giới với doanh số hàng năm 100 triệu USD đến tỷ USD, đóng vai trò rất lớn trong ngành nội thất thế giới, họ đều có nhà máy tại Trung Quốc. Với mức thuế Mỹ áp vào Trung Quốc, họ đã tìm cách di chuyển di chuyển”, ông Mai Hữu Tín cho hay.

Có một doanh nghiệp rất lớn của Malaysia, họ cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn, nhãn hàng lớn của thế giới. Khi tôi hỏi: Nhà máy của bạn ở Quảng Đông, bạn làm gì với nó thì họ bảo đóng cửa và dọn qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Một doanh nghiệp khác trong ngành nội thất của Ý, có nhà máy rất lớn ở Thượng Hải, ông Tín cũng đưa ra một câu hỏi tương tự thì họ trả lời rằng sẽ đóng cửa và dọn sang Mexico.

Doanh nghiệp thứ 3 ở Mỹ, họ đang mua hàng ở Trung Quốc khoảng 3.000 containner/năm, số lượng rất lớn thì cùng câu hỏi như vậy, họ bảo với ông Tín rằng đóng cửa và sẽ đặt hàng ở Indonesia. Duy nhất chỉ có một doanh nghiệp ở Canada cho biết sẽ dọn nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Qua câu chuyện này, ông Tín cho biết, chiến tranh thương mại xảy ra thì không phải các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đều chuyển sang Việt Nam. Thực tế, Việt Nam không phải là vịnh tránh bão như chúng ta nghĩ.

“Tôi rất băn khoăn về từ “tránh bão”, vậy tránh bão xong thì doanh nghiệp nước ngoài ở lại hay ra đi?. Thực tế, chúng ta muốn trở thành một vịnh sạch đẹp, an toàn chứ không chỉ muốn làm một nơi tránh bão. Bởi chúng ta muốn các doanh nghiệp gắn bó, làm ăn lâu dài tại đây và cùng phát triển chứ không phải để tránh bão”.

“Tôi muốn xác định lại một vấn đề có thể gây hiểu lầm cho nhiều người đó là Việt nam chưa hẳn là nước hưởng lợi duy nhất mà phải coi chừng tác động xấu xảy ra khi cuộc chiến thương mại leo thang”, ông Tín cho hay.

Doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có thể mất đi nhiều những nhân công khi xuất hiện nhiều nhà máy mới với vốn đầu tư cao, được trang bị công nghệ tốt hơn, sẵn sàng trả lương cao hơn. Hơn nữa, việc Trung Quốc không bán hàng được cho Mỹ thì họ sẽ tìm thị trường đông dân như Việt Nam để bán, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, ông Tín cho rằng vẫn còn những cơ hội cho doanh nghiệp Việt, hiện các khu công nghiệp gần Sài Gòn dường như không còn đất nữa, xa nhất ở Bình Dương thì hiện tại giá đất là 70 USD/m2, cao hơn 33 USD sau 2 năm. Tiếp theo đó là những công ty xây dựng, dịch vụ , kiểm toán, kế toán... sẽ hưởng lợi.

Xem thêm

Thu Hà