|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Tổng thống Trump đảo ngược thái độ về đại dịch COVID-19?

12:27 | 23/07/2020
Chia sẻ
Kể từ khi Tổng thống Trump tham gia họp báo về COVID-19, các cấp dưới luôn nơm nớp lo sợ ông sẽ lỡ lời hoặc đưa ra thông tin sai lệch. Tuy nhiên, sự xuất hiện mới nhất của ông Trump hôm 21/7 dường như cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang đi đúng hướng mà các trợ lí và người ủng hộ kì vọng.
Vì sao Tổng thống Trump đảo ngược thái độ về đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Một tháng trước, Tổng thống Trump còn khẳng định đại dịch COVID-19 "đang biến mất" khỏi nước Mỹ. Trong khi COVID-19 khiến nhiều khu vực rộng lớn trên khắp đất nước rơi vào tình cảnh khốn đốn, ông Trump vẫn khăng khăng mối đe dọa y tế này "đang suy yếu".

Các quan chức y tế Mỹ cầu xin ông Trump chú ý hơn đến cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đang ngày càng lan rộng nhưng ông không muốn hành động.

Hôm 21/7, Tổng thống Trump đã đảo chiều với một đánh giá mới về đại dịch và cuối cùng áp dụng chiến lược mà các trợ lí đã kêu gọi ông thực hiện từ sớm.

Cụ thể, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump nhận định đại dịch COVID-19 tại Mỹ "có thể chuyến biến xấu hơn rồi mới được kiểm soát", đồng thời ông kêu gọi người dân nên đeo khẩu trang và hạn chế đến quán bar để phòng ngừa dịch bệnh.

Vì sao Tổng thống Trump quay ngoắt thái độ trong cuộc họp báo mới nhất? - Ảnh 1.

Hôm 21/7, Tổng thống Trump đăng tải một tấm ảnh ông đang đeo khẩu trang lên Twitter và kêu gọi người dân: "Đeo khẩu trang là yêu nước". (Ảnh: Twitter Tổng thống Trump)

So với các cuộc phỏng vấn lộn xộn và đôi lúc kéo dài hơn hai giờ đồng hồ trước đây, sự xuất hiện của ông Trump hôm 21/7 cho thấy một số thay đổi lớn đang diễn ra khi ông cùng các trợ lí tập trung sự chú ý vào mối đe dọa số một đang ngáng đường ông chạm đến nhiệm kì tổng thống thứ hai.

Hình thức của cuộc họp báo ngày 21/7 - chủ yếu là theo kịch bản và chỉ mình ông Trump đứng phát biểu, cũng cho thấy căng thẳng trong Nhà Trắng đã lắng dịu. Vài tuần qua, cấp dưới của ông Trump đã tranh cãi với nhau về vai trò mà ông nên giữ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 ở các bang miền nam và tây nam nước Mỹ.

Politico dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cho biết màn thể hiện tương đối kỉ luật của ông Trump mới đây có khả năng vô hiệu hóa những phản đối mà một số cố vấn nêu ra trong vài ngày trước liên quan đến việc có nên để ông Trump tham gia các họp báo truyền hình trực tiếp về COVID-19 hay không.

Trước đây, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cùng cố vấn cấp cao Jared Kushner và một số quan chức khác trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump từng thúc giục ông chuyển hướng thông điệp tái tranh cử sang lĩnh vực kinh tế và các vấn đề khác thay vì liên tục đề cập đến COVID-19.

Sau nhiều tuần gây áp lực buộc trường học trên cả nước phải cam kết mở cửa trở lại và thúc đẩy kế hoạch tái khởi động nền kinh tế Mỹ, ông Trump hôm 21/7 đã tuyên bố sẽ theo đuổi "một chiến lược mạnh mẽ" nhằm ngăn chặn đại dịch và đảm bảo phân phối loại vắc xin đầu tiên ra thị trường.

Bình luận của ông Trump tại cuộc họp báo vừa qua là thông điệp mà ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của ông cũng hi vọng sẽ thấy sau nhiều tuần chứng khiến tổng thống né tránh hoặc hạ thấp mối nguy hiểm đang đe dọa các bang quan trọng cho chiến dịch tranh cử.

Ông Alfredo Ortiz - Giám đốc Điều hành của tổ chức Job Creators Network kiêm thành viên của liên minh chiến dịch "Latinos for Trump", cho hay: "Tổng thống Trump đã cung cấp một chứng thực quan trọng về đại dịch COVID-19".

Cuộc họp báo ngày 21/7 của Tổng thống Trump xuất hiện trong bối cảnh Washington đang phải chật vật xử lí đợt bùng phát mới sau khi thành tựu chống dịch mấy tháng qua bay biến và quan chức địa phương yêu cầu chính phủ liên bang phải đưa ra một chiến lược quốc gia cụ thể và rõ ràng.

Theo Politico, kể từ lần xuất hiện cuối cùng của ông Trump cùng tổ chuyên trách về COVID-19 của Nhà Trắng hồi cuối tháng 4, số ca xác nhận nhiễm mới tại Mỹ đã tăng gần 4 lần, trong khi tổng ca tử vong đã vượt ngưỡng 141.000.

Ban đầu, ông Trump khẳng định xét nghiệm nhiều dẫn đến số ca bệnh mới tăng. Khi tỉ lệ nhập viện tăng vọt ở nhiều bang hồi đầu tháng này, ông Trump lại nói "99%" số ca nhiễm "hoàn toàn vô hại". Tuyên bố này đi ngược lại khẳng định và bằng chứng khoa học về đại dịch COVID-19 từ giới chuyên gia ở Mỹ.

Tuy nhiên, áp lực từ các đồng minh Đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức y tế cấp cao đã buộc ông Trump tự đánh giá lại thông điệp của bản thân về đại dịch COVID-19.

"Virus Trung Quốc là một căn bệnh quái ác và nguy hiểm", ông Trump nói tại cuộc họp báo. "Một số khu vực ở Mỹ đang làm rất tốt, trong khi một số khác chưa được như vậy".

"Chính phủ Mỹ sẽ dốc toàn lực cứu người và bảo vệ những cá nhân dễ bị tổn hại, điều đó là rất quan trọng", ông Trump nhấn mạnh.

Thay vì hạn chế tham gia vào chiến lược chống dịch để có thêm thời gian dành cho các chủ đề chính trị khác, ông Trump và trợ lí hiện đang tập trung đến COVID-19 và gói cứu trợ kinh tế kế tiếp đang được thảo luận ở Quốc hội Mỹ.

Trước cuộc họp báo ngày 21/7, một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump nhiều khả năng sẽ xuất hiện hàng tuần trước báo chí để cập nhật thông tin về đại dịch, quá trình phát triển vắc xin và các nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế và đời sống khác.

Vì sao Tổng thống Trump đảo ngược thái độ về đại dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Việc Tổng thống Trump sẽ xuất hiện trước báo chí nhiều hơn trong tương lai không phải là không có rủi ro.

Các trợ lí Nhà Trắng và nhóm chiến dịch của Tổng thống Trump đã dừng các cuộc họp báo hàng ngày về COVID-19 của ông từ cuối tháng 4 sau khi sự kiện diễn ra lan man với đủ các tuyên bố sai lệch về y tế, xét nghiệm và phương pháp điều trị, cũng như hành vi lăng mạ đối với thống đốc các bang thực hiện nghiêm lệnh phong tỏa,...

Nhiều cuộc thăm dò tiến hành hồi cuối tháng 4 cho thấy người dân Mỹ ngày càng mất lòng tin vào Tổng thống Trump và không xem ông là một nguồn tin đáng tin cậy về đại dịch.

Trước cuộc họp báo ngày 21/7, một số đồng minh tại Nhà Trắng đã thúc giục ông Trump triển khai một chiến lược mới: tránh đụng độ với phóng viên, bày tỏ sự đồng cảm và đưa ra ví dụ rõ ràng về cách chính phủ Mỹ xử lí cuộc khủng hoảng y tế.

"Ngài Trump nên trò chuyện với tư cách cá nhân và thể hiện sự quan tâm của mình với người dân", ông Ari Fleischer - thư kí báo chí cho cựu Tổng thống George W. Bush, cho hay. Dù vậy, ông Fleischer cảnh báo cho ông Trump tham gia lại các cuộc họp báo là "một sai lầm" cho đương kim Tổng thống Mỹ.

Liệu ông Trump có tiếp tục nghe theo lời khuyên của cựu thư kí báo chí Fleischer hoặc cố vấn thân cận hay không là chưa rõ. Tổng thống Trump đã nhiều lần quay lại với cách tiếp cận vô kỉ luật của bản thân, như vào tháng 3 sau khi ông giành được lời khen ngợi cho một bình luận thực tế hơn về đại dịch.

Trong một buổi chụp hình tại Phòng Bầu dục hôm 20/7, ông Trump gọi các cuộc họp báo ngắn mà ông tham gia hồi đầu năm nay là "thành công" dù cùng lúc đó thì tỉ lệ ủng hộ và niềm tin của cử tri dành cho phản ứng chống dịch của ông đều sụt giảm nghiêm trọng.

Vào thời điểm đó, nhiều đồng minh lo ngại ông Trump đã phô bày bản thân quá mức với cử tri. Các cấp dưới tự hỏi liệu những bình luận phóng đại và quá đà với báo chí của ông Trump có tạo ra nhiều luồng tin tức mới và gây hại thêm cho cơ hội tái đắc cử của ông hay không.

Khi ông Trump lên bục phỏng vấn hôm 21/7, rõ ràng các trợ lí đã thuyết phục ông đối đáp với báo chí bằng một thái độ khác. Tại sự kiện, Tổng thống Trump chỉ đi chệch hướng một lần duy nhất khi phản hồi câu hỏi liên quan đến vụ bắt giữ trợ lí Ghislaine Maxwell của tội phạm tình dục Jeffrey Epstein.

"Tôi không theo dõi vụ này nhiều. Tôi chỉ mong cô Maxwell khỏe mạnh", ông Trump nói.

Câu trả lời ngắn gọn này là một lời nhắc nhở về những rủi ro liên quan đến sự trở lại của ông Trump trong phòng họp báo vì ông từng sẵn sàng đáp trả báo chí hàng giờ liền và tạo thêm nhiều vấn đề để cấp dưới phải xử lí.

Yên Khê