|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao ông Trần Phương Bình 'che mắt' được NHNN trong 10 năm?

17:21 | 04/12/2018
Chia sẻ
Đại diện NHNN cho biết ở góc độ quản lý đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của ông Trần Phương Bình và các đồng phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện. 

Đại diện NHNN: "Thủ đoạn của các bị cáo quá tinh vi"

Liên quan đến vấn đề tăng vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - DAB), ông Võ Văn Thuần, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc tăng vốn điều lệ của DongA Bank căn cứ vào biểu quyết của Đại hội đồng thường niên.

DongA Bank phải thực hiện đúng các điều kiện được đặt ra và báo cáo NHNN. Sau đó, NHNN kiểm tra, thấy đảm bảo thì mới đồng ý cho tăng vốn.

vi sao ong tran phuong binh che mat duoc nhnn trong 10 nam
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank.

Khi Hội đồng xét xử hỏi về quy định của NHNN về mỗi lần DongA Bank tăng vốn, vị đại diện này cho biết, các cổ đông góp vốn hợp lệ hợp pháp như nguồn tiền rõ ràng, minh bạch của cá nhân tổ chức.

Nếu là tiền vay của chính DongA Bank rồi dùng để tăng vốn là không được chấp nhận. Kể cả có vay tổ chức tín dụng khác, khi thanh tra phát tra phát hiện cũng không được. Trong thời gian kiểm tra tăng vốn của DongA Bank từ 2007 -2013 đều được NHNN chấp thuận.

"Ông Bình khai từ 2007-2014, tất cả nguồn tiền để tăng vốn điều lệ là do nộp khống, ông giải thích gì về điều này? NHNN kiểm tra như thế nào? ", HĐXX hỏi.

Theo đại diện NHNN, những hành vi mà các bị cáo đã trình bày so với nghiệp vụ thanh tra kiểm tra thì khó cho đơn vị kiểm tra.

"Với nghiệp vụ của NHNN, năm nào cũng kiểm tra nhưng lại không phát hiện DongA Bank sử dụng nguồn vốn không hợp pháp, ông thấy trách nhiệm của NHNN và cơ quan thanh tra đối với DongA Bank từ 2007 - 2014", HĐXX hỏi tiếp.

NHNN cho rằng dưới góc độ quản lý thì NHNN rất có trách nhiệm, tuy nhiên với những thủ đoạn quá tinh vi thì đã qua mắt NHNN.

Phía NHNN cho rằng, trên thực tế không thể ngày một ngày hai phát hiện nên qua sự việc này khi NHNN đã đề nghị khởi tố. Riêng mà âm quỹ, NHNN phải mất 6 tháng kiểm tra mới phát hiện để xử lý.

Theo luật thanh tra, mỗi lần thanh tra phải ra gửi quyết định thanh tra cho Ngân hàng trước 5 - 10 ngày.

HĐXX ngắt lời, yêu cầu NHNN trả lời đúng câu hỏi về việc có thấy thủ đoạn của các bị cáo có tinh vi quá không.

HĐXX cũng cho biết có tinh vi hay không sẽ xem xét trách nhiệm của đoàn kiểm tra. Bởi vì để ý một chú sẽ thấy dòng tiền của kế toán không đúng, và nếu cho là tinh vi thì tất cả sổ sách phải phù hợp với quỹ. Và đó được gọi là xem xét toàn diện.

" 7 - 10 năm liền cơ quan thanh tra giám sát NHNN không phát hiện ra điều này, nhưng trước tòa ông lại bảo hành vi quá tinh vi cho nên không phát hiện", HĐXX hỏi phía NHNN.

Đại diện NHNN cho biết, qua nghiệp vụ quản lý, NHNN đã phát hiện ra bằng hành vi điều chuyển vàng và tiền đi xuống các chi nhánh. Khi kiểm tra các chi nhánh, NHNN lại phát hiện sai phạm và DongA Bank cho biết điều chuyển về Hội sở. Khi kiểm tra hội sở thì ở ddn vị cho rằng hệ thống tin học bị sự cố cho nên không kiểm tra được.

HĐXX ngắt lời, hỏi lại hành vi của các bị cáo có tinh vi không.

Đại diện NHNN trả lời, trong 10 năm thanh tra hầu như chỉ thanh tra theo từng chuyên đề, chứ không thanh tra toàn diện.

Chỉ sang 2014, 2015 lúc đó Thống đốc NHNN và cơ quan thanh tra giám sát mới đưa ra chuyên đề giám sát toàn diện của từng tổ chức tín dụng. Khi đó mới phát hiện ra những hành vi sai phạm về việc điều chuyển vốn từ chi nhánh này sang Hội sở hoặc qua chi nhánh khác, che mắt cơ quan nhà nước

“Trước tòa, ông có thấy trách nhiệm gì của NHNN, cơ quan thanh tra giám sát NHNN trong việc để xảy ra vụ án kéo dài hơn 10 năm này không?”, HĐXX hỏi.

Đại diện NHNN trả lời, trong quá trình tác nghiệp chuyên môn phải rút ra bài học kinh nghiệm trong việc kiểm tra, hoạt động thanh kiểm tra phải tính toán toàn diện, không manh mún, không để xảy ra sai sót.

Cơ quan thanh tra giám sát NHNN thì đã thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ?

Có mặt tại tòa, bà Dương Thị Bạch Tuyết, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết từ 2007 - 2015 đã có tổng cộng 11 cuộc thanh tra tại ngân hàng Đông Á.

Nội dung về thanh tra có trong kế hoạch đầu năm, sau đó thanh tra giám sát triển khai xuống.

Theo quy định của Luật Thanh tra, trong vòng 5 ngày, Hội đồng thanh tra sẽ thông báo cho đơn vị chuẩn bị tài liệu liên quan. Các đợt thanh tra từ năm 2007 - 2013 là thanh tra theo từng chuyên đề.

“Chỉ có 2014 là thanh tra pháp nhân hợp nhất của DongA Bank, thanh tra toàn diện mới phát hiện sai phạm nghiêm trọng tại DongA Bank”, bà Tuyết cho biết.

Trong 7 năm (2007 - 2014) không thanh tra toàn diện bởi lẽ thực hiện theo kế hoạch thanh tra hàng năm, từng chuyên đề.

Suốt 11 đợt thanh tra, bà Tuyết cho biết, không có thanh tra an toàn quỹ mà chỉ kiểm quỹ vàng của DongA Bank. Lúc này mới phát hiện vàng thiếu hụt.

VKS hỏi bà Tuyết về việc trong 7 năm, tham gia nhiều đợt thanh tra mà không phát hiện sai phạm thì có thấy trách nhiệm của mình? Bà Tuyết cho rằng cơ quan thanh tra giám sát thì đã thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ.

Xem thêm

Minh Anh