USDA: Thương mại gạo toàn cầu dự báo giảm nhẹ trong năm 2022
Trong báo cáo tháng 9/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 48 triệu tấn (xay xát), tăng 0,4 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 0,2 triệu tấn so với năm 2021.
Phần lớn sự sụt giảm dự kiến của thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022 đến từ việc Bangladesh giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Do đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến giảm 2,3 triệu tấn từ mức kỷ lục của năm 2021 xuống còn 16,5 triệu tấn trong năm 2022, nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử của nước này.
Xuất khẩu gạo của Mỹ cũng được dự báo giảm 2,5% trong năm 2022 xuống 2,9 triệu tấn do nguồn cung thắt chặt và giá cao hơn.
Sự sụt giảm xuất khẩu của hai nguồn cung trên sẽ được bù đắp một phần nhờ xuất khẩu tăng từ Australia, Brazil, Myanmar, Campuchia, EU, Pakistan, Paraguay, Thái Lan và Uruguay. Trong đó xuất khẩu của Thái Lan được dự báo tăng mạnh nhất, tăng 0,9 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn trong năm 2022.
Đứng thứ ba thế giới sau Thái Lan là Việt Nam với khối lượng xuất khẩu dự kiến là 6,4 triệu tấn trong năm 2022.
Nguồn: USDA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Trong khi đó, nhập khẩu gạo năm 2022 được dự báo sẽ giảm tại Australia, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Nam Phi và Việt Nam.
Riêng nhập khẩu của Bangladesh dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2021 xuống còn 0,5 triệu tấn do sản lượng nội địa tăng, của Trung Quốc giảm 0,3 triệu tấn xuống còn 3,6 triệu tấn, và Việt Nam giảm 0,7 triệu tấn từ mức cao kỷ lục của năm nay xuống còn 0,5 triệu tấn trong năm 2022.
Trong khi đó, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng tại Angola, Colombia, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, EU, Iran, Iraq, Kenya, Triều Tiên, Madagascar, Mozambique, Nepal, Nigeria, Qatar, và Mỹ.
Về xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2021, USDA ước tính xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm nay đạt 48,2 triệu tấn, tăng hơn 3 triệu tấn so với năm 2020 và gần bằng mức cao kỷ lục 48,3 triệu tấn của năm 2017.
Trong đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ ghi nhận khối lượng xuất khẩu kỷ lục 18,8 triệu tấn, tăng 4,2 triệu tấn so với năm 2020. Tiếp theo là Việt Nam với 6,3 triệu tấn và Thái Lan là 5,6 triệu tấn.
Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2021 với khoảng 3,9 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với năm 2020.
Đứng thứ hai là Bangladesh và Philippines với khối lượng cùng đạt 2,1 triệu tấn, trong khi nhập khẩu của Bangladesh tăng hơn 2 triệu tấn thì Philippines giảm 0,4 triệu tấn so với năm 2020.
Sản lượng gạo toàn cầu tăng 1,7 triệu tấn
Về sản lượng gạo toàn cầu, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021-2022 ở mức kỷ lục 507,9 triệu tấn (xay xát), tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 1,7 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Trong đó, sản lượng của Bangladesh được dự báo tăng mạnh nhất với mức tăng lên tới 1,7 triệu tấn do sản xuất trong nước phục hồi, Trung Quốc và Thái Lan tăng 0,7 triệu tấn.
Ngược lại, Mỹ và Ai Cập được dự báo sẽ có sự sụt giảm sản lượng lớn nhất trong niên vụ 2021-2022, với mức giảm lần lượt là 1,2 triệu tấn và 1,1 triệu tấn.
Ngoài ra, USDA dự báo sản lượng gạo của Việt Nam trong niên vụ 2021-2022 giảm 0,3 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021, đạt 27,1 triệu tấn.
Nguồn: USDA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Tiêu thụ tăng 10,1 triệu tấn lên mức kỷ lục 512,1 triệu tấn
Tiêu thụ gạo toàn cầu và sử dụng còn lại trong niên vụ 2021-2022 cũng được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 512,1 triệu tấn, giảm 2,2 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 10,1 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Tiêu thụ của Ấn Độ thấp hơn kỳ vọng trước đó là nguyên nhân chính khiến USDA điều chỉnh giảm dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu so với ước tính trước đó.
Cụ thể, tiêu thụ và sử dụng gạo còn lại trong niên vụ 2021-2022 của Ấn Độ dự báo đạt 105 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với dự báo trước nhưng vẫn tăng 2,3 triệu tấn (tương đương 2%) so với niên vụ 2020-2021 và là mức tiêu thụ cao nhất của nước này từ trước đến nay.
Xuất khẩu hàng tháng của Ấn Độ tăng vọt trong nửa sau của niên vụ 2019-2020 khiến các nhà xuất khẩu bắt đầu nắm giữ tồn kho hơn mức bình thường để đảm bảo có đủ số lượng cho các lô hàng trong tương lai.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu phân phối số lượng lớn gạo miễn phí hoặc gạo giá rẻ cho người dân trong niên vụ 2019-2020 để ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã không tiêu thụ ngay mà giữ lại một phần trong số đó, dẫn đến dự trữ trong niên vụ 2020-2021 tăng lên mức kỷ lục.
Vì vậy, USDA đã điều nâng ước tính về dự trữ gạo của Ấn Độ và đồng thời cắt giảm dự báo tiêu thụ của nước này so với báo cáo trước đó.
Cụ thể tiêu thụ gạo của Ấn Độ niên vụ 2020-2021 điều chỉnh thấp hơn 4,3 triệu tấn so với dự báo trước xuống 102,7 triệu tấn và niên vụ 2019-2020 thấp hơn 4 triệu tấn xuống 102 triệu tấn.
Cũng theo USDA, Trung Quốc chiếm phần lớn trong tổng mức tăng dự kiến trong tiêu thụ gạo toàn cầu và sử dụng còn lại trong niên vụ 2021-2022, với tổng lượng tiêu thụ dự kiến tăng 5,4 triệu tấn lên mức kỷ lục 155,7 triệu tấn.
Gần như toàn bộ mức gia tăng này của Trung Quốc đến từ việc sử dụng trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và công nghiệp.
Dự trữ giảm 4,2 triệu tấn
Trong niên vụ 2021-2022, dự trữ gạo toàn cầu được USDA dự báo đạt 181,8 triệu tấn, tăng 11,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 4,2 triệu tấn so với mức cao kỷ lục trong niên vụ 2020-2021.
So với dự báo trước, Ấn Độ chiếm phần lớn trong đợt điều chỉnh tăng của tháng này với dự trữ đạt 34,5 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, cao hơn 11,6 triệu tấn so với dự báo trước đó và không đổi so với niên vụ 2020-2021.
Ngược lại, dự trữ gạo trong niên vụ 2021-2022 của Mỹ dự báo giảm 0,3 triệu tấn, xuống còn 1,1 triệu tấn.
Trong khi đó, Trung Quốc chiếm phần lớn trong sự sụt giảm dự trữ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 so với niên vụ 2020-2021 khi dự trữ của nước này dự kiến giảm 5,5 triệu tấn xuống còn 111 triệu tấn.
Tỷ lệ sử dụng dự trữ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo là 35,5%, giảm từ mức 37% của niên vụ 2020-2021.