|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong niên vụ 2024-2025

07:50 | 18/05/2024
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung gạo thế giới sẽ chuyển từ thâm hụt 4,3 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 sang thặng dư 1,2 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025.

Nguồn cung chuyển từ thâm hụt sang thặng dư

Trong báo cáo mới đây, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 đạt mức kỷ lục mới là 527,6 triệu tấn, tăng 10,3 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024.

Mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, nơi sản lượng gạo dự kiến sẽ đạt 138 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024. Sản lượng gạo của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu tấn lên mức 146 triệu tấn. Hai nhà sản xuất này cùng nhau chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu.

Các vụ mùa lớn hơn cũng được dự báo ở các nước sản xuất hàng đầu khác bao gồm Indonesia, Myanmar, Pakistan và Bangladesh.

Tiêu thụ gạo thế giới trong niên vụ 2024-2025 được dự báo sẽ tăng 4,8 triệu tấn lên mức kỷ lục 526,4 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ chuyển từ thâm hụt 4,3 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 sang thặng dư 1,2 triệu tấn trong niên vụ tới. Qua đó chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong 3 năm liên tiếp.

  Nguồn:  Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của USDA  

Tiêu thụ gạo ở Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới, dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 120 triệu tấn (tăng 3,5 triệu tấn), do Chính phủ tiếp tục phân bổ gạo trong các chương trình phân phối công cộng. 

Tiêu thụ ở châu Phi cận Sahara, Nam Á và Trung Đông cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng do dân số tăng.

Ngược lại, tiêu thụ tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất, được dự báo sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp. Sự suy giảm này là kết quả của việc giảm sử dụng gạo làm nguồn nguyên liệu thay thế cho ngũ cốc thô trong thức ăn chăn nuôi.

Dự trữ toàn cầu gạo toàn cầu được USDA dự báo tăng 1,2 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, lên 176,1 triệu tấn.

Trung Quốc (59%) và Ấn Độ (21%) cùng nhau chiếm 80% trữ lượng tồn kho gạo toàn cầu. Chính phủ ở cả hai nước đều duy trì các chương trình dự trữ công.

Trong khi đó, tồn kho cuối kỳ tại Mỹ được dự báo tăng mạnh nhất, với mức tăng 12% sản lượng tăng và nhập khẩu kỷ lục. Nhìn chung, tồn kho tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu đều được dự báo sẽ phục hồi.

Nhập khẩu tăng ở Philippines và Việt Nam, nhưng giảm ở Trung Quốc

Thương mại gạo toàn cầu dự kiến đạt 53,8 triệu tấn trong năm 2025 so với mức 53,5 triệu tấn của năm 2024.

Nhập khẩu gạo của Indonesia được dự báo giảm 2 triệu tấn xuống còn 1,5 triệu tấn do vụ thu hoạch lớn hơn và lượng dự trữ đầu vụ tương đối tốt.

Với vụ mùa bội thu và giá quốc tế cao, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, dự báo chỉ ở mức 1,5 triệu tấn. Con số này thấp hơn nhiều so với hạn ngạch thuế quan 5,3 triệu tấn do giá toàn cầu cao làm giảm động lực nhập khẩu.

Ngược lại, nhập khẩu của Philippines được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4,2 triệu tấn do tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Philippines dự kiến sẽ một lần nữa là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Nhập khẩu của Việt Nam dự kiến đạt mức kỷ lục 3 triệu tấn khiến nước này trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu. Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng chủ yếu là do nhập khẩu lúa gạo từ Campuchia. Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu gạo lứt từ Ấn Độ.

 Nguồn:  Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của USDA 

Nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) được dự báo không thay đổi ở mức 2,2 triệu tấn, khiến khu vực này này trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ ba toàn cầu. Theo USDA, tiêu dùng của EU được dự báo sẽ phục hồi và đạt mức cao gần kỷ lục.

Ngoài ra, nhập khẩu tại Trung Đông và châu Phi cận Sahara được dự báo sẽ tăng. Điều này được lý giải là do sự gia tăng dân số và chế độ ăn uống thay đổi, đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng ở các khu vực này.

Đáng chú ý, Trung Đông, Ả Rập Saudi dự kiến sẽ chứng kiến mức tiêu thụ gạo tăng cao, do cả du lịch và lực lượng lao động nhập cư ngày càng nhiều nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng các dự án quy mô lớn. Còn ở khu vực châu Phi cận Sahara, Nigeria dự kiến sẽ có nhu cầu nhập khẩu ổn định do tăng trưởng dân số.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ phục hồi trong năm tới

Trong năm 2025, xuất khẩu gạo phục hồi từ Ấn Độ dự kiến sẽ phần nào bù đắp sự sụt giảm từ các nước xuất khẩu lớn khác ở châu Á như: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Mynmar. Tổng cộng, bốn nhà xuất khẩu này được dự báo giảm 1,9 triệu tấn, chủ yếu do cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ và nhu cầu từ Indonesia giảm.

Ấn Độ được dự báo vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào năm 2025 với xuất khẩu dự kiến đạt 18 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm trước và chiếm hơn 1/3 thương mại gạo toàn cầu. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng do sản lượng vụ mùa lớn hơn và lượng dự trữ dồi dào. Bất chấp các biện pháp hạn chế thương mại, khối lượng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.

Nguồn tin từ Financial Express cho biết, Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu gạo được áp đặt từ năm ngoái, trong bối cảnh sản lượng gạo dư thừa lớn và kỳ vọng lượng mưa “trên mức bình thường” có thể hỗ trợ tích cực cho vụ mùa Kharif (vụ Hè tính từ gieo cấy lúa trong mùa mưa tháng 6 và thu hoạch trong tháng 10).

USDA dự báo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,5 triệu tấn trong năm 2025, giảm 500.000 tấn so với năm 2024, chủ yếu do nhu cầu từ Indonesia giảm mạnh. Philippines và Trung Quốc, cùng chiếm trên 50% xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục mua số lượng lớn gạo. Đồng thời nhu cầu tại châu Phi cận Sahara vẫn ổn định, dẫn đầu là Bờ Biển Ngà và Ghana.

  Nguồn:  Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của USDA  

Tương tự, xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự báo đạt 7,5 triệu tấn, giảm 900.000 tấn so với năm 2024. Nguyên nhân là nhu cầu dự kiến thấp hơn từ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là từ Indonesia.

Xuất khẩu của Pakistan cũng được dự báo giảm 300.000 tấn xuống còn 5,2 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu từ Indonesia giảm và dự kiến cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ. Sản lượng năm 2024-2025 của Pakistan được dự báo ở mức cao kỷ lục, điều này sẽ giúp giá xuất khẩu của Pakistan có tính cạnh tranh.

Xuất khẩu của Campuchia dự kiến đạt 2,9 triệu tấn, phản ánh xuất khẩu lúa gạo sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, bên cạnh xuất khẩu gạo xay xát cũng ngày càng tăng. Nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ từ các nhà máy gạo ở Việt Nam đã dẫn đến khối lượng thương mại xuyên biên giới lớn được duy trì.

Còn tại Myanmar, xuất khẩu gạo được dự báo đạt 1,8 triệu tấn, giảm 200.000 tấn, do Indonesia và Trung Quốc nhập khẩu ít hơn.

Xuất khẩu gạo của Nam Mỹ được dự báo tăng trong năm tới, do sản lượng và dự trữ cao hơn từ các nhà cung cấp hàng đầu như: Brazil, Uruguay, Paraguay và Argentina. Nhìn chung xuất khẩu từ bốn nhà cung cấp này được dự báo cao hơn 425.000 tấn so với năm 2024.

Nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà nhập khẩu Tây bán cầu và EU là nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu gạo ngày càng tăng của Nam Mỹ. Tăng trưởng xuất khẩu của Brazil thể hiện mức tăng lớn nhất với dự báo đạt 1,3 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm trước.

Xuất khẩu gạo của Mỹ được dự báo sẽ tăng khiêm tốn dù vụ mùa bội thu và giá thấp hơn. Xuất khẩu gạo hạt dài sẽ được hưởng lợi từ hạn ngạch thuế quan và khả năng tiếp cận miễn thuế sang một số quốc gia Tây bán cầu, trong khi nguồn cung sẵn có vào đầu niên vụ 2024-2025 sẽ cải thiện triển vọng xuất khẩu sang Đông Á so với năm 2024.

Hoàng Hiệp