|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ukraine nhượng bộ: Sẵn sàng từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và giữ vị thế trung lập

08:32 | 28/03/2022
Chia sẻ
Trước thềm vòng đàm phán hòa bình mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng giữ vị thế trung lập, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân nếu Nga rút quân và Kiev nhận được đảm bảo an ninh.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine có thể từ bỏ ý định gia nhập NATO, duy trì thế trung lập để chấm dứt chiến tranh. (Ảnh: Financial Times/AFP/Getty Images). 

Ukraine nhượng bộ

Hôm 27/3, Tổng thống Zelensky nói với một nhóm phóng viên độc lập của Nga rằng Kiev sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu của Moscow với điều kiện là những thay đổi được đưa ra trưng cầu dân ý và các bên thứ ba hứa sẽ bảo vệ Ukraine.

“Đảm bảo an ninh, tính trung lập cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa – chúng tôi sẵn sàng làm vậy. Đó là điểm quan trọng nhất...Nga bắt đầu cuộc chiến vì những yêu cầu này”, ông Zelensky nói.

Ông Zelensky cho biết mục đích chính của Ukraine là chấm dứt xung đột nhanh nhất có thể và buộc quân đội Nga rút lui.

Ông Zelensky nói thêm rằng Ukraine sẵn lòng tổ chức các cuộc thảo luận riêng biệt về bán đảo Crimea và vùng biên giới phía đông Donbass. Tính đến nay đã có hơn 14.000 người thiệt mạng trong các xung đột ở vùng Donbass kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. 

“Tôi hiểu rằng không thể buộc Nga rời bỏ hoàn toàn vùng lãnh thổ này – điều đó sẽ dẫn tới chiến tranh thế giới thứ ba. Do vậy tôi mới nói đây là sự thỏa hiệp. Hãy quay về nơi mọi chuyện bắt đầu và sau đó chúng ta sẽ cố gắng giải quyết vấn đề Donbas khó khăn”, ông Zelensky nói bằng tiếng Nga. 

Đại diện từ Nga và Ukraine dự kiến sẽ gặp mặt vào ngày 27/3 tại Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ cho cuộc hội thảo kéo dài ba ngày nhằm chấm dứt chiến sự tại Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận với 4 điểm chính. Ông Zelensky hạ thấp bình luận này và khẳng định hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua cuộc gặp mặt với ông Putin.

Ông Zelensky yêu cầu: “Chúng tôi gặp mặt, lập thỏa thuận, ký kết thỏa thuận, đóng dấu hoặc ký tên bằng máu. Như vậy là đủ để bắt đầu quá trình rút quân. Quân đội Nga phải rút đi, mọi người ký kết đảm bảo, và khủng hoảng kết thúc”.

Để đổi lấy việc từ bỏ mong muốn gia nhập NATO, Kiev muốn thỏa thuận mới giống với điều khoản số 5 của NATO là buộc những nước bảo vệ phải hỗ trợ Ukraine nếu nước này bị tấn công.

Do nguyện vọng tham gia NATO được phản ánh trong hiến pháp Ukraine nên lựa chọn từ bỏ hay không sẽ phải được đưa ra trưng cầu dân ý. Quá trình này có thể mất “vài tháng” trước khi việc sửa đổi được thực hiện. Toàn bộ quy trình sẽ cần ít nhất một năm, ông Zelensky cho biết. 

Tổng thống Zelensky nói tiếp: “Các nước đảm bảo sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào nếu lính Nga vẫn còn trên lãnh thổ Ukraine. Đó là lý do tôi nghĩ chúng tôi có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Chỉ có ông Putin và đoàn tùy tùng là những người đang kéo dài cuộc chiến”.

“Ai thèm nói chuyện về bất cứ điều gì nếu quân đội Nga vẫn ở Ukraine? Ai thèm ký kết bất kỳ điều gì? Sẽ không có gì xảy ra, điều đó là không thể”.

Ông nói thêm rằng Ukraine từ chối bàn bạc về hai đòi hỏi khác của phía Nga là “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa”. Chúng là “những yêu cầu hoàn toàn không thể hiểu được”, ông Zelensky nhận xét.

Màn hỏa mù?

Ukraine và các nước phương Tây lo ngại Nga sẽ sử dụng các cuộc đàm phán như màn tung hỏa mù trong lúc tập hợp lại lực lượng cho cuộc tấn công mới và xây dựng các nhóm chiến đấu mới gần biên giới.

Hôm 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Washington sẽ cung cấp thêm 100 triệu USD hỗ trợ an ninh dân sự cho Ukraine để giúp thực thi luật dân sự và bảo vệ các cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Sau loạt giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra ở phía đông và phía bắc, Ukraine tuyên bố đã giành lại lãnh thổ dọc theo các tuyến đường tiếp tế gần Kiev, Kharkiv và Sumy. Ukraine báo cáo các cuộc không kích ở Lutsk, Zhytomyr và Rivne ở phía tây và Kharkiv ở phía đông cũng như "ném bom rải thảm" vào Mariupol. Thành phố cảng phía đông nam này là nơi nổ ra các cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong chiến sự và gần như đã bị phá hủy.

Ông Zelensky cho biết 90% các tòa nhà ở Mariupol đã bị phá hủy. “Chúng đều từng là các tòa nhà nhiều tầng, vậy nên bạn có thể tưởng tượng được quân Nga đã tấn công dữ dội đến mức nào”.  

Mặt khác, các thị trấn nhỏ hơn đã bị phá hủy hoàn toàn. Tổng thống Ukraine xót xa: “Tôi không biết còn nơi nào từng bị quân đội Nga giày xéo như thế này”. Ông nói thêm rằng sự tàn phá còn tồi tệ hơn hai chiến dịch của Moscow ở Chechnya vào những năm 1990 và 2000. 

 

Giang