|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga định phô diễn sức mạnh nhưng thực tế lại để lộ điểm yếu chí mạng

16:44 | 26/03/2022
Chia sẻ
Một tháng sau khi xung đột Ukraine nổ ra, sức mạnh quân sự của Nga không còn được đánh giá cao như trước. Trong tương lai, Nga có thể sẽ phải trả giá đắt vì đã để lộ rõ điểm yếu của mình.

Đối với an ninh quốc gia, cách người khác nhìn nhận về mình có ý nghĩa quan trọng tới mức sống còn chứ không thể “bơ đi mà sống” như với mỗi người dân thường.

Nếu thế giới đánh giá quân đội Nga là hùng mạnh vô song thì rõ ràng sẽ không quốc gia nào dại dột mà chủ động đem quân xâm lược Nga.

Lý thuyết tương tự cũng áp dụng trong quản lý tiền tệ. Cuối năm 2021, Nga có kho dự trữ ngoại hối lên tới 631 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới.

Nếu kẻ ác ý muốn bán khống đồng ruble để đánh sập giá trị tiền tệ của Nga, Ngân hàng Trung ương Nga có thể dùng kho dự trữ khổng lồ của mình để mua lại hết, đảm bảo tỷ giá ổn định và khiến cho những tay bán khống phải lỗ cháy túi.

Dự trữ ngoại hối càng lớn thì sức răn đe với phe bán khống càng cao và Nga sẽ càng ít phải dùng đến dự trữ để bảo vệ đồng tiền.

Vậy nhưng chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine đã khiến cho Nga để lộ những điểm yếu chí mạng cả về quân sự lẫn tiền tệ.

Có tiền nhưng không được động vào

Hôm 28/2, tức chỉ 4 ngày sau khi Nga động binh, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố phong tỏa tất cả tài sản của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nga tại hệ thống tài chính Phương Tây.

Bộ trưởng Tài chính Nga thừa nhận đòn trừng phạt này đã khiến cho Nga mất quyền tiếp cận khoảng 300 tỷ USD, tương đương gần một nửa dự trữ ngoại hối của Moscow.

Trước đây, Mỹ chỉ đóng băng tài sản của ba nước là Iran, Venezuela và Triều Tiên. Sai lầm của Tổng thống Putin là ông đã không ngờ rằng Phương Tây lại đoàn kết và ra đòn với Nga mạnh tay đến vậy.

Nga đã chủ quan, không chuyển tài sản đến nơi an toàn, ngoài tầm với của Mỹ, EU trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga vẫn còn hơn 20% dự trữ dưới dạng vàng thỏi cất ở trong nước, như thể hiện ở biểu đồ dưới đây. Tuy nhiên, Phương Tây cũng đang chuẩn bị áp lệnh cấm để không cho Nga giao dịch số vàng trên.

 

Nga còn dự trữ bằng nhân dân tệ nhưng Trung Quốc lại tỏ ra không mấy hào hứng trong việc giúp đỡ Moscow do lo ngại bị vạ lây.

Khi Nga mất đi dự trữ ngoại tệ, các nhà đầu tư, đầu cơ cũng không còn niềm tin vào khả năng bảo vệ đồng ruble và ồ ạt bán ra. Giá trị đồng ruble so với USD lao dốc trong những ngày đầu tháng 3, như biểu đồ dưới đây cho thấy.

 

Hôm 23/3 vừa qua, Tổng thống Putin còn tuyên bố các nước “không thân thiện” sẽ phải thanh toán bằng ruble khi mua khí đốt của Nga.

Nhu cầu mua ruble tăng lên khiến cho giá trị tăng lên, nhưng tất cả chỉ là giả tạo chứ không dựa trên cơ chế thị trường tự nguyện.

Khi các doanh nghiệp không còn ngoại tệ để giao nộp và các nước nhất quyết cắt đứt dòng chảy năng lượng Nga, ông Putin sẽ khó lòng giữ ổn định được tỷ giá.

Tương lai u ám này đang ngày càng hiện hữu với Nga. Ngày 25/3, Mỹ tuyên bố sẽ cùng với các đối tác quốc tế cung cấp thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.

Mỹ cũng phấn đấu cung cấp 50 tỷ m3 LNG mỗi năm cho tới ít nhất năm 2030.

Nếu kế hoạch của Mỹ trở thành hiện thực thì châu Âu sẽ bớt phụ thuộc vào năng lượng của Nga và ông Putin sẽ mất đi một lá bài lợi hại trong cuộc đấu địa chính trị với Phương Tây.

Quân đội Nga sa lầy trước đối thủ nhỏ bé

Năm 2022, tổ chức GlobalFirepower đánh giá Nga là nước có quân đội mạnh thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong khi đó, Ukraine đứng thứ 22. Dân số Nga lớn gấp 3,3 lần Ukraine, GDP gấp 9 lần, số lượng quân thường trực lớn gấp hơn 4 lần, số xe tăng gấp 4,8 lần, số máy bay gấp 13 lần, số tàu chiến gấp 16 lần, …

Trước khi xung đột nổ ra, không ai dám nghĩ rằng Ukraine có thể cầm cự trước quân Nga tới hơn một tháng. Tình báo Phương Tây cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin dự tính sẽ chiếm được thủ đô Kiev và 4 thành phố lớn khác của Ukraine trong vòng 48 – 72 giờ đầu tiên.

 

Thực tế hiện nay, Ukraine vẫn kiểm soát hầu hết các thành phố lớn và đà tiến của Nga đã bị chặn ở hầu hết mặt trận. Cả hải, lục, không quân Nga đều đang bế tắc.

Trên bầu trời, Nga không có ưu thế tuyệt đối do Ukraine có nhiều tên lửa phòng không, bao gồm loại tên lửa vác vai Stinger do Phương Tây viện trợ. Stinger chính là cơn ác mộng đối với máy bay trực thăng Liên Xô trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tại Afghanistan (1979 – 1989).

Chi phí chiến tranh khổng lồ tại Afghanistan là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô hai năm sau đó. Ngày nay, những tên lửa do Mỹ sản xuất này tiếp tục đe dọa máy bay Nga ở tầm gần, khiến các phi vụ yểm trợ mặt đất trở nên hết sức nguy hiểm.

Trên đất liền, quân Nga gần như không có bước tiến nào đáng kể trong hai tuần qua. Từ đầu cuộc xung đột đến nay, Nga mới chiếm được một thành phố nhỏ là Kherson ở phía nam, gần bán đảo Crimea do Nga kiểm soát từ 2014. Các đô thị lớn như Kharkiv hay Kiev vẫn nằm trong tay Ukraine.

Tại Biển Đen, hạm đội của Nga không có đối thủ nhưng hiện tại chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ phóng tên lửa vào đất liền. Cảng lớn nhất Biển Đen là Odessa vẫn do Ukraine nắm chắc. Mariupol bị bao vây và pháo kích dữ dội nhưng vẫn chưa chịu đầu hàng quân Nga.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ước tính sau một tháng giao tranh, Nga đã có khoảng 7.000 – 15.000 binh sĩ thiệt mạng. Nếu tính cả những người bị thương, bị bắt và mất tích thì khoảng 40.000 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, tương đương gần 1/4 binh lực mà Moscow chuẩn bị cho chiến dịch ở Ukraine.

Ukraine tuyên bố đã giết chết ít nhất 7 tướng lĩnh quân đội Nga, có nêu tên và quân hàm cụ thể. Phía Nga không xác nhận thông tin trên nhưng cuối tuần trước đã tổ chức tang lễ cho Phó Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Andrei Nikolayevich sau khi ông này tử trận ở gần Mariupol – thành phố cảng của Ukraine mà Nga vây hãm nhiều tuần nay.

 Nga không đạt được bước tiến đáng kể nào trên chiến trường trong một tuần qua. Ngược lại, quân Ukraine đã bắt đầu tổ chức phản công. 

Một trong những nguyên nhân giải thích cho thương vong lớn của quân đội Nga trước đối thủ bị đánh giá thấp như Ukraine là sự yếu kém về hậu cần. Khi Nga đem quân đi giao tranh ở nước khác, đường tiếp vận của quân Nga dài ra và không thể tận dụng được hệ thống đường sắt như khi điều động quân ở nội địa.

Ukraine đã tự phá hủy đường sắt của mình nhằm buộc Nga phải chuyển sang dùng xe tải để tiếp vận. Sau đó, Ukraine lại tập trung mai phục và tấn công các đoàn xe tải này, cắt đứt đường vận chuyển nhiên liệu, đạn dược và lương thực cho binh sĩ Nga ở tiền phương.

Dù không bị quân dân Ukraine đánh chặn thì Nga cũng thiếu phương tiện để phục vụ cho đội quân 175.000 người. "Quân đội Nga không có đủ xe tải để đáp ứng nhu cầu hậu cần ở cự ly ngoài 90 dặm (144 km) tính từ kho quân nhu", Trung tá Alex Vershinin của Lục quân Mỹ nhận định.

Quân đông mà không có lương thực, xe cộ nhiều mà không có nhiên liệu, vũ khí tối tân mà không có đạn dược thì chỉ có tác dụng duy nhất là để cho quân địch bắt làm tù binh và chiến lợi phẩm. Số xe tăng Nga mà quân Ukraine thu được nhiều hơn số xe tăng Ukraine bị phá hủy.

Việc Nga để lộ ra điểm yếu quân sự sẽ khiến cho nhiều đối thủ thêm bạo dạn. Những nước trước đây nghĩ rằng mình không đấu lại được Nga thì nay có thể tin rằng sức mạnh của Moscow chỉ là “hữu danh vô thực”.

  Một xe tăng của Nga bị phá hủy trên con đường gần Kiev, Ukraine, ngày 9/3/2022. (Ảnh: AP). 

Tai họa từng xảy ra với Nga sau khi để kẻ thù nắm được điểm yếu.

Mùa đông năm 1939, Liên Xô tấn công Phần Lan với mục tiêu đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ của nước láng giềng trong vòng một tuần.

Tổng dân số của Phần Lan lúc đó là 3,7 triệu người, trong khi chỉ riêng Hồng quân Liên Xô đã lên tới 11 triệu người, tổng dân số Liên Xô khi đó là 200 triệu. Liên Xô còn có ưu thế khổng lồ về máy bay, xe tăng, pháo binh, … Vì vậy, tham vọng chiến thắng trong vòng một tuần có vẻ là hoàn toàn khả thi.

Trong thực tế, chiến sự kéo dài trong ba tháng rưỡi và Liên Xô chỉ chiếm được khoảng 1/10 lãnh thổ của Phần Lan. Hơn 130.000 binh sĩ Liên Xô tử trận, nhiều gấp 5 lần số thương vong của Phần Lan.

Cuộc Đại Thanh Trừng trong những năm 1936 – 1939 đã khiến hàng chục nghìn tướng lĩnh và sỹ quan tài năng nhất của Hồng quân Liên Xô bị vu khống rồi bắt giam hoặc xử tử. Đội ngũ chỉ huy yếu kém, trang bị cũ kỹ, chiến thuật lạc hậu, quân lính thiếu tập luyện trên thao trường và thiếu quyền chủ động trên chiến trường, … đã khiến cho Hồng quân điêu đứng trước một đối thủ bị đánh giá là nhược tiểu như Phần Lan.

Trùm phát xít Adolf Hitler và các tướng lĩnh của Đức Quốc xã đã nhìn ra những điểm yếu mà Hồng quân để lộ trong cuộc chiến với Phần Lan và quyết tâm xâm lược Liên Xô vào giữa năm 1941.

Quân Đức nhanh chóng vượt qua biên giới Ba Lan, chiếm toàn bộ lãnh thổ Belarus và Ukraine rồi tiến sâu vào đất Nga. Chỉ riêng trong nửa cuối năm 1941, Hồng quân Xô Viết đã phải chịu thương vong hơn 4 triệu người, mất 21.000 máy bay và 20.000 xe tăng.

Cái giá mà một quốc gia phải trả khi đối thủ nhìn ra điểm yếu quả thực rất lớn.

Song Ngọc - Đức Quyền