|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc và Arab Saudi kỳ vọng gì từ chuyến thăm của ông Tập tuần này?

10:45 | 06/12/2022
Chia sẻ
Chuyến thăm của ông Tập nhằm mục đích tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Vùng Vịnh trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi đang căng thẳng. Trong khi đó, Arab Saudi muốn phô diễn sức mạnh với tư cách là nhà lãnh đạo quan trọng của thế giới Arab.

Theo nguồn tin của CNN, vào ngày 8/12, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới thăm Arab Saudi trong nỗ lực tăng cường quan hệ của Trung Quốc với Vùng Vịnh. Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài hai ngày.

Theo Financial Times, ông Tập sẽ gặp Đức Vua Salman bin Abdulaziz al-Saud và Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời tham gia hai hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Arab và Vùng Vịnh. 

Cả hai bên đều chưa đưa ra chi tiết về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy vậy, cả hai quốc gia có thể ký kết một loạt các thỏa thuận hợp tác chung, từ thương mại tự do cho tới năng lượng hạt nhân.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Đức Vua Salman bin Abdulaziz al-Saud tại Bắc Kinh vào năm 2017. (Ảnh: Lintao Zhang/Reuters).

Trung Quốc cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở Trung Đông

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh mong muốn tăng cường liên kết trong một khu vực mà Washington có nhiều tầm ảnh hưởng. Trong chuyến thăm tới Riyadh vào tháng 7, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không rời đi và để khoảng trống lại cho Trung Quốc, Nga hay Iran … Mỹ sẽ không đi đâu cả”.

Tuy vậy, quan hệ giữa ông Biden và Thái tử bin Salman đang căng thẳng. Và bất chấp cam kết với Vùng Vịnh, Mỹ đang ngày càng tập trung tới những khu vực khác. Đồng thời, Trung Quốc cũng là bên sẵn sàng lấp đầy khoảng trống quyền lực tại đây.

“Mọi người đều nghĩ rằng Mỹ đang rời đi”, ông Gedaliah Afterman, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Đông tại Viện Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế Abba Eban, cho hay. 

Trong cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington, “mỗi lần [Trung Quốc] kéo được Arab Saudi lại gần mình thêm một chút sẽ là một chiến thắng gấp đôi, bởi cùng lúc đó, Riyadh cũng đang rời xa Mỹ”, ông nói thêm.

Tuy vậy, các quan chức Vùng Vịnh không muốn bị cuốn vào bất kỳ tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi họ biết rằng cần phải duy trì quan hệ với cả hai.

Cả Arab Saudi và UAE đều tin tưởng vào vai trò người bảo vệ và nhà cung cấp thiết bị quân sự của Washington. Tuy nhiên, Arab Saudi và các quốc gia khác vẫn xích lại gần Bắc Kinh hơn trong hợp tác thương mại, công nghệ và thậm chí cả tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái.

Bà Nissa Felton, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn Janes IntelTrak, cho rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa với vai trò đảm bảo an ninh của Mỹ trong khu vực. 

Tuy nhiên, “các mối quan hệ chính trị ngày càng bền chặt, dù là ở cấp cao nhất của chính phủ, thông qua phiếu bầu trong Liên Hợp Quốc hoặc các sáng kiến chiến lược chung … có thể trở thành vấn đề với lợi ích lâu dài của Mỹ”, bà nói.

Trong nước, ông Tập đang đối mặt với các thách thức về tăng trưởng kinh tế, cũng như sự phản đối chính sách Zero COVID. Ông Willy Lam, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Chủ tịch Tập cần chuyển hướng sự chú ý [trong nước]”.

Saudi muốn trở thành lãnh đạo Trung Đông

Theo Reuters, để phô trương sức mạnh với tư cách một nhà lãnh đạo đầy tham vọng của Thế giới Arab, Thái tử Mohammed cũng sẽ mời các nhà lãnh đạo từ khắp Trung Đông và Bắc Phi tới dự hội nghị thượng đỉnh.

Vào tháng 3, Thái tử bin Salman nói với tạp chí The Atlantic rằng ông không quan tâm việc Tổng thống Joe Biden có hiểu lầm mình hay không, và khuyên ông Biden nên tập trung vào lợi ích nước Mỹ. Trả lời hãng thông tấn nhà nước SPA, ông bin Salman gợi ý rằng Arab Saudi có thể cắt giảm các khoản đầu tư ở Mỹ.

Các nhà ngoại giao trong khu vực cho biết ông Tập sẽ được tiếp đón một cách xa hoa như cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2017, trái ngược với chuyến thăm có phần giản dị của ông Biden vào tháng 7 vừa qua.

Thái tử bin Salman đang tập trung triển khai kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm giúp nền kinh tế Saudi bớt phụ thuộc vào dầu mỏ bằng cách xây dựng những ngành công nghiệp mới, bao gồm sản xuất ô tô, vũ khí, logistics. Tuy vậy, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang chậm lại.

Vương quốc dầu mỏ đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mới, các siêu dự án về du lịch và sáng kiến như thành phố NEOM trị giá 500 tỷ USD. Những dự án này là cơ hội lớn cho các công ty xây dựng Trung Quốc.

Thành phố The Line dài 170 km, chạy qua sa mạc, trong dự án NEOM của Arab Saudi. (Ảnh: Reuters). 

Ông Jonathan Fulton, nhà nghiên cứu cao cấp tại Atlantic Council, cho rằng Thái tử bin Salman đang muốn chứng minh với người dân rằng vương quốc dầu mỏ có vị thế rất quan trọng với nhiều cường quốc trên toàn cầu.

"Có lẽ ông bin Salman cũng đang gửi tín hiệu tới Mỹ, nhưng ... ông ấy quan tâm nhiều hơn đến những gì người dân của mình đang suy nghĩ", ông Jonathan nhận định.

Những gì sẽ được thảo luận

Theo dữ liệu của Jane IntelTrak, tại Vùng Vịnh, Arab Saudi đứng đầu danh sách các điểm đến của đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc trong vòng 20 năm qua, với tổng giá trị đạt 106,5 tỷ USD, cao hơn 97,6 tỷ USD của Kuwait và 46 tỷ cho UAE.

Arab Saudi đứng đầu trong danh sách đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc.

Mối quan hệ Bắc Kinh-Riyadh được củng cố bởi dầu mỏ. Arab Saudi là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc, và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của vương quốc này.

Dầu dự kiến sẽ được nhắc đến rất nhiều trong chuyến thăm tuần này, diễn ra gần cuộc họp quan trọng của OPEC+ và thời điểm giá trần với dầu thô Nga có hiệu lực.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Vùng Vịnh cũng đã vượt qua dầu mỏ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Sự hợp tác trên, nhất là về công nghệ 5G của Huawei đã khiến chính quyền Mỹ lo ngại. 

Việc các nước Vùng Vịnh cho phép Trung Quốc đặt các cơ sở quân sự cũng đang được Washington theo sát. Năm ngoái, UAE đã phải đóng cửa một căn cứ của Trung Quốc sau khi Mỹ phản đối.

Mỹ đã đồng ý cùng Arab Saudi hợp tác về công nghệ 5G. Tuy vậy, vương quốc này vẫn đang làm việc với Huawei. Đồng thời, Riyadh cũng có thể sẽ ký một thỏa thuận để thanh toán dầu mỏ bằng nhân dân tệ. 

Minh Quang