Trung Quốc thắt chặt thêm thòng lọng quanh dịch vụ gọi xe lớn nhất nước này
Các nhà quản lý Trung Quốc vừa thẳng tay xoá bỏ 25 ứng dụng khác có liên quan đến nền tảng gọi xe Didi Chuxing, tờ South China Morning Post cho hay.
Tuần trước, các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc đã được lệnh xoá ứng dụng Didi - chiếm 90% thị phần gọi xe công nghệ tại đại lục, vì lý do "an ninh quốc gia", sau khi công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Trong một thông cáo phát đi, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã yêu cầu hơn 20 ứng dụng bổ sung gắn liền với Didi phải được xoá bỏ trên các kho ứng dụng với cáo buộc những app này đã thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng.
Bằng ngôn từ cứng rắn như tuần trước nhằm chống lại Didi, CAC đã ra lệnh cho 25 ứng dụng này "khắc phục triệt để các vấn đề tồn tại theo đúng yêu cầu của luật pháp và theo tiêu chuẩn quốc gia".
Các ứng dụng bị gỡ bỏ lần này bao gồm các nền tảng phục vụ cho khách hàng doanh nghiệp và những đối tác vận chuyển hàng hoá, cũng như các ứng dụng được thiết kế riêng cho tài xế Didi, chẳng hạn như ứng dụng quản lý camera hành trình.
Trong số các ứng dụng bị đưa vào danh sách đen lần này còn có Didi Shunfeng - một ứng dụng gọi chung xe phổ biến cho phép những hành khách đi cùng một tuyến đường có thể chia sẻ chung xe.
Chỉ vài giờ sau khi thông báo được đưa ra, nhiều ứng dụng trên đã không thể truy cập được trên các kho ứng dụng. Thông báo của CAC cũng cấm các trang web và nền tảng cung cấp liên kết đến các dịch vụ của Didi.
Didi đã trả lời bằng một tuyên bố báo chí phát đi ngay trong đêm nói rằng họ sẽ "chân thành chấp nhận và kiên quyết tuân theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan".
"Chúng tôi sẽ khởi động các cuộc điều tra chuyên sâu và khắc phục các vấn đề hiện có theo đúng các quy tắc và quy định, đồng thời tham khảo các tiêu chuẩn quốc gia liên quan để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân người dùng", Didi tuyên bố trên một tài khoản mạng xã hội.
Giám đốc điều hành bộ phận xe tự hành Didi Meng Xing và Trưởng Bộ phận công nghệ mã nguồn mở Wang Yunbo đều không có mặt tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải. Theo một nhân viên của công ty tổ chức sự kiện, Didi cảm thấy giờ không phải là thời điểm thích hợp để xuất hiện trước công chúng.
Trong khi các nhà chức trách vẫn tỏ ra kín tiếng trước những hành vi sai trái cụ thể của Didi, các nguồn tin nói với tờ South China Morning Post rằng cơ quan quản lý nghi ngờ việc niêm yết của công ty là một hành động cố ý gian dối. Các cơ quan quản lý CAC được cho là đã chỉ đạo riêng Didi hoãn niên yết tại New York, mặc dù chỉ đạo này chưa bao giờ được văn bản hoá.
Với 4,4 tỷ USD, đợt IPO ngày 30/6 của Didi là đợt niêm yết lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Trung Quốc tại New York. Sau đó vài ngày, CAC đã ra lệnh cho Didi ngừng cấp phép đăng ký người dùng mới, và cuối cùng là cấm các cửa hàng ứng dụng phân phối app Didi.
Tiện ích Didi cũng nhanh chóng bị gỡ bỏ khỏi siêu ứng dụng Alipay và WeChat, hai nền tảng kỹ thuật số phổ biến ở Trung Quốc. Việc Bắc Kinh xiết chặt các quy định đối với Didi kiến giá cổ phiếu của hãng giảm mạnh, điều làm làm các cổ đông tức giận và các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng công ty có thể đã đánh lừa các nhà đầu tư về mối quan hệ với cơ quan quản lý Trung Quốc.
Didi cũng hiện đang phải đối mặt với ít nhất hai vụ kiện ở Mỹ, cùng lời kêu gọi yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch mở một cuộc điều tra của Thượng viện.
Nói về tình trạng khó khăn mà Didi đang gặp phải, một chuyên gia tài chính người Anh Bill Browder cho biết: "Mọi người thường hay nói tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc. Điều đó đúng. Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền cho đến khi cơ quan quản lý quyết định rằng bạn không thể kiếm tiền nữa và đột nhiên tất cả các khoản đầu tư đểu trở nên vô nghĩa."