Didi - Uber của Trung Quốc, có thể phải đối mặt án phạt chưa từng có tiền lệ sau khi IPO trên đất Mỹ
Nhà điều hành Trung Quốc đang cân nhắc những án phạt nghiêm khắc, và có lẽ là chưa có tiền lệ, đối với Didi Global Inc sau đợt IPO đầy tranh cãi hồi tháng trước, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề.
Theo đó, các nhà điều hành nhìn nhận quyết định IPO của Didi bất chấp ngăn cản từ Cục Quản lý mạng Trung Quốc (Cyberspace Administration of China - CAC) là một thách thức với chính quyền Bắc Kinh. Nhân sự từ CAC, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước và Bộ Tài nguyên cùng các cơ quan điều hành liên quan đến thuế, vận tải và độc quyền, đã khởi đọng cuộc điều tra thực địa tại văn phòng công ty, cơ quan quảng lý mạng Trung Quốc nói trong một thông báo.
Nhà điều hành đang cân nhắc một loạt các án phạt nghiêm khắc, bao gồm khoản phạt, đề nghị dừng một số hoạt động hoặc đưa vào các nhà đầu tư quốc doanh. Cũng không loại trừ khả năng Didi có thể bị yêu cầu huỷ niêm yết tại Mỹ.
Các cuộc thảo luận đang ở trong giai đoạn sơ bộ và kết quả của chúng vẫn còn đang được cân nhắc, Bloomberg cho hay. Nguồn tin nói rằng án phạt Didi phải nhận có thể lớn hơn Alibaba. Trước đó, Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD sau nhiều tháng bị tiến hành điều tra chống độc quyền. Alibaba cũng chấp nhận áp dụng hàng loạt các biện pháp để bảo vệ nhà bán hàng và người tiêu dùng.
"Rất khó để dự đoán cụ thể mức phạt nhưng tôi chắc chắn nó không nhỏ", ông Minxin Peo, một giáo sư ngành chính phủ tại Đại học Claremont McKenna ở California, chia sẻ.
Giá cổ phiếu Didi giảm tới 7,4% vào thời điểm 9 giờ 23 phút ngày 22/7 (giờ New York).
Với việc kêu gọi được 4,4 tỷ USD, màn IPO của Didi trên đất Mỹ vốn được xem là một thành công. Thương vụ này biến người đồng sáng lập Cheng Wei thành tỷ phú đồng thời mang đến "trái ngọt" cho các nhà đầu tư lâu năm như SoftBank Group Corp., Tiger Global Management và Temasek Holdings Pte.
Dù vậy, CAC đã vào cuộc chỉ một vài ngày sau đó bằng cách công bố một cuộc kiểm tra liên quan đến an ninh và bảo mật liên quan đến các hoạt động xử lý dữ liệu. Ứng dụng Didi cũng bị cấm khỏi các kho ứng dụng Trung Quốc. Gía cổ phiếu Didi bắt đầu lao dốc sau đó.
Các nhà điều hành Trung Quốc ủng hộ hoạt động IPO tuy nhiên bày tỏ quan ngại về hoạt động xử lý dữ liệu của Didi ít nhất từ tháng 4 năm nay. Trong một ví dụ, Didi đã công bố những số liệu liên quan đến các chuyến taxi mà thành viên chính phủ sử dụng, nguồn tin nói, dù chưa rõ liệu vấn đề này có được nêu ra với Didi hay không.
Các nhà điều hành kêu gọi Didi đánh giá và đảm bảo mức độ bảo mật dữ liệu trước khi thực hiện IPO đồng thời nói rằng Didi nên niêm yết tại Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục để giảm rủi ro tiết lộ thông tin. Nguồn tin cho biết chính phủ Trung Quốc không thẳng thắn cấm Didi IPO ở Mỹ song cho rằng Didi đã hiểu những hướng dẫn nêu trên.
Bản thân CAC cũng đang chịu áp lực từ các cơ quan quản lý cao hơn khi bị đặt ra câu hỏi vì sao không chặn công ty thực hiện IPO.
Didi được cho là đã cố gắng đẩy nhanh quá trình IPO trước thời điểm Trung Quốc đưa vào hiệu lực một luật mới liên quan đến web có thể làm ảnh hưởng đến định giá của nó. Vài ngày sau khi IPO, Trung Quốc đề xuất quy định yêu cầu gần như toàn bộ các công ty muốn niêm yết ở nước ngoài phải trải qua đợt đánh giá của CAC.
"Bắc Kinh muốn ngành Internet hiểu rằng dữ liệu và an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và lợi nhuận của các công ty có thể cần hy sinh khi vấn đề nói trên đối mặt với rủi ro", ông Feng Chucheng, một nhà phân tích của công ty tư vấn Plenum, nhận định.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tìm được điểm cân bằng giữa kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ lớn song không làm ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực đang tạo ra tăng trưởng kinh tế. Đợt thắt chặt thực tế đã bắt đầu từ năm ngoài sau khi Bắc Kinh kêu gọi Ant Group hoãn kế hoạch IPO có thể là lớn nhất trên thế giới.
Ngay sau đó, Trung Quốc cũng điều tra chống độc quyền với "ông lớn" giao đồ ăn Meituan và Alibaba. Bắc Kinh muốn các công ty công nghệ lớn dừng lạm dụng quyền lực và nghiền nát các startup sáng tạo khác.
Khi thực hiện IPO, Didi nói với các ngân hàng đầu tư tham gia rằng sẽ không có thông cáo báo chí để công bố sự kiện này. Didi thậm chí không công bố thông tin với nhân viên của mình về việc niêm yết tại New York cho đến giờ phút cuối cùng. Gần nửa đêm ngày 30/6, công ty công bố thông tin trên diễn đàn nội bộ.
Hôm 1/7, cổ phiếu Didi tăng khoảng 16%, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu lớn của các nhà đầu tư. Một ngày sau đó, ban quản trị Didi bắt đầu ăn mừng và thư giãn. Tuy nhiên, vào 7 giờ tối (giờ Trung Quốc), CAC công bố trên website rằng cơ quan này sẽ bắt đầu điều tra Didi để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của đại chúng.
Sau đó vài giờ, Didi chia sẻ sẽ hợp tác toàn diện với đợt điều tra của chính phủ.