Tài sản bốc hơi sau một đêm, giấc mộng giàu sang của người trẻ Trung Quốc vỡ tan khi giới công nghệ bị siết chặt
Khi kỹ sư phần mềm Bruce Wang nghỉ việc tại gã khổng lồ Meituan vào năm ngoái, anh đã tự đưa ra hai lựa chọn: Trở thành nhà đầu tư bitcoin hoặc tham gia một công ty gia sư, theo South China Morning Post.
Cả hai đều là những ngành đầy hứa hẹn. Cuối cùng Wang đã quyết định chọn nghề dạy thêm để đảm bảo công việc, nhưng thời gian đã chứng minh đó là lựa chọn sai lầm.
Công cuộc siết chặt quản lý của giới chức Bắc Kinh trong năm nay đối với cả lĩnh vực dạy thêm và đầu tư bitcoin nói riêng, cùng với lĩnh vực công nghệ nói chung, đang ảnh hưởng đến hàng chục triệu người. Điều này đang định hình lại cách thức những người lao động trẻ sử dụng tài năng của họ.
Cho đến gần đây, Wang vẫn lạc quan về ngành dạy thêm. Nhu cầu giáo dục trực tuyến bùng nổ trong đại dịch khiến nguồn vốn đổ vào lĩnh vực này tăng lên. Giá cổ phiếu của các tổ chức giáo dục như New Oriental và TAL được niêm yết tại New York đã tăng 50% vào năm ngoái, trong khi Gaotu Group, trước đây gọi là GSX, đã tăng gấp đôi.
Với suy nghĩ đó, Wang đã nhận lời đề nghị từ một trong số họ với một gói quyền chọn cổ phiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc cấm các hoạt động kiếm lời từ việc dạy thêm, khối tài sản mới của Wang đã biến mất chỉ sau một đêm.
"Tôi được tăng 30% lương cho công việc mới và tôi đã đổi toàn bộ số tiền tăng thêm này lấy cổ phiếu", Wang nói. Ông dự đoán khoản lỗ của mình rơi vào khoảng 2 triệu nhân dân tệ (310.000 USD).
Mặc dù chính phủ Trung Quốc cũng siết chặt hoạt động khai thác bitcoin trong năm nay, khiến giá sụt giảm mạnh, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giá trung bình năm ngoái.
Gọng kìm đối với giới công nghệ Trung Quốc
Dạy thêm và tiền điện tử chỉ là hai cái tên mới trong nỗ lực lớn của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực công nghệ. Động thái này đã quét sạch hàng nghìn tỷ nhân dân tệ khỏi thị trường chứng khoán trong nỗ lực kiềm chế "sự mở rộng vốn phi lý" của các công ty.
Công cuộc kiểm soát bắt đầu vào cuối năm ngoái khi các cơ quan quản lý xem xét đợt IPO của gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group, và sau đó đưa ra một cuộc điều tra chống độc quyền đối với chi nhánh Alibaba Group Holding, trừng phạt gã khổng lồ lĩnh vực gọi xe Didi Chuxing vì có thể vi phạm bảo mật dữ liệu, ra lệnh cho Tencent Holdings hủy bỏ các thỏa thuận hợp nhất và quan hệ đối tác âm nhạc độc quyền.
Chính phủ cũng ban hành các luật và quy định mới về quản lý dữ liệu, khiến các công ty công nghệ khó kiếm tiền từ dữ liệu người dùng hơn trước đây. Dữ liệu được ví như "bánh mì và bơ" của các công ty công nghệ, các quy tắc mới ảnh hưởng đến những người lao động đang tìm kiếm sự giàu có nhanh chóng sau những đợt IPO của một công ty.
Khi Alibaba có đợt IPO lớn nhất thế giới vào thời điểm năm 2014, công ty đã giúp tạo ra 10.000 triệu phú mới, đẩy giá bất động sản gần trụ sở chính của công ty ở Hàng Châu lên cao. Năm 2018, việc Xiaomi niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong đã giúp lượng cổ phiếu của 5.500 nhân viên được định giá trung bình ở mức 10 triệu nhân dân tệ/người.
Lĩnh vực công nghệ là một trong những nguồn việc làm lớn nhất ở Trung Quốc, tuyển dụng hàng trăm nghìn nhân viên mới trong những năm gần đây. Riêng ByteDance đã tăng số lượng nhân viên của mình lên 100.000 vào năm ngoái, đa số đều làm việc tại Trung Quốc.
Mức lương của lĩnh vực này cũng hấp dẫn. Năm 2010, những sinh viên mới tốt nghiệp đại học có thể kiếm nhiều tiền nhất bằng cách gia nhập các công ty ngân hàng, chứng khoán hoặc bảo hiểm, với mức lương trung bình là 3.370 nhân dân tệ mỗi tháng, theo công ty tư vấn MyCOS. Năm 2019, các công ty phần mềm và truyền thông đưa ra mức lương cao nhất là 6.570 nhân dân tệ mỗi tháng cho sinh viên mới tốt nghiệp.
Những nền tảng như Didi và Meituan cũng mang lại cơ hội mới cho các nhân viên. Các công ty như vậy hiện có hơn 11 triệu nhân viên giao hàng và tài xế, theo một báo cáo vào tháng 8 từ tờ People's Daily.
Giấc mộng giàu sang của người trẻ tan thành mây khói
Việc siết chặt quản lý với giới công nghệ của Bắc Kinh đang đe dọa đến việc làm trong lĩnh vực có lực lượng lao động trẻ lớn nhất Trung Quốc. Zhang Ying, một quan chức chính phủ cho biết: "Một số lượng nhất định sinh viên tốt nghiệp đang không tìm được việc làm, áp lực đối với những người trẻ tuổi đã tăng lên".
Những người đang làm việc tại các gã khổng lồ trong ngành công nghệ đang trở nên lo lắng hơn khi họ già đi. Trước đây, từng có những câu chuyện về việc người sau 35 tuổi sẽ bị sa thải. Do đó, một số người đang chuyển sang làm công việc dân sự, nơi được là ổn định, mặc dù có mức lương thấp hơn.
Năm 2020, hơn 1,5 triệu người đăng ký tham gia kỳ thi cho một vị trí có thẩm quyền cấp nhà nước, nhiều hơn 110.000 người dự thi so với năm 2019. Wang quyết định nghỉ việc vào tháng 8, vì giá cổ phiếu ngành dạy thêm ít có khả năng tăng trưởng. "Tôi vẫn đánh giá cao sức mạnh của công nghệ và đang nghĩ đến việc làm cho một nhà sản xuất ô tô điện hoặc đầu tư định lượng", Wang nói.
Một cựu nhân viên ByteDance hối hận vì đã đổi toàn bộ tiền thưởng hàng năm của mình để lấy quyền chọn cổ phiếu vào đầu năm nay. Đầu năm, đã có những tin tức về việc doanh nghiệp sở hữu Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, được niêm yết ở Hong Kong hoặc New York. Tuy nhiên, công ty này sau đó đã phủ nhận thông tin.
Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 7 rằng công ty đã tạm hoãn kế hoạch IPO sau cuộc họp với các quan chức không gian mạng, những người đã nêu lên những lo ngại về bảo mật dữ liệu.
"Nếu đợt trả thưởng bằng cổ phiếu diễn ra sau sự cố của Didi, có lẽ tôi sẽ không mua cổ phiếu với giá cao như vậy, khoảng 126 USD. Tôi rời công ty vì ba lý do: Tôi muốn thay đổi môi trường và công việc, tốc độ làm việc chậm hơn và khối lượng công việc nhẹ hơn", một cựu nhân viên ByteDance chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhân viên công nghệ thích công việc và áp lực. Một nhân viên Tencent cho biết gần đây cô ấy bận rộn hơn rất nhiều. Cô thường làm việc đến hơn 10 giờ tối, khi cô ấy có thể được hoàn trả phí taxi, nhưng cô ấy nói rằng có quá nhiều đồng nghiệp cũng đi chung xe vào thời gian đó.
Gần đây, nữ nhân viên này cũng làm việc cả ngày cuối tuần mà không có thêm bất kỳ khoản trợ cấp nào. Mặc dù khối lượng công việc nặng nnhưng cô ấy chưa nghĩ đến việc thay đổi công việc vì mức lương cạnh tranh của công ty và cơ hội học hỏi.
"Lương của tôi đã tăng gấp bốn lần kể từ khi tôi tốt nghiệp đại học, và một số đồng nghiệp thậm chí còn tăng gấp 5 hoặc 6 lần", cô nói.
Cổ phiếu của Tencent đã giảm gần 40% so với mức đỉnh vào tháng Giêng. Mặc dù công ty đã cấp lần lượt 300 và 100 cổ phiếu cho mỗi nhân viên vào năm 2016 và 2021, đồng thời đưa ra các lựa chọn cổ phiếu khác dựa trên hiệu suất. Do đó, ngay cả khi cuộc đàn áp công nghệ của Bắc Kinh tiếp tục diễn ra, cô ấy tin rằng giá cổ phiếu công ty sẽ không biến động quá nhiều
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/