|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc soán ngôi Mỹ trong cuộc đua thu hút FDI

08:12 | 25/01/2021
Chia sẻ
Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc thu về nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất thế giới, đánh bật Mỹ khỏi vị trí đầu danh sách.

Dữ liệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, trong năm 2020, Trung Quốc thu hút tổng cộng 163 tỷ USD vốn FDI, trong khi Mỹ chỉ thu về khoảng 134 tỷ USD.

Năm 2019, Mỹ nhận được 251 tỷ USD vốn FDI, trong khi Trung Quốc chỉ thu hút được 140 tỷ, tức chỉ hơn một nửa so với của Mỹ.

Nhìn chung, báo cáo của UNCTAD cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài đồng loạt suy giảm trên toàn cầu vì đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế nhiều quốc gia phải khựng lại.

So với năm trước, tổng vốn FDI năm 2020 giảm 42% xuống còn khoảng 859 tỷ USD. Con số này thậm chí còn giảm đến 30% so với mức đáy ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Giữa đại dịch, Trung Quốc vượt Mỹ trên một mặt trận kinh tế khác - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013. Ngày 20/1/2021, ông Biden đã nhậm chức Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

CNBC cho biết, số liệu của UNCTAD được xác định bằng các khoản đầu tư vào một quốc gia của người dân và doanh nghiệp ở các quốc gia khác, chẳng hạn như việc xây dựng nhà máy mới hoặc mở văn phòng vệ tinh.

Năm ngoái, các nước phát triển bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các quốc gia đang phát triển. Đầu tư vào Mỹ giảm 49%, thấp hơn một chút so với mức trung bình của các nước phát triển là 69%.

FDI vào các nước đang phát triển giảm tương đối vừa phải, khoảng 12%. Nằm trong danh sách các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc ghi nhận mức tăng nhẹ 4%.

Theo báo cáo, Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến dòng vốn FDI giảm 2/3, trong khi Anh không ghi nhận dòng vốn FDI mới. Anh cũng là nước bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19.

Năm ngoái, dù là nước đầu tiên bùng phát dịch, Trung Quốc đã kiểm soát được phần lớn các ca bệnh trong phạm vi biên giới nước mình. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt từ sớm và nguồn cung thiết bị y tế dồi dào đã giúp tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc duy trì ở ngưỡng tương đối thấp.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, kể từ đầu đại dịch đến nay, Trung Quốc báo cáo chưa đến 100.000 trường hợp nhiễm và chỉ hơn 4.800 ca tử vong do COVID-19. Mỹ, có dân số nhỏ hơn Trung Quốc, đã báo cáo hơn 25 triệu ca nhiễm và gần 420.000 trường hợp tử vong.

Dù Trung Quốc vượt Mỹ trong thu hút vốn FDI trong năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với của Trung Quốc, dữ liệu của OECD cho hay.

Các dữ liệu kinh tế khác cũng cho thấy, Trung Quốc gánh chịu ít hậu quả của đại dịch hơn so với các nước khác. Đầu tháng 1, Bắc Kinh báo cáo tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,3% và dự kiến là nền kinh tế lớn duy nhất báo cáo tốc độ tăng trưởng dương năm vừa qua.

Báo cáo của UNCTAD được công bố một ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới trực tuyến. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ không tham gia sự kiện này.

Khả Nhân