|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một năm sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc tăng tốc vượt lên

01:23 | 19/01/2021
Chia sẻ
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang bứt phá chỉ một năm khi COVID-19 bùng phát. Thành công trong áp dụng các biện pháp phong tỏa mạnh tay để kiểm soát đại dịch đã cho phép đất nước tỷ dân gia tăng thị phần thương mại và đầu tư toàn cầu.

Hôm 18/1, Trung Quốc cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, khả quan hơn dự báo 2,1% của các nhà chuyên gia mà Bloomberg khảo sát. Tăng trưởng của riêng quý IV đạt 6,5%, cao hơn ước tính 6,2% mà các chuyên gia đưa ra.

Trung Quốc là kinh tế lớn duy nhất không rơi vào suy thoái trong năm COVID.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), kinh tế thế giới sụt giảm 4,2% năm vừa qua. Trung Quốc tiến lên trong khi thế giới thoái lui. Nhờ vậy, tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đi lên nhanh chóng, từ 13,6% năm 2019 lên 14,5% vào năm 2020. Theo dự báo trước đại dịch, phải đến năm 2022, Trung Quốc mới đạt đến mốc 14,5% này.

Một năm sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc tăng tốc vượt lên - Ảnh 1.

Sự vượt lên của Trung Quốc không chỉ là một cơn gió thoảng qua và khó có thể bị đảo ngược kể cả khi các nền kinh tế khác phục hồi sau quá trình triển khai vắc xin. Các nhà kinh tế của Bloomberg dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm 2020, tiếp tục vượt xa các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, bao gồm Mỹ.

Ông Homi Kharas - chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Brookings Institution mới đây dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, sớm hơn hai năm so với ước tính trước đó của ông. Tập đoàn Nomura Holdings cũng dự báo Trung Quốc soán ngôi Mỹ vào năm 2028.

Nếu điều chỉnh theo ngang giá sức mua (PPP), GDP của Trung Quốc đã vượt Mỹ để chiếm ngôi đầu thế giới từ năm 2014.

Sau khi chống chịu cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump, Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước châu Á và châu Âu, cũng như nâng cao tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tiếp theo.

Tuần vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mạnh dạn tuyên bố "thiên thời và địa lợi" đều đang nghiêng về phía Trung Quốc trong khi Mỹ đang chìm trong bất ổn nội bộ.

Ngoài bước tiến về tỷ trọng GDP trong nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc năm 2020 còn đạt được nhiều thành tựu đáng nể khác:

- Kinh tế Trung Quốc bám đuổi Mỹ với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Năm 2020, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tương đương 71,4% nền kinh tế số 1; tăng 4,2 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

- Thị phần của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu đi lên khi các mặt hàng xuất khẩu liên quan tới y tế tăng mạnh trong đại dịch. Trung Quốc vốn dĩ đã là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong năm 2020 xuất khẩu của đất nước tỷ dân tiếp tục tăng 3,6%. Trong khi đó, UNCTAD - cơ quan thương mại và phát triển của Liên hợp Quốc - dự đoán thương mại toàn cầu năm vừa qua sụt giảm khoảng 5,6%.

- Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giành lại danh hiệu điểm đến thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất sau khi để mất vào tay Mỹ hồi năm 2015. Trong 11 tháng đầu năm ngoái, dòng vốn ngoại vào Trung Quốc đạt 129,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2019. UNCTAD ước tính FDI toàn cầu giảm khoảng 30-40% trong năm 2020.

- Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo doanh thu (Fortune Global 500) năm 2020 có 124 doanh nghiệp Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) trong khi chỉ có 121 công ty Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ trong bảng xếp hạng này.

- Năm 2020, doanh thu phòng vé tại Trung Quốc đạt 2,8 tỷ USD, giảm đáng kể so với con số 9,1 tỷ USD của năm trước đó do ảnh hưởng của COVID-19, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 2,1 tỷ USD của Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ trên thị trường phim ảnh.

- Nợ chính phủ Trung Quốc được thêm vào chỉ số tham chiếu FTSE Russell, hoàn thành quá trình kết nạp Trung Quốc vào ba chỉ số trái phiếu hàng đầu thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng 1.100 tỷ nhân dân tệ (tức 170 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong năm 2020.

Một năm sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc tăng tốc vượt lên - Ảnh 3.

Sản phẩm của đại gia xe hơi Mỹ General Motors bày bán tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Việc Trung Quốc nâng cao vị thế trong thế giới hậu đại dịch buộc các thế lực còn lại phải khẩn trương tìm phương cách ứng phó với Bắc Kinh. Chính quyền Washington đã áp hàng loạt thuế quan và cắt đứt nguồn cung công nghệ tiên tiến, vậy nhưng các quốc gia khác lại thắt chặt quan hệ thương mại và đầu tư.

15 quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 với mục tiêu giảm thiểu rào cản thương mại trong khu vực. Đến tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý một thỏa thuận đầu tư quy mô lớn với Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời ông Bo Zhuang - chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard nhận xét: "Các quốc gia sẽ phải xoay xở trong một thế giới lưỡng cực [Trung Quốc và Mỹ] chứ không phải đơn cực [Mỹ] như trước".

Bà Chang Shu - chuyên gia kinh tế châu Á của Bloomberg nói: "Trung Quốc tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để cải thiện tăng trưởng. Đối với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc giờ đây không chỉ là công xưởng như trước mà còn đồng thời là thị trường tiêu thụ quan trọng".

Các đại gia xe hơi như General Motors (của Mỹ) và Volkswagen (từ Đức) giờ đây bán được nhiều ô tô ở Trung Quốc hơn là ở thị trường quê nhà. Starbucks có kế hoạch mở khoảng 600 cửa hàng mới ở đất nước tỷ dân trong năm nay. Nike thì thông báo doanh thu tại Trung Quốc trong quý kết thúc vào tháng 11/2020 lần đầu đạt mốc 2 tỷ USD.

Đức Quyền - Song Ngọc

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.