|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trung Quốc phát tín hiệu bảo vệ người mua nhà, bỏ mặc 'bom nợ' Evergrande và trái chủ

10:26 | 04/10/2021
Chia sẻ
Bắc Kinh đang kêu gọi hệ thống ngân hàng nới lỏng tín dụng và hỗ trợ ngành bất động sản nói chung. Các động thái này chứng tỏ chính phủ sẽ ưu tiên giúp đỡ người mua nhà hơn là các trái chủ của Evergrande.

Trong tuần trước, Bắc Kinh đã cử một số quan chức tài chính cấp cao hỗ trợ các ngân hàng lớn trong nước để giảm bớt áp lực tín dụng cho người mua nhà và giúp đỡ lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn mua lại cổ phần của Evergrande trong một ngân hàng đang gặp khó khăn để hạn chế ảnh hưởng do "bom nợ" này gây ra. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm khoảng 460 tỷ nhân dân tệ (tương đương 71 tỷ USD) vào hệ thống trong vòng 5 ngày để hỗ trợ thanh khoản.

Các động thái trên cho thấy Trung Quốc sẵn sàng áp dụng biện pháp "hàng rào khoanh vùng" đối với Evergrande, nhưng không chứng tỏ Bắc Kinh muốn trực tiếp cứu trợ "chúa nợ" này. Theo Bloomberg, đây không phải là điềm báo tốt cho các trái chủ trong và ngoài nước, những người đang trông chờ chính phủ Trung Quốc ra tay giải cứu họ.

Ưu tiên người mua nhà

CEO Bruce Richards của Marathon Asset Management nhận định: "Nghĩa vụ đầu tiên của Bắc Kinh là đảm bảo người mua nhà sẽ được bàn giao nhà. Còn các trái chủ ở nước ngoài là những người nằm cuối cùng trong danh sách ưu tiên".

Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ 1,6 triệu người mua nhà đã đặt cọc các căn hộ mà Evergrande vẫn chưa bắt đầu thi công. Nếu giúp Evergrande hoàn thành các dự án này, Bắc Kinh có thể ngăn chặn được cơn sóng biểu tình từng xảy ra trước đó.

Trong tháng 9, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tập trung về văn phòng của Evergrande trên khắp cả nước để yêu cầu "chúa nợ" thanh toán khoảng 40 tỷ nhân dân tệ các sản phẩm đầu tư lợi suất cao.

Trung Quốc phát tín hiệu bảo vệ người mua nhà, bỏ mặc 'bom nợ' Evergrande và trái chủ - Ảnh 1.

Đám đông tập trung biểu tình trước cửa trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến hồi tháng 9. (Ảnh: Bloomberg).

Trước nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội nghiêm trọng, Bắc Kinh sẽ cố gắng đảm bảo rằng trong trường hợp Evergrande vỡ nợ, công nhân xây dựng sẽ được trả tiền trước tiên, sau đó là người mua nhà, tiếp theo là các nhà cung ứng và người cho vay, chuyên gia James Feng của quỹ Poseidon Capital Group dự đoán.

Bà Alejandra Grindal, kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu đầu tư Ned Davis Research, nhận định: "Evergrande khó mà vỡ nợ một cách êm thấm vì rủi ro mà họ gây ra cho một lượng lớn dân cư Trung Quốc. Có thể Bắc Kinh không bận tâm nhiều đến việc tái cấu trúc nợ nước ngoài của Evergrande".

"Rất có thể các trái chủ ở nước ngoài sẽ bị bỏ rơi", ông Feng nói thêm.

Trung Quốc rất có kinh nghiệm trong việc xử lý bê bối của các tập đoàn lớn như Evergrande. Theo các nhà nghiên cứu của Citigroup, công cuộc tái cấu trúc của HNA Group trong năm nay có thể là một hình mẫu đáng chú ý.

Từ ví dụ của HNA, Bắc Kinh có thể sẽ can thiệp, phân tách các hoạt động kinh doanh của Evergrande và bán bớt tài sản của "bom nợ" cho các nhà đầu tư chiến lược. Theo kịch bản này, các trái chủ sẽ chịu lỗ nặng, còn các nhà đầu tư chứng khoán sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi.

Tập trung bảo vệ ngành bất động sản

Đối với Trung Quốc, nguy cơ xảy ra phản ứng dây chuyền trong hệ thống kinh tế lớn hơn nhiều so với bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào từ sự sụp đổ của Evergrande. Dù "bom nợ" này là một trong các công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande chỉ chiếm khoảng 4% doanh số bán nhà tại đất nước tỷ dân.

Theo nghiên cứu mới của nhà kinh tế Ken Rogoff tại Đại học Harvard, nếu các công ty địa ốc khác cũng lao đao sau cú sốc của Evergrande, ngành công nghiệp bất động sản của Trung Quốc có thể trở nên mất ổn định. Hiện, ngành này chiếm khoảng 29% GDP của đất nước tỷ dân.

Trong nửa đầu năm nay, khoảng 12 công ty địa ốc đã báo cáo vỡ nợ trái phiếu, tổng giá trị lên đến 19 tỷ nhân dân tệ, theo Moody's Investors Service. Gần đây, công ty bất động sản Sunac còn gửi thư cầu cứu chính quyền thành phố Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang) vì gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Theo một tuyên bố của PBoC tuần trước, Thống đốc Dịch Cương và các quan chức khác đã yêu cầu các tổ chức tài chính hợp tác với chính phủ để "duy trì sự ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản", đồng thời bảo vệ người mua nhà.

Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, các nhà quản lý đã yêu cầu hệ thống ngân hàng hạn chế cắt nguồn vốn của các công ty địa ốc cùng một lúc. Ngân hàng nên tiếp tục hỗ trợ các dự án đang thi công và phê duyệt khoản vay thế chấp cho những người mua nhà đủ điều kiện mua nhà trước, người này nói.

"Với quy mô khổng lồ và tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản đối với nền kinh tế, chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để tránh một cú sụp đổ nghiêm trọng, đặc biệt là vào thời điểm nền kinh tế đang chịu áp lực lớn khi dịch bệnh còn tiếp diễn", nhà phân tích Christina Zhu của Moody's cho hay.

Cho đến nay, Trung Quốc có thể đã hạn chế được ảnh hưởng tiềm tàng từ "bom nợ" Evergrande. S&P không thấy nhiều bằng chứng cho thấy cú sốc của Evergrande đang gây phản ứng dây chuyền sang các khu vực khác của thị trường tài chính. Thiệt hại chủ yếu giới hạn ở những công ty bất động sản xếp hạng rác.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.