|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Evergrande phớt lờ chủ nợ, chỉ thanh toán cho nhà đầu tư 10% tiền đến hạn

19:47 | 30/09/2021
Chia sẻ
Tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới Evergrande liên tiếp thất hứa với các chủ nợ và nhà đầu tư, khiến nhiều người lo ngại số tiền cho vay sẽ mất trắng.
Evergrande phớt lờ chủ nợ, chỉ thanh toán cho nhà đầu tư 10% tiền đến hạn - Ảnh 1.

Cảnh sát cố gắng kiểm soát đám đông tập trung tại trụ sở của Evergrande tại Thẩm Quyến để đòi tiền, ngày 16/9/2021. (Ảnh: AFP).

Evergrande chìm trong bể nợ

Công ty quản lý tài sản của tập đoàn Evergrande cho biết đã trả 10% số tiền đến hạn thanh toán trong ngày 30/9 cho các nhà đầu tư. 

Evergrande cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản nặng nợ khác bị chính phủ Trung Quốc hạn chế vay mượn thông qua chính sách "ba lằn ranh đỏ". Để lách luật, Evergrande đã phát hành các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) với cam kết lợi nhuận cao và bán cho nhà đầu tư.

Về bản chất, sản phẩm quản lý tài sản này chính là một kiểu vay nợ, huy động vốn từ công chúng.

Tính đến ngày 27/9, Evergrande đã quá hạn trả 40 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,2 tỷ USD) cho những người mua WMP. 

Hàng trăm nhà đầu tư đã tụ tập tại trụ sở của tập đoàn tại thành phố Thẩm Quyến và văn phòng ở nhiều địa phương khác để đòi tiền, xô xát đã xảy ra giữa đám đông và lực lượng cảnh sát.

Evergrande phớt lờ chủ nợ, chỉ thanh toán cho nhà đầu tư 10% tiền đến hạn - Ảnh 3.

Cảnh sát đội mưa đứng tại trụ sở của Evergrande ở Thẩm Quyến, ngày 14/9/2021. (Ảnh: AFP).

Ngày 23/9, Evergrande đã không thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu ngoại tệ đến hạn. 

Hôm 29/9, Evergrande tiếp tục không trả 47,5 triệu USD lãi trái phiếu ngoại tệ khác. Trao đổi với Reuters, hai chủ nợ của Evergrande cho biết tập đoàn này không thanh toán vào ngày 29/9 theo giờ Trung Quốc và cũng không trả trong ngày 29/9 theo giờ Mỹ.

Lô trái phiếu này đáo hạn vào tháng 3/2024 và có lãi suất 9,5%/năm. Nợ vay nước ngoài của Evergrande là gần 20 tỷ USD và trong tháng sau, hơn 162 triệu USD tiền lãi nữa sẽ đến hạn thanh toán. 

Tổng nợ phải trả của Evergrande lên tới hơn 300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc, Reuters cho hay.

Tập đoàn bất động sản này có thời gian ân hạn 30 ngày để thanh toán các khoản lãi trái phiếu. Nếu quá 30 ngày vẫn không trả, các chủ nợ sẽ có quyền tuyên bố Evergrande vỡ nợ.

Trong bối cảnh cạn kiện tiền mặt, có thể Evergrande sẽ không trả nợ, hoặc nếu có thì sẽ trả chậm nhất có thể, tức là vào cuối đợt ân hạn 30 ngày.

Evergrande phớt lờ chủ nợ, chỉ thanh toán cho nhà đầu tư 10% tiền đến hạn - Ảnh 4.

Đa phần nguồn vốn của Evergrande là nợ ngắn hạn.

Chính phủ Trung Quốc sẽ giúp Evergrande đến đâu?

Nhiều trái chủ của Evergrande cho biết họ chẳng những không nhận được tiền mà còn không nhận được bất cứ thông tin liên lạc nào từ phía Evergrande. Một số chủ nợ đã chuẩn bị cho khả năng mất trắng số tiền cho vay.

Nếu Evergrande sụp đổ tan tành, tác động lan truyền tới hệ thống tài chính Trung Quốc và toàn cầu có thể rất đáng quan ngại. 

Ảnh hưởng tới an sinh xã hội của đất nước tỷ dân cũng sẽ rất lớn. Gần 1,5 triệu gia đình Trung Quốc đã trả tiền mua nhà ở hình thành trong tương lai của Evergrande, theo ước tính của Capital Economics. Những căn nhà này vẫn chưa được xây xong và nếu tập đoàn phá sản, người dân sẽ không bao giờ nhận được nhà. 

Trong quý IV, Evergrande sẽ tiếp tục phải trả 1,8 tỷ USD cho các nhà đầu tư sản phẩm quản lý tài sản (WMP) lợi suất cao. Sang năm 2022, thêm 4 tỷ USD nữa sẽ đến hạn, theo số liệu của Use Trust.

Bắc Kinh không muốn trực tiếp ra tay hỗ trợ cho tập đoàn nặng nợ này vì không muốn tạo tâm lý rủi ro đạo đức, nhưng cũng không thể để mặc nó phá sản.

Ngày 29/9, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các tổ chức tín dụng hợp tác với các bộ ngành và địa phương liên quan để duy trì sự phát triển "ổn định và lành mạnh" của thị trường bất động sản, đồng thời bảo vệ lợi ích của người mua nhà.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc gần đây đã thúc giục một số tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp bất động sản do chính phủ hậu thuẫn bắt đầu mua bớt tài sản của Evergrande để giảm bớt rủi ro.

Hôm 29/9, Evergrande thông báo sẽ bán số cổ phần tại ngân hàng Shengjing Bank trị giá 9,99 tỷ nhân dân tệ (tức 1,5 tỷ USD) cho một công ty quản lý tài sản của nhà nước Trung Quốc.

Bản thân Shengjing Bank cũng là một chủ nợ lớn của Evergrande và đã yêu cầu toàn bộ số tiền thu được từ đợt bán cổ phần trên được dùng để trả nợ cho Shengjing. Tính đến giữa năm ngoái, Evergrande đang nợ Shengjing 7 tỷ nhân dân tệ.

Những người bạn tỷ phú của ông chủ Evergrande

Việc một công ty nhà nước mua lại cổ phần của Evergrande tại Shengjing Bank đã gián tiếp làm lợi cho một số tài phiệt là bạn thân của Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn, bao gồm:

Tỷ phú Cheung Chung Kiu, Chủ tịch và nhà sáng lập tập đoàn bất động sản C C Land Holdings.

Tại ngày 30/6 năm nay, ông Cheung gián tiếp sở hữu cổ phần tại Shengjing Bank. Tập đoàn C C Land của ông có hàng tỷ USD tài sản tại Anh, bao gồm tòa nhà chọc trời Cheesegrater ở trung tâm London.

Tỷ phú Henry Cheng, Chủ tịch của tập đoàn bất động sản New World Development, là người bạn giàu có nhất của Chủ tịch Hứa Gia Ấn. Theo Bloomberg, ông hiện có tài sản ròng 23,5 tỷ USD. Gia đình nhà Cheng đầu tư vào cả Shengjing bank lẫn Evergrande.

Tỷ phú Paul Suen sở hữu cổ phần trực tiếp cũng như gián tiếp tại Shengjing Bank. Theo một báo cáo hồi năm 2019, ông Suen còn đầu tư vào cả công ty xe điện và trái phiếu của Evergrande.

Evergrande phớt lờ chủ nợ, chỉ thanh toán cho nhà đầu tư 10% tiền đến hạn - Ảnh 5.

Nữ tỷ phú Karen Lo (áo trắng, bên trái). (Ảnh: Crossroads Foundation Photos).

Nữ tỷ phú Karen Lo là dòng dõi của đế chế sữa đậu nành lớn nhất Hong Kong. Tập đoàn gia đình này còn sở hữu lượng bất động sản khổng lồ, từ các biệt thự ở Holmby Hills và Malibu, California đến căn hộ cũ của ngôi sao nhạc pop Sting ở gần công viên Central Park, New York.

Karen Lo đã thực hiện một số khoản đầu tư cùng với tỷ phú Paul Suen, bao gồm vào Shengjing Bank từ năm 2019.

Song Ngọc