|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đồng ý thử nghiệm trên người thêm hai vắc xin ngừa COVID-19

18:32 | 14/04/2020
Chia sẻ
Trung Quốc đã phê duyệt thêm hai vắc xin mới để thử nghiệm lâm sàng trên người, tham gia cuộc đua toàn cầu nhằm tìm cách ngăn chặn virus corona chủng mới. Đến nay, dịch COVID-19 do loại virus này gây ra đã giết chết gần 120.000 người trên khắp thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng cộng có 70 loại vắc xin ngừa virus corona tiềm năng đang trong quá trình phát triển trên toàn thế giới, trong đó có ba loại đang thử nghiệm trên người.

Cục Quản lí Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt cho Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán (thuộc Công ty Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc) cùng Công ty Nghiên cứu và Phát triển Sinovac (có trụ sở tại Bắc Kinh) tiến hành thử nghiệm kết hợp hai giai đoạn đầu của hai loại vắc xin mới, Tân Hoa Xã đưa tin đầu ngày 14/4.

Cả hai ứng viên đều là vắc xin bất hoạt, tức virus được nuôi cấy mà không có khả năng gây bệnh nhưng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại dịch bệnh.

"Ưu điểm của loại vắc xin này là chúng được sản xuất trong qui trình hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng có thể kiểm soát được và phạm vi bảo vệ rộng", theo đưa tin từ Tân Hoa Xã.

Trung Quốc bật đèn xanh để thử nghiệm thêm hai vắc xin ngừa virus corona trên người - Ảnh 1.

Trung Quốc phê duyệt cho hai loại vắc xin ngừa virus corona khác đi vào giai đoạn thử nghiệm trên người. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Năm 2004, Sinovac đã phát triển một loại vắc xin tiềm năng ngừa virus SARS. Theo South China Morning Post (SCMP), virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 có cấu trúc gen tương tự virus SARS khoảng 80%.

Sinovac đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một cho loại vắc xin trên nhưng không tiến hành các bước sau vì SARS không bùng phát tại Trung Quốc đại lục sau này. Năm 2009, Sinovac cũng đã phát triển vắc xin ngừa cúm H1N1 đầu tiên của thế giới.

Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán - một công ty nhà nước, đã vướng vào một vụ bê bối vào năm 2018 vì sản xuất và bán vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván không đạt chuẩn cho trẻ em.

Tại Trung Quốc, thử nghiệm lâm sàng vắc xin được tiến hành theo ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất được thực hiện trong một nhóm tình nguyện viên nhỏ nhằm kiểm tra xem vắc xin có an toàn và có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không.

Ở giai đoạn hai, vắc xin sẽ được thử nghiệm trên hàng trăm người nhằm xác định kế hoạch tiêm chủng tốt nhất. Giai đoạn ba sẽ thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của vắc xin trên một nhóm tình nguyện viên lớn hơn.

Thông báo về việc thử nghiệm lâm sàng hai loại vắc xin ngừa virus corona mới trên người được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một loại vắc xin tiềm năng khác bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người. Loại vắc xin này do CanSino Biologics (có trụ sở tại Thiên Tân) và Viện Hàn lâm Khoa học Quân y thuộc Học viện Công nghệ Sinh học Trung Quốc phát triển.

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa virus corona đầu tiên của thế giới vào giữa tháng 3 và Inovio Pharmaceuticals đang hợp tác với công ty Beijing Advaccine Biotechnology của Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin khác trên người.

SCMP dẫn lời Công ty Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc cho biết họ đã phân bổ khoảng 1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 142 triệu USD) để phát triển vắc xin vào ngày 19/1. Công ty này nói thêm rằng một ứng viên khác, vắc xin biến đổi gen, cũng đang được phát triển.

Sinovac bắt đầu nghiên cứu vắc xin bất hoạt vào cuối tháng 1, vài ngày sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc phân tách thành công chủng virus corona đầu tiên. Công ty bắt đầu thử nghiệm trên động vật vào ngày 3/3 và sau đó kêu gọi tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Khả Nhân