Trả bớt điểm bán, thắt lưng buộc bụng vì COVID-19 nhưng không giảm ngân sách cho nghiên cứu: Câu chuyện của chuỗi nhà hàng pizza lên nhiều báo Tây
Nỗ lực đàm phán để giảm chi phí thuê mặt bằng
Hồi năm 2019, Pizza Home thuê rất nhiều địa điểm để mở rộng qui mô lên tới 16 điểm bán hàng nhằm phủ rộng thị trường. Nhưng đến cuối năm 2019, khi lập kế hoạch cho năm 2020, Hoàng Tùng - người điều hành chuỗi Pizza Home, đã cân nhắc ngừng bán tại một số điểm do không hiệu quả.
"Sự bùng phát của dịch COVID-19 khiến chúng tôi phải quyết liệt hơn trong đàm phán giá thuê mặt bằng và chúng tôi sẵn sàng trả lại cửa hàng nếu chủ nhà không đồng thuận", Hoàng Tùng kể.
Pizza Home đã trả lại 5 mặt bằng do chủ nhà không đồng ý giảm giá, hoặc mức giảm không đủ lớn để công ty bù lỗ khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Một số chủ mặt bằng đồng ý giảm giá ở mức 30-50% mỗi tháng.
"Một chủ nhà đã miễn phí 3 tháng tiền nhà và sẵn sàng giảm 50% trong 3 tháng tiếp theo để công ty có thể yên tâm hoạt động. Hành động ấy khiến chúng tôi cảm kích vì chủ nhà đã thực sự thể hiện sự chia sẻ đáng quí trong giai đoạn khó khăn", Hoàng Tùng thổ lộ.
Giảm các chi phí khác nhưng vẫn đầu tư cho nghiên cứu
Ngoài giảm chi phí thuê mặt bằng - một khoản chi phí khá lớn đối với một mô hình chuỗi - Pizza Home còn kích hoạt chế độ "ngủ đông" để tiết kiệm chi phí vận hành.
Chẳng hạn, một số bộ phận - như kế toán, hành chính nhân sự - làm việc ở nhà. Những người làm bán thời gian nhận lương theo giờ tạm nghỉ đến khi dịch kết thúc. Giải pháp này góp phần làm giảm chi phislwowng.
Công ty cũng điều chỉnh chi phí khác như điện, nước, vận chuyển theo hướng khoa học và hiệu quả hơn.
Channel News Asia đưa tin về bánh kẹp thịt Burger Corona của chuỗi nhà hàng Pizza Home. Video: Channel News Asia
Mặc dù vậy, Pizza Home vẫn tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới nhằm đáp ứng những nhu cầu mới của khách hàng khi họ dành nhiều thời gian ở nhà hơn vì dịch bệnh.
"Chúng tôi đẩy mạnh những sản phẩm như Pizza Đông Lạnh cho khách hàng tự nướng ở nhà, Pizza Thanh long (nhằm giải cứu nông sản), sáng kiến làm bánh pizza tại nhà. Đặc biệt, bánh Burger Corona đã được những hãng truyền thông lớn nhất - như CNN, BBC, NBC, AP, Le Figaro - đưa tin.
Chỉ nên đẩy mạnh tiếp thị khi có sản phẩm đặc sắc
Một số người nhìn cách Pizza Home làm và đặt câu hỏi: Phải chăng doanh nghiệp vẫn nên đẩy mạnh tiếp thị khi dịch COVID-19 lây lan? Hoàng Tùng nhận định đây là câu hỏi khó.
Quan điểm của Hoàng Tùng luôn là doanh nghiệp không nên kích hoạt một chiến dịch tiếp thị nếu chúng ta không có một sản phẩm đủ đặc sắc. Anh học quan điểm này từ chuyên gia hàng đầu về quản trị hiện đại là Peter Drucker. Theo ông, sáng tạo và tiếp thị phải song hành.
Nếu chỉ tiếp thị dựa trên sản phẩm không đặc sắc, doanh nghiệp sẽ rất khó đẩy, đặc biệt ở cấp độ chiến dịch. Thế nên doanh nghiệp nên cải tiến sản phẩm trước khi đẩy tiếp thị để đạt hiệu quả cao", Hoàng Tùng lập luận.
Bản thân Hoàng Tùng luôn cố gắng tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm có tính đột biến trước khi thực hiện hoạt động tiếp thị.
"Ví dụ, Pizza Home là chuỗi nhà hàng đầu tiên phát khẩu trang miễn phí cho mọi người (từ ngày mùng 3 Tết) ngay khi đại dịch mới bắt đầu. Chúng tôi cũng là chuỗi đầu tiên tạo ra sản phẩm Pizza Thanh Long trong thời điểm mọi người nỗ lực giải cứu thanh long ruột đỏ. Và gần đây, bánh Burger Corona đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông thế giới", Hoàng Tùng nói.