|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump đã lùi bước, Ngoại trưởng Mỹ vẫn gọi virus corona chủng mới là 'virus Vũ Hán' tại cuộc họp G7

14:02 | 26/03/2020
Chia sẻ
AP đưa tin hôm 25/3, các bộ trưởng ngoại giao thuộc nhóm G7 đã tranh cãi nảy lửa về việc có nên xem Trung Quốc là nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19 hay không. Đáng chú ý, dù Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ không gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc" thì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn tiếp tục dùng tên gọi "virus Vũ Hán".

Trao đổi thông qua hình thức trực tuyến vì đại dịch bùng phát, các bộ trưởng ngoại giao G7 đã nhất trí về sự cần thiết của một nỗ lực chung để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu cho biết nhóm bộ trưởng không thể đồng thuận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc gọi virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19 là "virus Vũ Hán".

Do đó, chỉ một ngày sau khi các bộ trưởng tài chính G7 và người đứng đầu các ngân hàng trung ương thành viên ban hành một thông cáo chung đề cập đến đại dịch COVID-19, các bộ trưởng ngoại giao G7 lại không thể thực hiện động thái tương tự.

Chỉ ra tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính hôm 24/3 (trong đó phản bác nhận định cho rằng G7 đang mất đoàn kết), quan chức Mỹ cho hay các bộ trưởng ngoại giao chưa bao giờ có ý định đưa ra thông cáo riêng.

Dù Tổng thống Trump lùi bước, Ngoại trưởng Mỹ vẫn quyết gọi virus corona chủng mới là 'virus Vũ Hán' tại cuộc họp G7 - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Reuters)

AP dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết Ngoại trưởng Pompeo khăng khăng gọi virus corona chủng mới là "virus Vũ Hán", mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số cơ quan khác đã cảnh báo không nên đưa ra một cái tên gắn liền với địa lí vì bản chất toàn cầu của dịch bệnh.

Trong vài tuần gần đây, ông Pompeo đã tăng cường sử dụng tên "virus Vũ Hán", cáo buộc Trung Quốc gây nguy hiểm cho thế giới khi không tiết lộ thêm chi tiết về đại dịch COVID-19, vốn lần đầu được báo cáo tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tổng thống Donald Trump từng thường xuyên gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc". Tuy nhiên, kể từ đầu tuần này, ông Trump đã dừng sử dụng cái tên trên vì giới phê bình cho rằng cách gọi của ông gây ra hiềm khích và phân biệt đối xử đối với người châu Á hoặc người Mỹ gốc Á.

Trong một buổi họp báo riêng sau cuộc họp, ông Pompeo một lần nữa nhắc đến "virus Vũ Hán", nói rằng đây là "nội dung cấp bách nhất trong chương trình nghị sự".

Ngoại trưởng Mỹ cho biết tất cả bộ trưởng ngoại giao G7 đã "cam kết chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 với sự minh bạch, đây là điều cần thiết trên khắp thế giới lúc này".

Ông Pompeo không phủ nhận rằng các nhà ngoại giao G7 đang bất đồng quan điểm về tên gọi của virus corona chủng mới, tuy nhiên khẳng định tất cả đều thừa nhận rằng Trung Quốc đã không sớm công bố chi tiết và hiện đang cố gắng thay đổi cách nhìn của công chúng thế giới về đại dịch COVID-19.

"Bất kì ai tham gia cuộc họp sáng nay (tức sáng 25/3) đều nhận thức sâu sắc về chiến dịch làm nhiễu loạn thông tin của chính quyền Bắc Kinh nhằm làm chệch hướng chú ý của công chúng khỏi những gì thực sự đã diễn ra ở Trung Quốc", ông Pomepeo nói.

Các bộ trưởng ngoại giao G7 khác không hề nhấn mạnh vào ý chỉ trích Trung Quốc như ông Pompeo, ít nhất một người để ngỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất cố gắng sử dụng dịch COVID-19 để thúc đẩy lợi thế chính trị.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Yves Le Drian nói: "Tôi xem các nỗ lực chống lại hành vi sử dụng dịch bệnh cho mục đích chính trị là cần thiết và bày tỏ quan điểm rằng đoàn kết là biện pháp cần phải được ưu tiên hơn trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch hiện nay".

Bất đồng quan điểm về tên gọi của virus corona chủng mới trong cuộc họp nhóm G7 được hãng thông tấn Đức Der Spiegal đưa tin đầu tiên. Trong khi đó, các quan chức Đức cho biết họ quan tâm đến kết quả cuộc họp nhóm G20 (dự kiến diễn ra hôm 26/3 theo giờ địa phương) theo yêu cầu của Arab Saudi hơn.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.