|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổng giá trị doanh nghiệp (Total Enterprise Value - TEV) là gì? Cách tính TEV

11:19 | 15/06/2020
Chia sẻ
Tổng giá trị doanh nghiệp (tiếng Anh: Total Enterprise Value, viết tắt: TEV) là một phép đo giá trị được sử dụng để so sánh các công ty với các mức nợ khác nhau.
Tổng giá trị doanh nghiệp (Total Enterprise Value) là gì? Cách tính tổng giá trị doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Neil Patel

Tổng giá trị doanh nghiệp

Khái niệm

Tổng giá trị doanh nghiệp trong tiếng Anh là Total Enterprise Value, viết tắt là TEV.

Tổng giá trị doanh nghiệp (TEV) là một phép đo giá trị được sử dụng để so sánh các công ty với các mức nợ khác nhau. Tổng giá trị doanh nghiệp không chỉ bao gồm giá trị vốn chủ sở hữu của công ty mà còn cả giá trị thị trường của khoản nợ trừ đi các khoản tiền và các khoản khác tương đương tiền.

Một số nhà phân tích tài chính sử dụng phân tích vốn hóa thị trường để định giá một công ty. Vốn hóa thị trường là giá trị của một công ty bằng cách nhân giá cổ phiếu hiện tại với tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, các công ty thường có cấu trúc tài chính và vốn khác nhau nên Tổng giá trị doanh nghiệp trở thành thước đo giá trị tốt hơn khi so sánh các công ty với nhau.

Tìm hiểu khái niệm Tổng giá trị doanh nghiệp

Tổng giá trị doanh nghiệp được sử dụng để tính toán toàn bộ giá trị kinh tế của một công ty. Nó thường được coi là một thước đo toàn diện hơn vì nó tính đến yếu tố nợ và tiền mặt của công ty. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề tài chính và giá trị của công ty đó.

TEV được tính như sau: 

TEV = vốn hóa thị trường + giá trị thị trường của nợ + cổ phiếu ưu đãi - khoản dư tiền và các khoản tương đương tiền.

Vốn hóa thị trường sẽ được thêm vào tổng nợ của công ty. Cổ phiếu ưu đãi cũng được thêm vào bởi vì nó là một chứng khoán lai có cả tính năng của vốn chủ sở hữu và nợ. Cổ phiếu ưu đãi được coi là nợ vì loại cổ phiếu này trả cổ tức và có mức độ ưu tiên cao hơn khi yêu cầu nhận lãi so với cổ phiếu phổ thông. Ngoài ra, cổ phiếu ưu đãi được hoàn trả tương tự như nợ trong trường hợp mua lại.

Tiền và các khoản tương đương tiền có thể được trừ vào công thức vì nó làm giảm chi phí mua lại công ty. Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn, thương phiếu, quĩ thị trường tiền tệ và chứng khoán thị trường.

Tổng giá trị doanh nghiệp thực sự hữu ích khi các công ty tham gia vào việc sáp nhập và mua lại. Nếu một công ty có đang quan tâm đến việc một công ty khác, nó sẽ cần phải biết công ty mục tiêu đó có bao nhiêu nợ trên bảng cân đối kế toán. Công ty có nhu cầu mua lại có thể cần phải trả hết nợ như là một phần của việc tiếp quản. 

Tổng giá trị doanh nghiệp và Vốn hóa thị trường

Hai công ty dường như có vốn hóa thị trường tương tự nhau có thể có tổng giá trị doanh nghiệp rất khác nhau.

Ví dụ, công ty A đang cố gắng so sánh giá trị của nó với giá trị của đối thủ cạnh tranh, thì nó sẽ phải nhìn xa hơn không chỉ vốn hóa thị trường. Giả sử đối thủ cạnh tranh có vốn hóa thị trường là 100 triệu đô la nhưng có khoản nợ 50 triệu đô la. Công ty A có thể có mức vốn hóa thị trường là 100 triệu đô la nhưng thay vào đó nó có thể không có nợ và có 10 triệu đô la tiền mặt trong tay. Tính theo tổng giá trị doanh nghiệp, giá trị của đối thủ cạnh tranh sẽ là 150 triệu đô la trong khi công ty A sẽ chỉ có giá trị 90 triệu đô la.

Hãy nói rằng thay vì so sánh với đối thủ cạnh tranh, công ty lại đang tìm cách mua lại đối thủ cạnh tranh. Sử dụng giá trị vốn hóa thị trường, ta nói rằng giá tiếp quản để mua lại công ty trị giá 100 triệu đô la. Tuy nhiên, TEV cho thấy chi phí mua lại thực sự là 150 triệu đô la, do có thêm khoản nợ 50 triệu đô la.

Sử dụng TEV để chuẩn hóa giá trị

Ngoài việc là một thước đo để so sánh các công ty, TEV nó còn cho phép một công ty hoặc nhà phân tích tài chính chuẩn hóa việc định giá về một công ty. Nhiều nhà phân tích tài chính sử dụng tỉ lệ giá trên thu nhập (P/E) để tính giá trị của một công ty. Tỉ lệ P/E được dùng trong việc định giá một công ty để đo lường giá cổ phiếu hiện tại của nó so với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Tuy nhiên, tỉ lệ P/E của một công ty không phải lúc nào cũng cung cấp một bức tranh toàn cảnh vì nó chỉ bao gồm vốn hóa thị trường và lợi nhuận của công ty.

Thay vào đó, các nhà phân tích tài chính có thể chuẩn hóa định giá của một công ty bằng cách tính hệ số EBITDA/giá trị doanh nghiệp. Hệ số EBITDA/giá trị doanh nghiệp cho phép sự đánh giá tốt hơn về giá cổ phiếu của công ty cho mục đích đầu tư.

(Theo Investopedia)

Lê Huy