|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Công ty Thép Việt Nam lỗ ròng trong quý II, bức tranh ngành thép thêm tăm tối

16:39 | 28/07/2022
Chia sẻ
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty Thép Việt Nam cho thấy khoản lỗ 31 tỷ đồng trong quý vừa qua, trái ngược với số lãi 627 tỷ đồng cùng kỳ 2021.

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 cho thấy doanh thu thuần đạt 9.569 tỷ đồng, giảm 12,3% so với quý II năm ngoái.

Do giá vốn hàng bán vẫn duy trì ở mức cao nên lợi nhuận gộp lao dốc 83% còn 162 tỷ đồng. Phần lỗ trong công ty liên doanh, liên kết là 89 tỷ đồng, trái với khoản lãi 53 tỷ trong quý II/2021.

Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, VNSteel thông báo lỗ sau thuế 31 tỷ đồng, lỗ của cổ đông công ty mẹ là 45 tỷ. Biểu đồ dưới đây cho thấy vào quý II năm ngoái, VNSteel có lãi kỷ lục gần 627 tỷ đồng, khác hoàn toàn kết quả tiêu cực của quý II năm nay.

VNSteel lỗ ròng trong quý II/2022, dù cùng kỳ năm trước có lãi cao kỷ lục.

Lũy kế 6 tháng đầu 2021, doanh thu của VNSteel tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 21.809 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi gộp sa sút 64% còn 588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng lao dốc tới 84% còn 164 tỷ đồng.

Biên lãi thuần nửa đầu năm nay là 0,75%, kém xa mức 5% của nửa đầu năm 2021.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), VNSteel tiêu thụ hơn 744.200 tấn thép xây dựng trong 6 tháng qua, chiếm 11,3% thị phần toàn ngành. Như thể hiện trong biểu đồ bên dưới, thị phần của VNSteel trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đang kém xa Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).

VNSteel đang xếp thứ 2 về thị phần tiêu thụ thép xây dựng.

VNSteel không phải là doanh nghiệp thép duy nhất ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc trong quý vừa qua.

Hôm 26/7, Tập đoàn Hòa Phát – nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng 8 triệu tấn/năm – cho biết lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ quý III/2020.

CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) công bố lợi nhuận ròng 17,7 tỷ đồng, lao dốc 88% so với quý II/2021. Lãi sau thuế nửa đầu năm giảm 80% còn 43 tỷ đồng.

Theo giải trình của công ty, giá nguyên liệu đầu vào (cụ thể là than) lên cao là yếu tố chủ yếu làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) ghi nhận lãi thuần 42,5 tỷ đồng trong quý II, giảm 92% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế nửa đầu năm, lãi sau thuế giảm 83% còn 123 tỷ đồng.

Giá thép trên thị trường giảm nhanh trong khi giá vốn của hàng tồn kho cao là những lý do chính khiến kết quả kinh doanh của công ty đi xuống.

Thép Thủ Đức (Mã: TDS) báo lỗ ròng gần 2 tỷ đồng vào quý II, trái ngược với khoản lãi hơn 34 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và hơn 8 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Lợi nhuận sau thuế của Thép Mê Lin (Mã: MEL) trong quý II giảm 93% so với cùng kỳ năm trước, còn 1,7 tỷ đồng.

Giống như SMC, cả Thép Thủ Đức và Thép Mê Lin đều coi việc giá bán thép giảm nhanh là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh sa sút.

Theo thống kê của SteelOnline, giá thép xây dựng D10 mác CB300 của Hòa Phát từng lập đỉnh trên 19 triệu đồng/tấn vào tháng 4 và 5.

Từ 10/5 đến hôm nay 28/7, giá thép đã giảm 11 lần liên tiếp xuống còn 16,24 triệu đồng/tấn. Chỉ tính trong nửa sau của quý II, giá thép đã giảm 7 lần.

 Từ 10/5 đến nay, giá thép xây dựng đã giảm 11 lần liên tiếp.

Giá thép cuộn cán nóng (HRC) trên thị trường quốc tế cũng lao dốc sau thời kỳ tăng nóng, hiện tương đương khoảng cuối năm 2020.

Giá thép HRC lao dốc sau khi lập đỉnh vào tháng 5/2021.

Một số doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Hoa Sen (Mã: HSG), Nam Kim (Mã: NKG), Pomina (Mã: POM) hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý II. So với đầu năm 2022, giá các cổ phiếu lớn của ngành thép đều đang thấp hơn trong khoảng 40-60%.

Giá cổ phiếu thép tụt dốc trong mấy tháng qua.

Đức Quyền - Song Ngọc