|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI dự báo lợi nhuận của Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim giảm sút vì giá thép đi xuống

12:41 | 05/07/2022
Chia sẻ
Thị trường xuất khẩu yếu đi và giá thép suy giảm được cho là những nhân tố khiến cho lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim đi xuống trong năm 2022 sau khi lập kỷ lục trong năm 2021.

Nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) của Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), tổng sản lượng thép toàn cầu 5 tháng đầu 2022 là xấp xỉ 792 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Trung Quốc đóng góp gần 55% sản lượng cả thế giới.

Hầu hết quốc gia trong top 10 ngành thép thế giới ghi nhận lượng thép thô xuất xưởng giảm so 5 tháng đầu 2021, Ấn Độ là ngoại lệ duy nhất.

Hầu hết cường quốc về thép đều giảm sản lượng trong 5 tháng đầu 2022.

Tại Việt Nam, Chứng khoán SSI ước tính nhu cầu 5 tháng đầu năm giảm khoảng 6% so với cùng kỳ. Sau khi tăng 15% trong quý I do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32%.

Theo SSI, nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố: thứ nhất giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ, thứ hai là lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho, và cuối cùng là các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm 25% so với đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới. Trên thị trường tương lai quốc tế, giá HRC hiện nay đã giảm về mức cuối năm 2020.

Giá thép cuộn cán nóng (HRC) đi xuống sau khi lập đỉnh trong năm 2021.

Sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13% trong 5 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV/2021.

Sản lượng tôn mạ đi xuống do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.

Các công ty tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) và Nam Kim (Mã: NKG) đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng 8 với sản lượng khoảng 60.000 tấn/tháng.

Tuy nhiên, việc các đơn hàng xuất khẩu chỉ được ký trước 1- 2 tháng cho thấy xu hướng hạ nhiệt so với giai đoạn trước khi các công ty ký trước khoảng 3-4 tháng, SSI cho hay. Biểu đồ bên dưới cho thấy sản lượng tiêu thụ tôn mạ của cả Hoa Sen và Nam Kim trong tháng 5 đều thấp hơn tháng 4.

Tiêu thụ tôn mạ giảm sút trong tháng 5.

Chứng khoán SSI cho rằng xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong hai năm tới.

Theo EU, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang Châu Âu ước đạt 979.000 tấn vào năm 2021. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đóng góp từ thị trường EU đối với xuất khẩu thép Việt Nam cũng đã giảm so với giai đoạn trước do giá thép EU tụt dốc đáng kể trong những tháng gần đây. Cụ thể, giá HRC tại EU từng tăng vọt 56% khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, nhưng hiện đã điều chỉnh khoảng 35% về dưới mức trước khi căng thẳng xảy ra.

Nhiều cổ phiếu thép mất quá nửa giá trị trong vài tháng qua.

Hạ dự báo kết quả kinh doanh ngành thép

Với Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), SSI điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 từ khoảng 176.000 tỷ đồng và 31.100 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ và 26.500 tỷ, lần lượt tăng 6,9% và giảm 23,1% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

Con số lợi nhuận mà SSI dự báo nằm trong nửa thấp của khoảng mục tiêu lãi sau thuế 25.000 – 30.000 tỷ đồng mà Hòa Phát đã đặt ra. Một công ty chứng khoán khác là ACBS tỏ ra bi quan hơn khi dự phóng lợi nhuận 24.828 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nhận định ngành thép năm 2022 gặp nhiều khó khăn hơn năm 2021 và kết quả kinh doanh quý II, III và IV sẽ “thê thảm”.

Quý I vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 44.058 tỷ và lãi sau thuế 8.206 tỷ, lần lượt tăng 41% và 17% so với cùng kỳ 2021.

SSI dự báo sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng Hòa Phát năm nay có thể đạt 4,7 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ; HRC dự kiến đạt 2,8 triệu tấn, tăng 9%, ống thép 690.000 tấn, tăng 5%, và phôi thép 700.000 tấn, giảm 46,6%.

Biểu đồ bên dưới cho thấy Hòa Phát vẫn đang dẫn đầu ngành thép xây dựng với thị phần 5 tháng đầu năm nay cải thiện đáng kể so với cả năm 2021.

Hòa Phát đẫn đầu thị phần thép xây dựng.

SSI duy trì đánh giá khả quan với HPG nhưng điều chỉnh giá mục tiêu xuống còn 27.000 đồng/cp, rủi ro ngắn hạn là đà giảm của giá thép. 

Với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), SSI cho rằng lợi nhuận sau thuế của niên độ này đạt khoảng 1.400 tỷ, giảm 67% so với năm 2021 mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Sản lượng tiêu thụ được dự báo sẽ giảm 12,7% xuống còn 1,96 triệu tấn, chủ yếu do xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6%.

Về phần Nam Kim (Mã: NKG), SSI dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 sẽ giảm 39% xuống còn 1.350 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ giảm 4% còn 1,04 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu có thể giảm 9% còn tiêu thụ trong nước tăng 5%.

Cổ phiếu thép lao dốc.

Đức Quyền