Những ông lớn phát hành trên 500 triệu cổ phiếu trong 7 tháng qua: Đủ đại diện từ nhóm bank – chứng – thép
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu, dẫn tới tổng số cổ phiếu lưu hành nhảy vọt. Trong top đầu về tăng vốn có các đại diện của nhóm ngân hàng (bank) – công ty chứng khoán (chứng) và sản xuất gang thép.
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang vô địch toàn thị trường cả về số cổ phiếu tăng thêm lẫn tổng số cổ phiếu niêm yết.
Trong tháng 7 này, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã phát hành hơn 1,34 tỷ cổ phiếu HPG để trả cổ tức theo tỷ lệ 30%. Số cổ phiếu này đã được niêm yết bổ sung vào ngày 19/7 và sẽ được giao dịch bổ sung từ thứ Ba tuần tới (26/7).
Tuy số cổ phiếu tăng lên đứng đầu cả nước nhưng vốn hóa của Hòa Phát lại tụt khỏi top 10 sàn HOSE, như thể hiện trong bảng thống kê bên dưới. Cuối năm ngoái, Hòa Phát có giá trị thị trường 207.500 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn thị trường. Hiện nay, vốn hóa của tập đoàn chỉ còn lại khoảng 129.100 tỷ.
Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%. Riêng bán hàng thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu 2021 và chiếm hơn 36% thị phần toàn ngành.
Tuy sản lượng tiêu thụ tăng nhưng do giá thép liên tục đi xuống nên doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát chưa chắc đã cải thiện. Từ cuối tháng 5, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép ba quý cuối năm sẽ “thê thảm”.
Một số doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính quý II như Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC), Thép Thủ Đức (Mã: TDS), Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI), Thép Mê Lin (Mã: MEL) đều cho thấy lợi nhuận lao dốc, thậm chí thua lỗ.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính Hòa Phát có thể ghi nhận 38.120 tỷ đồng doanh thu và 4.979 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý II/2022, lần lượt tăng 8,5% và giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài sản phẩm chủ lực là thép, trong nửa đầu năm nay Hòa Phát còn tiêu thụ gần 200.000 con heo thịt thương phẩm và heo giống các loại, ngang với 6 tháng đầu 2021.
Bên cạnh đó, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long còn tận dụng khí nhiệt dư từ quá trình luyện gang thép để sản xuất 1,4 tỷ kWh điện, tăng 40% so với cùng kỳ và trị giá 2.200 tỷ đồng. Lượng điện này đáp ứng khoảng 75 - 85% nhu cầu điện của các nhà máy của Hòa Phát.
CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) là doanh nghiệp phát hành nhiều thứ 2 kể từ đầu năm đến nay khi bơm ra thêm gần 783 triệu cổ phiếu VND.
Vào tháng 3 và 4, VNDirect đã phát hành xấp xỉ 348 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 80%, đồng thời bán gần 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%. Hiện nay, VNDirect đang đứng đầu nhóm công ty chứng khoán về số cổ phiếu lưu hành.
Ngày 23/6, một công ty chứng khoán khác là SSI đã đã chốt danh sách cổ đông để chào bán 497 triệu cổ phiếu SSI theo tỷ lệ 50%, giá 15.000 đồng/cp. Tuy nhiên hiện chưa có kết quả của đợt chào bán nên không rõ SSI sẽ phát hành thêm bao nhiêu cổ phần. Thống kê bên dưới cho thấy SSI hiện nay đang đứng đầu ngành chứng khoán về vốn hóa thị trường.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) phát hành gần 732 triệu cổ phiếu MWG vào tháng 7 để trả cổ tức theo tỷ lệ 100%. Trước đó vào tháng 3, công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu trong chương trình quyền chọn cho người lao động (ESOP).
Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Thế Giới Di Động đã có thêm 751 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 7.128 tỷ đồng lên 14.637 tỷ đồng.
Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng 137 tỷ đồng MWG, tăng so với mức 71 tỷ đồng của tuần trước đó. Mặc dù vậy, Thế Giới Di Động vẫn còn hở room ngoại hơn 2,27 triệu cổ phiếu do lực bán mạnh trong tháng 6 và tháng 7 .
Về phía các nhà băng, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) đã phát hành xấp xỉ 675,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Số cổ phiếu này đã được niêm yết bổ sung kể từ ngày 6/7 và giao dịch từ ngày 18/7.
Sau đợt cổ tức này, tổng số cổ phiếu ACB được niêm yết tại HOSE tăng lên thành gần 3,38 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ 33.774 tỷ đồng. Theo biểu đồ dưới đây, ACB đang đứng thứ 11 toàn thị trường và thứ 7 ngành ngân hàng về số cổ phiếu lưu hành.
Ngoài ACB, nhiều ngân hàng khác cũng phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu trong gần 7 tháng đầu năm 2022 như VIB, SSB, LPB hay ABB.
Cùng ngành với á quân VNDirect, CTCP Chứng khoán VIX (Mã: VIX) cũng góp mặt trong top 10 tăng vốn toàn thị trường. Vào tháng 4, cổ đông của VIX đã mua gần 275 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp, giúp công ty chứng khoán này thu về 4.119 tỷ đồng.
Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cũng phát hành thêm 236 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu trong tháng 4. Sau đó đến tháng 6, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phát hành tiếp 7 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Tổng cộng Masan đã phát hành 243 triệu đơn vị MSN.
Các doanh nghiệp phát hành thêm nhiều cổ phiếu nhất trong gần 7 tháng đầu năm 2022 đều ghi nhận vốn hóa giảm sút, nhiều nhất là Hòa Phát và Masan. Biểu đồ dưới đây cho thấy diễn biến chủ đạo của thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng qua là đi xuống.