|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu nào sáng sủa nhất nhóm bank – chứng – thép trong tháng qua?

08:49 | 12/07/2022
Chia sẻ
Đa phần cổ phiếu ngành ngân hàng (bank), chứng khoán và thép đi xuống trong một tháng gần đây theo xu hướng của thị trường chung. Mặc dù vậy vẫn có một số mã ngược chiều đi lên hoặc chỉ giảm nhẹ.

Tính từ đầu năm 2022, HNX-Index giảm sâu nhất khi mất tới hơn 40%.

Trong một tháng tính đến hết phiên 11/7, VN-Index và HNX-Index cùng mất khoảng 10%, UPCoM-Index khả quan hơn khi chỉ mất 8%. Toàn thị trường có 1.117 mã cổ phiếu giảm giá so với một tháng trước trong khi chỉ có 278 mã lên giá.

Ngân hàng

Ở nhóm ngân hàng, 23/27 mã đi xuống, còn lại 4 mã đi lên là SSB của SeABank, BID của BIDV, EIB của Eximbank và STB của Sacombank.

SeABank vừa cho biết bà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của nhà băng này kể từ ngày 11/7/2022 nhưng vẫn tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Hiện chưa rõ ai sẽ giữ chức Tổng Giám đốc của SeABank.

Bà Lê Thu Thủy là con gái của bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank. Hôm 5/7 vừa qua, bà Nga đăng ký mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB trong thời gian 11/7 đến 8/8. Nếu giao dịch thành công, bà Nga sẽ nâng sở hữu lên 68,1 triệu đơn vị, ứng với 3,439% tổng số cổ phần đang lưu hành của SeABank.

Tính theo thị giá của SSB hiện nay là 31.700 đồng/cp, bà Nga sẽ cần chi gần 90 tỷ đồng để hoàn tất mua vào. Con gái bà Nga - cựu Tổng Giám đốc Lê Thu Thủy – cũng đang sở hữu 47,55 triệu cổ phiếu SSB, tương đương tỷ lệ 2,4%.

SeABank vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2021.

Đa phần cổ phiếu ngân hàng suy giảm trong tháng qua.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát.

Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ ở mức 15% -16%.

Các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.

SSI cho rằng rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu COVID-19 không quá đang lo ngại đối với các ngân hàng lớn. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, dư nợ tái cơ cấu COVID đã giảm 24% so với đầu năm và bằng khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay.

Một số ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ tái cơ cấu (ví dụ như VCB giảm 62%, BID giảm 31% so với đầu năm). Các ngân hàng lớn (VCB, BID, ACB, MBB và TCB) cũng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu COVID.

Rủi ro lớn hơn có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản và làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023.

Thép

Ở nhóm thép, hầu hết cổ phiếu lớn đều đi xuống. Đại gia đầu ngành Hòa Phát (Mã: HPG) mất hơn 13% trong một tháng qua. Hoa Sen (Mã: HSG) và Nam Kim (Mã: NKG) thậm chí còn giảm sâu hơn. SHI của Quốc tế Sơn Hà nhích lên 1,7%, TIS của Gang thép Thái Nguyên chỉ mất 3,9%.

Cổ phiếu thép diễn biến tiêu cực trong bối cảnh giá thép xây dựng trong nước đã giảm 8 lần liên tiếp trong hai tháng gần đây, hiện đang ở khoảng 16 – 16,6 triệu đồng mỗi tấn.

Trên sàn giao dịch kim loại London, giá hợp đồng tương lai thép cuộn cán nóng (HRC) đã giảm 20% so với đầu năm, hiện nay còn 638 USD/tấn.

Cổ phiếu thép suy giảm trong bối cảnh giá thép sa sút.

Tập đoàn Hòa Phát mới đây cho biết đã tiêu thụ 560.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và HRC trong tháng 6, tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 348.000 tấn, tăng 51% so với tháng 6 năm ngoái. Bán hàng HRC đạt 202.000 tấn, giảm 12%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%. Riêng bán hàng thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu 2021.

Hồi cuối tháng 5, Chủ tịch Trần Đình Long đã nhận định ngành thép năm 2022 sẽ rất “thê thảm” chứ không thuận lợi như năm 2021.

Hiện các doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quý II nên chưa rõ con số doanh thu – lợi nhuận thê thảm đến đâu. Tuy nhiên, những người đầu tư cổ phiếu thép đã phải nếm trái đắng suốt từ nhiều tháng qua.

Hòa Phát tiêu thụ 560.000 tấn thép trong tháng 6/2022.

Khối ngoại đẩy mạnh rút vốn khỏi anh cả ngành thép HPG với giá trị bán ròng 5.691 tỷ đồng kể từ đầu năm. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài còn nắm giữ gần 915 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 15,73% vốn điều lệ của Hòa Phát.

Chứng khoán

Ở ngành chứng khoán, các cổ phiếu lớn cũng diễn biến tiêu cực. 4 đại gia trong top đầu của ngành là SSI, MBS, BSI và VND đều có cổ phiếu giảm trên 20% trong một tháng qua.

Trong câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm chứng khoán chỉ còn lại duy nhất một đại diện là SSI.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn của ngành chứng khoán giảm giá mạnh trong những tháng gần đây. 

Cổ phiếu ngành chứng khoán đi xuống trong bối cảnh thanh khoản thị trường sa sút mạnh. Kể từ đầu quý II đến nay (1/4 đến hết 11/7), tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là hơn 1,36 triệu tỷ đồng, tương đương với trung bình 19.741 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 26,4% so với con số 26.811 tỷ đồng/phiên cùng kỳ 2021.

Trong top 10 bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến 11/7 có ba mã chứng khoán là SSI, VCI và VND.

Song Ngọc