|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu bán lẻ: Không chỉ MWG mà còn FRT, DGW

20:11 | 18/07/2022
Chia sẻ
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều cổ phiếu bán lẻ như MWG, FRT hay DGW trong những tuần gần đây giữa bối cảnh triển vọng của ngành kém khả quan.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động ở Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Cổ phiếu MWG do CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động phát hành từng được khối ngoại săn đón và luôn trong tình trạng kín room. Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua được MWG phải thỏa thuận với cổ đông ngoại của Thế Giới Di Động và trả một khoản chênh lệch (premium) so với giá hiển thị trên bảng điện.

Tuy nhiên trong 5 tuần liên tiếp vào tháng 6 và đầu tháng 7/2022, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng MWG với tổng giá trị 415 tỷ đồng.

Sang tuần 11-15/7, khối ngoại mua đảo chiều mua ròng 71 tỷ đồng MWG. Tuy vậy, Thế Giới Di Động hiện nay vẫn đang còn hở room cho nhà đầu tư nước ngoài, điều hiếm thấy trước kia.

Cổ phiếu MWG bị bán ròng kể từ đầu tháng 6/2022, hiện nay đang hở room ngoại.

Hai cổ phiếu cùng ngành với MWG là FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và DGW của CTCP Thế Giới Số cũng bị khối ngoại rút vốn.

Từ đầu năm đến hết tuần 15/7, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 92 tỷ đồng FRT và 83 tỷ đồng DGW.

Cổ phiếu FRT và DGW cũng bị khối ngoại bán ròng trong hai tuần gần đây.

Triển vọng ngành bán lẻ kém khả quan

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho biết lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng nên tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây.

Tăng trưởng lợi nhuận của DGW và FRT được cho là đã đạt đỉnh vào quý IV/2021, trong khi PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) có thể đạt đỉnh vào quý III/2022. Do lạm phát vẫn có thể tiếp tục lên cao trong các quý tới, SSI khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn.

Cụ thể với DGW, Chứng khoán SSI cho biết kết quả kinh doanh quý IV/2021 cao bất thường nhờ doanh thu đột biến từ máy tính xách tay, vậy nên lợi nhuận quý IV/2022 có khả năng sẽ giảm so với cùng kỳ.

Tương tự, lãi sau thuế của FRT trong quý IV năm nay có thể sẽ thấp hơn so với quý IV/2021 do nhu cầu máy tính xách tay bình ổn trở lại.

Với MWG, Chứng khoán SSI cho biết tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh được thực hiện trong quý II và III năm nay.

Trong ngắn hạn, lạm phát gia tăng và chi phí đóng cửa các cửa hàng Bách Hóa Xanh có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu MWG, vì vậy SSI không khuyến nghị mua mới vào thời điểm hiện tại.

MWG cho biết hàng trăm cửa hàng Bách Hóa Xanh đã bị đóng cửa và thanh lý trong ba tháng qua vì hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng một số tiêu chí mới về kinh doanh.

Ngoài ra, MWG cũng thay đổi layout (cách bố trí) của hàng nghìn cửa hàng Bách Hóa Xanh còn lại. Chiến dịch đóng cửa và cải tổ Bách Hóa Xanh này phát sinh nhiều chi phí đáng kể và là một trong những lý do khiến biên lợi nhuận của MWG giảm sút trong mấy tháng qua, như thể hiện trong thống kê bên dưới.

Biên lợi nhuận MWG xuống thấp, một phần vì chi phí đóng cửa và thay đổi bố cục chuỗi Bách Hóa Xanh.

Mới đây, MWG còn tạm dừng kinh doanh hai chuỗi cửa hàng khác là AVAFashion (trong lĩnh vực thời trang) và AVAJi (trong mảng trang sức).

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MWG kết phiên 18/7 ở mức 61.000 đồng/cp, đánh dấu phiên đi xuống thứ 4 liên tiếp. So với đầu năm 2022, MWG đã giảm gần 10%. Biểu đồ sau đây cho thấy giá DGW hiện nay cũng đã thấp hơn mức đầu năm.

Giá cổ phiếu bán lẻ tụt dốc trong những tuần gần đây, MWG và DGW đã xuống dưới mức đầu năm 2022.

Trong kỳ cơ cấu tháng 7 công bố ngày hôm nay, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã bị loại khỏi chỉ số VN30, cổ phiếu VIB vào thế chỗ. Từ 1/7 đến 15/7, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ 12 tỷ đồng PNJ.

Song Ngọc