|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm Việt Nam ít có khả năng bị Mỹ khởi kiện chống trợ cấp giá

08:01 | 29/10/2023
Chia sẻ
Giá bán tôm Việt Nam tại Mỹ cao hơn nhiều so với các nước nằm trong top 4 thị phần. Mức độ tăng trưởng và thị phần tôm Việt Nam ở mức chấp nhận được. Ngoài ra, Việt Nam nhiều lần chứng minh tôm không bán phá giá tại Mỹ nên đây là một lợi thế lớn.

Giá bán tôm của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước đối thủ

Theo Undercurrent News, ngày 25/10, Hiệp hội Các nhà Chế biến tôm của Mỹ (ASPA) cho biết đã nộp đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia. Họ cũng yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Cơ quan này ước tính biên độ bán phá giá của Ecuador lên tới 111% trong khi biên độ phá giá của Indonesia lên tới 37%.

Kiến nghị này được gửi lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Uỷ ban Thương mại Quốc tế. Quyết định có khởi xướng điều tra hay không sẽ được đưa ra trước ngày 15/11. Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc liệu có dấu hiệu về việc tôm nhập khẩu có đang làm tổn hại đến ngành tôm nội địa hay không trước ngày 8/12. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho rằng khả năng Mỹ khởi kiện chống trợ cấp giá đối với tôm Việt Nam là thấp do giá bán cao hơn nhiều so với các đối thủ như Ấn Độ và Ecuador. Bên cạnh đó, dù lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này những năm qua tăng trưởng nhưng vẫn ở mức trong khuôn khổ hợp lý. 

Theo số liệu Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ trong 8 tháng năm nay, giá tôm Mỹ nhập khẩu của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia chỉ khoảng 6 - 8 USD/kg. Trong khi giá nhập từ Việt Nam là gần 11 USD/kg, cao thứ 5 trong số các nước xuất khẩu tôm sang Mỹ. 

Đồng thời khối lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam giảm 27% - mức giảm sâu nhất nhất trong 4 nước, trong bối cảnh nhu cầu giảm và hàng tồn kho của các hệ thống bán lẻ, nhà hàng ở mức cao. Bên cạnh đó, các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador đẩy mạnh việc giảm giá bán do áp lực sản lượng trong nước quá lớn. 

Thị phần tôm của Việt Nam tại Mỹ đứng thứ 4, sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia, với 7,2%. Con số này thấp hơn nhiều so với Ấn Độ là 36% và Ecuador 27%. 

Bảng tổng hợp khối lượng, kim ngạch và giá tôm nhập khẩu của Mỹ từ các nước trong 8 tháng 2023 (Nguồn: Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ)

Có thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu tôm chuyển hướng tập trung sang thị trường Nhật Bản vì cạnh tranh tại Mỹ quá lớn khi các đối thủ Ecuador, Ấn Độ liên tục hạ giá bán tôm nguyên liệu. Trong khi đó, tại Nhật Bản, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu và đây là thế mạnh của Việt Nam. Trong quý I, Nhật Bản vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ nhiều tôm nhất của Việt Nam.

Việt Nam nhiều lần chứng minh không bán phá giá

Theo ông Lực, sau nhiều lần bị kiện, Việt Nam cũng đã chứng minh không trợ cấp và bán phá giá tại Mỹ và được hưởng mức thuế là 0%. Do đó, đây cũng là một trong những lợi thế của vụ kiện lần này. 

Lần đầu tiên tôm đông lạnh Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp là năm 2005 với mức thuế toàn quốc 25,76% và mức thuế riêng lẻ cho một số doanh nghiệp là 4,3%- 5,24%.

Theo pháp luật về chống bán phá giá của Mỹ, sau tròn một năm kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá, Bộ Thương mại Mỹ sẽ rà soát hành chính để xét lại mức thuế chính thức mà DOC đã áp. Tháng 7/2016, DOC đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho 1 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện theo pháp luật Mỹ trên cơ sở vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO.

Từ đó đến nay, DOC đã tiến hành cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2, 4 đợt rà soát hành chính tiếp theo (POR10, 11, 12, 13), hủy bỏ 2 đợt rà soát hành chính (POR14, 15) và đang tiến hành đợt rà soát POR16 cho giai đoạn từ ngày 01/02/2021 tới 31/01/2022. Rà soát hoàng hôn là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại). 

Trong kết luận cuối cùng của đợt rà soát gần nhất (POR13), DOC đã xác định mức thuế chính thức cho 2 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ đều ở mức 0%. Đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam và là động lực tốt để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ. 

Năm 2020, Minh Phú là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được Mỹ dỡ bỏ áp thuế chống bán phá giá. Nói cách khác, công ty này sẽ không nằm trong danh sách rà soát hàng năm.

 “Để chứng minh Minh Phú trong sạch, chúng tôi phải thuê luật sư bên Mỹ với giá rất cao mới có cơ hội thắng và phải xử lý số lượng báo cáo khổng lồ mà lẽ ra mất 3 năm mới xong trong khi phía Mỹ chỉ cho 3 - 6 tháng. Chúng tôi tập trung tất cả lực lượng cán bộ, có khi dừng sản xuất luôn để tập trung vào báo cáo", ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết.

Một số doanh nghiệp kỳ vọng nếu tôm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia bị áp thuế, còn Việt Nam được duy trì mức thuế bằng 0 thì cơ hội tại thị trường Mỹ thời gian tới rất lớn. Điển hình như tôm Ecuador, nếu bị áp thuế với biên độ như ASPA xác định là 111% thì mức giá bán tương đương với của Việt Nam. Trong khi đó, tôm của nước này chủ yếu là tôm nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp hơn nhiều so với Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng tôm của những nước này sẽ tràn sang các thị trường chủ lực khác của Việt Nam. Điển hình như Ecuador có thể chuyển hướng tập trung vào EU. Tôm chế biến của Indonesia sẽ đẩy mạnh vào thị trường Nhật Bản. 

H.Mĩ