|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tình yêu của nước Mỹ với dòng vốn Trung Quốc

12:03 | 13/01/2020
Chia sẻ
Bất chấp thương chiến căng thẳng, dòng vốn Trung Quốc vẫn tìm đường đến nước Mỹ và nhiều tiểu bang tại Mỹ cũng nồng nhiệt đón nhận đầu tư như một cứu cánh cho ngành chế tạo đang sa sút của họ.

Hơn 90 thành phố tại Mỹ cạnh tranh để thu hút một nhà máy Trung Quốc

Cuối tháng 10 năm ngoái tại thành phố Jonesboro (tiểu bang Arkansas), nơi cách xa Nhà Trắng cũng như cách xa cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, buổi lễ khánh thành nhà máy Risever Machinery đã diễn ra.

Risever là một công ty đặt trụ sở tại tỉnh An Huy, Trung Quốc và nhà máy vừa khánh thành là công xưởng của hãng tại Mỹ với tổng diện tích 11.600 m2.

Nikkei: Tình yêu của nước Mỹ với dòng vốn Trung Quốc - Ảnh 1.

Quan chức bang Arkansas nhận quà tặng là một bức tranh mang nội dung "Mã đáo thành công" từ An Huy, Trung Quốc - quê hương của Risever. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Theo Nikkei Asian Review, trong bối cảnh các khu vực nông thôn và phi công nghiệp hóa của Mỹ đang cố gắng thu hút nguồn vốn ngoại để vực dậy sau hơn một thập kỉ suy thoái, hơn 90 thành phố tại nước này đã cạnh tranh để thu hút nhà máy Trung Quốc trên.

Risever chi nhánh Jonesboro dự kiến sẽ cung ứng linh kiện đến các đại gia ngành xây dựng như Caterpillar, Terex, Volvo và Komatsu.

"Chúng tôi cần chứng minh rằng chúng tôi hoan nghênh loại hình đầu tư này nhằm giúp ngành chế tạo phục hồi trên đất Mỹ cũng như tại tiểu bang của chúng tôi", Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson phát biểu trong buổi lễ khánh thành.

Chia sẻ với Nikkei, ông cho biết bản thân xem gói đầu tư của Risever là một cơ hội để mang số lượng việc làm đã mất cho thị trường nước ngoài trở về.

Ngoài Risever, theo Bộ Thương mại Arkansas, tiểu bang này còn 7 dự án đầu tư khác có vốn Trung Quốc gồm TY Garments, Dragon Woodland, Shandong Sun Paper, Petwon Pet Products, XinDu Bio-Tech, Suzhou Xindadi Hardware và Shandong Ruyi Technology Group.

Các tiểu bang miền nam khác gồm North Carolina, South Carolina, Tennessee, Lousiana, Georgie, Missisippi, Alabama và Kentucky cũng đang có các nhà máy Trung Quốc đóng đô.

Lí do gì đằng sau tâm lí sẵn lòng hợp tác của các tiểu bang Mỹ với doanh nghiệp Trung Quốc?

Bất chấp cuộc chiến thương mại đang diễn ra và loạt biện pháp thương mại mà Nhà Trắng áp lên Trung Quốc, nhiều hạt và tiểu bang từng bỏ phiếu cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 đã nhiệt tình đón nhận dòng vốn từ Trung Quốc trong vài năm qua.

Sự phụ thuộc của họ vào đầu tư của Trung Quốc nhấn mạnh mức độ đan xen chặt chẽ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, điều này còn cho thấy mong muốn giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài hàng thập kỉ giữa hai nước của ông Trump có thể khiến ông gặp khó khăn với cộng đồng cử tri khi tìm kiếm cơ hội tái đắc cử vào tháng 11 tới.

Chênh lệch phiếu bầu giữa người chiến thắng người và đứng sau tại một số bang công nghiệp như Ohio, Pennsylvania, Michigan và Indiana có thể sẽ khá sít sao.

"Sẽ có sự thay đổi về phiếu bầu tại các tiểu bang công nghiệp", ông Gary Hufbauer, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho hay. "Theo tôi, đó là lí do tại sao ông Trump không thể leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc".

"Các tiểu bang trên sẽ bị tổn hại và mất nhiều việc làm. Ông Trump chỉ cần tuột mất 1% hoặc 2% cử tri là đã đánh mất chiến thắng ở những bang này", ông Hufbauer nhấn mạnh.

Nikkei: Tình yêu của nước Mỹ với dòng vốn Trung Quốc - Ảnh 2.

Số vốn đầu tư mà doanh nghiệp Trung Quốc rót vào Mỹ theo từng tiểu bang trong giai đoạn 1990 - 4.2019. Ảnh: Nikkei Asian Review/Rhodium Group

Arkansas là một trường hợp thực tế cho thấy sự đi xuống của ngành chế tạo Mỹ. "Các nhà máy dệt may, chế biến giấy và gỗ từng xuất hiện khắp nơi ở phía nam và đông Arkansas", ông Mervin Jebaraj, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế tại Đại học Arkansas, cho hay.

"Chúng tôi từng có nhiều việc làm ở những nhà máy trên nhưng rồi khoảng 20 năm trước, chuỗi cung ứng chuyển ra nước ngoài và việc làm cũng biến mất theo", ông Jebaraj chia sẻ.

Sau khi đắc cử năm 2016, ông Trump đã sớm bắt đầu chỉ trích các đối tác thương mại của Mỹ, rút khỏi nhiều hiệp ước, áp và tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, và cuối cùng ban hành các lệnh hạn chế qui mô lớn lên hoạt động xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc năm 2019.

"Tôi là Người Đánh Thuế (Tariff Man). Khi doanh nghiệp nước ngoài hoặc các quốc gia khác đến để đánh cắp sự thịnh vượng của nước Mỹ, tôi muốn họ phải trả giá", ông Trump từng đăng tải trên Twitter năm 2018.

Mặc dù vậy, các tiểu bang như Arkansas lại ít xem Trung Quốc là kẻ cướp mà ngược lại, họ nhìn nhận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như một vị cứu tinh tiềm năng.

"Vốn đầu tư của Trung Quốc mang một số việc làm trở về các khu vực đang gặp khó khăn ở Arkansas", ông Jebaraj cho hay.

Đối với nhà đầu tư Trung Quốc, mặt lợi của việc đầu tư vào Mỹ đã khá rõ ràng. Mặc dù tiền lương công nhân tại Mỹ thường cao hơn ở Trung Quốc, rút ngắn chuỗi cung ứng và gần gũi với khách hàng hơn là một điểm hấp dẫn, kể cả trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực.

"Tiểu bang Arkansas rất thân thiện với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc", ông Lai Yonggang, tổng quản lí của nhà máy Risever chi nhánh Jonesboro, cho hay. "Thống đốc Hutchinson đã ghé thăm nhà máy của chúng tôi hai lần. Mức độ sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ của họ dành cho chúng tôi là yếu tố rất quan trọng".

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.