|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín hiệu tích cực về nợ xấu ngân hàng và những thách thức trong năm 2020

10:11 | 13/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019, một khối lượng nợ xấu khổng lồ đã được thu hồi, nhiều ngân hàng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 2%, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2020.

Tín hiệu tích cực về nỗ lực xử lí nợ xấu trong hệ thống

Những ngày đầu năm 2020, các ngân hàng đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong năm 2019. Cùng với lợi nhuận khủng, những con số về nợ xấu cũng dần được hé lộ và một điểm đáng mừng trong năm qua là các ngân hàng đã có được kết quả xử lí nợ xấu tương đối hiệu quả.

Điều này được thể hiện rõ nét tại nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.

VietinBank, ngân hàng đã có những bước quyết liệt trong xử lí nợ xấu bất chấp việc hi sinh lợi nhuận trong năm 2018, lại tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực trong năm 2019. 

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức tăng trưởng 83% trong năm qua mang về gần 11.500 tỉ đồng trong khi tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,6% xuống 1,2%, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 92,7% lên 127,5%.

Đáng chú ý, sau khi phải bán thêm một lượng không nhỏ nợ xấu sang VAMC vào cuối năm 2018 (hơn 13.400 tỉ đồng) thì đến cuối năm 2019, VietinBank đã trích lập dự phòng được 54% giá trị trái phiếu đặc biệt của VAMC, gấp nhiều lần tỉ lệ 17% ở cuối năm trước.

Lãnh đạo của ngân hàng cho biết trong năm 2020, VietinBank chưa có kế hoạch bán thêm nợ xấu sang VAMC và ngân hàng sẽ xử lí xong nợ xấu VAMC trong thời gian ngắn trước mắt.

Nợ xấu ngân hàng và những thách thức trong năm 2020 - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC VietinBank năm 2018.

Agribank, ngân hàng duy nhất hiện tại chưa hoàn thành việc cổ phần hoá và đã từng rất đau đầu về các khoản nợ xấu khó thu hồi, đã chính thức mua lại trước hạn toàn bộ nợ xấu tại VAMC. 

Điểm đáng lưu ý là việc này cùng với tăng trưởng tín dụng ở mức 11,7% không làm tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng tăng lên mà tiếp tục duy trì ở mức thấp 1,46% (giảm từ ngưỡng 1,6% vào cuối năm 2018). Tính đến cuối năm 2019, ngân hàng cho biết đã xử lí và thu hồi được gần 110.000 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Cho ấn tượng vượt trội hơn các "ông lớn" khác về kết quả kinh doanh, nợ xấu của Vietcombank không phải là vấn đề đáng lo của ngân hàng trong những năm gần đây với tỉ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp dưới 1%. Vào cuối năm 2019, dư nợ xấu nội bảng của Vietcombank  là 5.699 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu giảm về 0,77%, tỉ lệ bao nợ xấu ở mức cao 182,8%.

Không chỉ ở nhóm ông lớn, những NHTM cổ phần cũng cho kết quả khả quan trong xử lí nợ xấu năm 2019. Những ngân hàng báo kết quả kinh doanh sớm như VIB, Sacombank, ABBank, TPBank đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 2%.

Đây là một kết quả lạc quan nhất là đối với ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu với lượng nợ xấu phải xử lí lớn như Sacombank. 

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho biết chỉ sau hai năm rưỡi thực hiện tái cơ cấu, ngân hàng đã đưa tài sản tồn động trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống còn 13,3%; tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 7,52% xuống còn 1,54%. 

Đồng thời, Sacombank đã hoàn thành các mục tiêu trọng yếu theo tiến độ của đề án tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh từng bước chuyển biến tích cực theo hướng ổn định. 

Theo báo cáo tài chính quí III, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là 5.809 tỉ đồng. Ngân hàng không công bố chi tiết về số dư nợ xấu tại VAMC, tuy nhiên, số dư chứng khoán nợ giữ tới ngày đáo hạn do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giảm 13% còn hơn 35.000 tỉ đồng, số trích lập dự phòng là 3.378 tỉ đồng.

Tín hiệu tích cực về nợ xấu ngân hàng và những thách thức trong năm 2020 - Ảnh 4.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bức tranh nợ xấu của các ngân hàng năm 2019 có nhiều cải thiện tích cực. Tính đến cuối tháng 12/2019, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 1,89%; t lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng (nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC) giảm còn 4,96% so với mức hơn 10% của năm 2016. 

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống ước tính đã xử lí được hơn 1 triệu tỉ đồng nợ xấu, trong đó hơn 305 nghìn nợ xấu được xử lí theo Nghị quyết 42.

Việc xử lý nợ VAMC vẫn đang tiến triển khá tốt. Trong năm 2019 đã có 11 ngân hàng mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC: Agribank, Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB, Nam A Bank, TPBank, Kienlongbank, VPBank và SeABank.

Những thách thức trong năm 2020

Mặc dù nhìn về tổng thể tình hình nợ xấu đang có bước chuyển biến tích cực nhưng điều này không đồng nghĩa rằng nó không còn là mối nguy cơ đối với hoạt động của các ngân hàng. Chi phí dự phòng của các khoản nợ xấu vẫn đang tăng lên và ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng. 

Tại 25 ngân hàng khảo sát tính đến hết tháng 9, mức tăng nợ xấu nội bảng (16,6%) đang cao hơn tăng trưởng cho vay khách hàng (hơn 9%). 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia tăng nợ xấu, có thể kể đến một số nguyên nhân chung như việc gia tăng tỉ trọng cho vay tiêu dùng, đẩy mạnh việc trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt hoặc mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chất lượng tài sản nội bảng đang có diễn biến khác nhau giữa các ngân hàng.

Do sự tăng trưởng nhanh chóng của cho vay bán lẻ và tiêu dùng gần đây, tỉ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như MBBank và TPBank đã dần tăng lên. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2018 và đang tiếp tục trong năm 2019. Do đó, chi phí dự phòng cho nợ nội bảng của các ngân hàng này dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2020.

Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn phải chịu gánh nặng về chi phí dự phòng trong năm 2020. Có thể nhận thấy rằng năm 2014 và 2015 là thời gian VAMC mua nợ số lượng nợ lớn nhất từ các TCTD, khoảng hơn 190.000 tỉ đồng. Theo đó, nếu loại trừ các trường hợp đặc biệt được phê duyệt đề án tái cơ cấu thì thời gian đáo hạn thông thường của trái phiếu VAMC là 5 năm, nghĩa là chủ yếu vào năm 2019 và năm 2020.

Tiêu biểu như VietinBank ngân hàng có số dư VAMC ròng lớn ở mức trên 8.000 tỉ đồng vào quí III/2019 (0,9% dư nợ), gánh nặng dự phòng dự kiến sẽ tiếp tục đáng kể vào năm 2020.

Đồng thời, với một phần nhỏ nợ VAMC còn lại, BIDV và HDBank sẽ vẫn phải trích lập một khoản dự phòng cho VAMC trong năm 2020, dù có thể thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Các chuyên gia của VDSC cho rằng BIDV có thể tiếp tục trích lập dự phòng để tất toán hết nợ ở VAMC trong nửa đầu năm 2020 mặc dù điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.

Ngoài ra, nếu việc sáp nhập giữa HDBank và PG Bank diễn ra, HDBank sẽ gánh các khoản nợ VAMC của PG Bank (tại tháng 9/2019 đang có số dư 908 tỉ đồng). 



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.