|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SSI: Hệ thống ngân hàng cần 2 - 3 năm để trích lập đủ dự phòng và xóa nợ xấu

16:45 | 12/01/2024
Chia sẻ
Theo SSI các ngân hàng sẽ không xử lý nợ xấu ngay trong một năm mà sẽ dàn trải trong vài năm để đảm bảo lợi nhuận.

Ngân hàng cần 2 - 3 năm để trích lập đủ dự phòng

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI lưu ý rằng có sự khác biệt tương đối lớn trong tiêu chí ghi nhận nợ quá hạn giữa các ngân hàng trong nhóm nghiên cứu (tăng 47% so với đầu năm) và các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn (tăng 10,5%).

Xét trong bối cảnh năm 2023, các chuyên viên phân tích cho rằng một phần trong số các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế nhờ tận dụng cơ chế tái cơ cấu khoản vay. Do đó, SSI cho rằng nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn mức 5,3% của các nhà băng thuộc phạm vi nghiên cứu. 

Ngoài ra, dựa trên kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012 - 2017 và 2017 - 2021, SSI nhận thấy 65% nguồn xử lý đến từ sử dụng dự phòng đã trích lập để xóa nợ xấu ngân hàng. 

 

Do vậy, các chuyên viên phân tích kỳ vọng hệ thống ngân hàng sẽ mất khoản 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu trên. Những ngân hàng như ACB, Vietcombank, VietinBank và BIDV với chất lượng tài sản tốt sẽ phục hồi sớm hơn. 

Trì hoãn hay giải quyết nợ xấu ngay?

Các chuyên viên phân tích nhận định từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. 

Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng được theo dõi vẫn tăng lần lượt 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 9/2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu tăng lên lần lượt là 1,98%, 2,38% và 1%. Các khoản vay có vấn đề này tương đương với 5,3% tổng dư nợ tính tại thời điểm cuối quý III/2023.

SOCBs: Ngân hàng Thương mại Nhà nước; Tier - 1 JSCBs: Ngân hàng TMCP cấp 1;  Tier - 2 JSCBs: Ngân hàng TMCP cấp 2; Others: ngân hàng khác; Industry: toàn ngành.

SSI cũng lưu ý rằng chi phí tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn số lượng nợ xấu mới hình thành, bao gồm VAMC và khoản vay tái cơ cấu. Nhìn chung, bộ đệm đang thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ Vietcombank. Vào tháng 9/2023, tỷ lệ dự phòng trên tổng tín dụng là 2,2%, so với tổng nợ có vấn đề là 5,3%. 

SSI cho rằng ngân hàng phải trích lập thêm để dự phòng, cải thiện chất lượng tài sản. Tuy nhiên, thời gian trích lập có thể được kéo dài dựa trên sự cân nhắc một vài yếu tố.

Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài trong thời gian dài, dù ba luật mới sẽ có hiệu lực vào năm 2025. 

Để giải quyết tình trạng pháp lý không chỉ đòi hỏi ý chí mạnh mẽ mà còn hành động kịp thời từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý. SSI kỳ vọng vấn đề sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, tương tự như trong năm 2023. 

Do vậy, dòng tiền của một số chủ đầu tư bất động sản vẫn gặp khó khăn. Ngoài ra, khoảng 200.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2024. 

Theo quan điểm của SSI, lựa chọn tài trợ cho các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý để chủ đầu tư có thể hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua sẽ tốt hơn là thu giữ tài sản và xóa nợ. 

Tuy nhiên, đối với những dự án đang có vướng vướng mắc về mặt pháp lý, việc trích lập dự phòng đầy đủ là cần thiết kể cả khi các khoản vay này vẫn trong thời gian tái cơ cấu.

Yếu tố thứ hai đến từ hoạt động cho vay mua nhà tại các dự án có vấn đề về mặt pháp lý cũng là một rủi ro khác. Việc người mua nhà phải chịu gánh nặng thanh toán gốc lãi cho khoản vay mua nhà hàng tháng mà không biết khi nào mới được bàn giao sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. 

Đồng thời, nhu cầu tín dụng bán lẻ trong thời gian tới và lợi nhuận dự phóng của ngân hàng cũng sẽ chịu tác động. Việc xử lý các khoản vay mua nhà này sẽ gây ra tổn thất cho các ngân hàng (do không có tài sản thế chấp) và ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của ngân hàng trong tương lai.

Thứ ba, mặc dù tổng thu nhập hoạt động có thể phục hồi trong năm 2024 và các ngân hàng có dư địa tốt hơn để hấp thụ rủi ro, nhưng việc giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản không dễ thực hiện trong một năm. 

Với biên lãi thuần (NIM) ước đạt 3,75% và chi phí hoạt động (OPEX) trên tổng tín dụng là 1,5%, thì ngân hàng khó có thể ghi nhận chi phí tín dụng ở mức 3% (chênh lệch giữa khoản vay có vấn đề và bộ đệm dự phòng) chỉ trong một năm. SSI đánh giá việc kéo dài nghĩa vụ trích lập dự phòng trong vài năm sẽ giúp ngân hàng duy trì tỷ suất cho vay của mình. 

Net lending yield: lãi suất cho vay ròng; credit cost: chi phí tín dụng. 

Ngoài ra, các chuyên viên phân tích cũng thấy rằng ngân hàng đã rút kinh nghiệm rất nhiều từ chu kỳ trước: thực hiện trích lập dự phòng từ trước, duy trì tổng chi phí tín dụng ở mức từ 1 - 1,2% (cao hơn so với giai đoạn trước), khong còn ghi nhận lãi dự thu khi không thực thu và khả năng xử lý nợ xấu đã được nâng cao và các ngân hàng tuân thủ chuẩn mực khắt khe hơn.

Yếu tố thứ tư là các chính sách, định hướng của cơ quan chức năng. Trong năm 2024, SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu đã đề ra kết hợp với biện pháp hỗ trợ kịp thời (ví dụ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ nếu cần thiết) và giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống. 

Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng NHNN áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn về cơ cấu sở hữu, cho vay đối với các bên liên quan như trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 15/2023 về dữ liệu bổ sung phải cập nhật trong hệ thống CIC cũng như sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn (Thông tư 22/2023) và các tỷ lệ an toàn khác. 

Từ những cân nhắc trên, SSI dự báo chi phí tín dụng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2024 và ở mức 1,52%. 

NPL formation: hình thành nợ xấu.

Minh Quang