|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những tín hiệu mới trong quá trình xử lí nợ xấu ngân hàng đầu năm 2019

07:15 | 15/05/2019
Chia sẻ
Mặc dù có 2/3 số ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu tăng trong quí đầu năm nhưng quá trình xử lí nợ cũng ghi nhận nhiều điểm tích cực, khi tỉ lệ nợ xấu tại gần một nửa TCTD khảo sát giảm.

Nợ xấu các ngân hàng tiếp tục tăng

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2019 của hơn 20 ngân hàng, tổng nợ xấu của nhóm ngân hàng này đã tăng 5,6% trong 3 tháng đầu năm, từ 79.980 tỉ đồng lên 84.427 tỉ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức 3,5%, thấp hơn nhiều so với con số tăng nợ xấu.

Xét về con số tuyệt đối, BIDV tiếp tục là ngân hàng có số dư nợ xấu nội bảng lớn nhất với 17.876 tỉ đồng mặc dù đã giảm gần 5% trong quí. Tiếp đó là VietinBank với 15.962 tỉ đồng; VPBank với 8.376 tỉ đồng và Vietcombank với 6.952 tỉ đồng.

Những tín hiệu mới trong quá trình xử lí nợ xấu ngân hàng đầu năm 2019 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê, TOP 5 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất không thay đổi thứ tự so với cuối năm 2018. VPBank là ngân hàng có hoạt động đặc thù cho vay tiêu dùng với 35% là cho vay tín chấp, điều đó là nguyên nhân khiến tỉ lệ nợ xấu cũng như số nợ xấu cho vay khách hàng tại đây thường cao hơn những ngân hàng khác.

Trong TOP 5, VietinBank mặc dù giảm nhẹ về dư nợ cho vay khách hàng nhưng lại có tăng trưởng nợ xấu cao nhất với 16,6%. 

Trong số 21 ngân hàng, có 8 ngân hàng có số dư nợ xấu giảm gồm Bac A Bank (giảm mạnh nhất gần 43%), BIDV, BaoVietBank, Nam A Bank, ACB, SeABank, Eximbank và HDBank. Trừ Bac A Bank, còn lại mức giảm nợ xấu không quá lớn, dao động từ 1% - 4,9%.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có tăng trưởng nợ xấu đến hai con số như OCB với 33,6%; PG Bank với 22,3%; MBBank 13%...

Những tín hiệu mới trong quá trình xử lí nợ xấu ngân hàng đầu năm 2019 - Ảnh 2.

Tổng hợp nợ xấu các ngân hàng cuối tháng 3/2019 (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).

Thay đổi trong TOP 3 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lớn nhất

Khi sắp xếp thứ tự các ngân hàng theo tỉ lệ nợ xấu nội bảng cuối quí I/2019, TOP ba ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất vẫn tiếp tục giữ ở những gương mặt quen như SCB (0,42%); Bac A Bank (0,43%) và ACB (0,68%).

Tuy nhiên cũng phải nhắc lại rằng đây là tỉ lệ nợ xấu không tính đến số dư nợ xấu của ngân hàng đã bán cho VAMC. Cuối năm 2018, SCB là một trong ba ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất (không kể đến Agribank) với 26.685 tỉ đồng trái phiếu VAMC.

Bac A Bank là ngân hàng giảm đáng kể nợ xấu gồm cả số tuyệt đối và tỉ lệ nợ xấu trên 40% so với đầu năm. Số trái phiếu VAMC của Bac A Bank cũng ở mức khiêm tốn với gần 490 tỉ đồng vào cuối năm 2018 trong khi ACB đã xoá sổ gần hết lượng nợ xấu tại VAMC còn khoảng hơn 40 tỉ đồng.

Có 9/21 ngân hàng giảm tỉ lệ nợ xấu, nếu không kể đến Bac A Bank thì BIDV và Nam A Bank là những ngân hàng giảm nhiều nhất. Đây có thể xem là tín hiệu khả quan trong việc xử lí nợ xấu của ngân hàng.

Trong nhóm các "ông lớn" NHTM Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu tại VietinBank có mức tăng cao nhất 17%; Vietcombank tăng khiêm tốn 4,9% trong khi BIDV giảm 8,2%.

Những tín hiệu mới trong quá trình xử lí nợ xấu ngân hàng đầu năm 2019 - Ảnh 3.

Tổng hợp nợ xấu các ngân hàng (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp)

Theo số liệu từ nhóm ngân hàng khảo sát này, tỉ lệ nợ xấu của cả nhóm là 1,69%, tăng 2% so với cuối năm 2018. Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 2/2019 là 2,09%, tăng 1,91%.

Nợ xấu vẫn là áp lực

Mặc dù trong năm 2018, việc xử lí nợ xấu của các ngân hàng đã có những kết quả tích cực nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, ngoài tăng vốn, các ngân hàng còn phải tích cực cải thiện chất lượng của tài sản, đồng nghĩa với việc phải xử lí nợ xấu tốt hơn.

Trong một báo cáo gần đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định quá trình thu hồi nợ xấu của các ngân hàng đang tiến triển tích cực và điều này đã làm giảm gánh nặng chi phí dự phòng.

Theo thống kê của NHNN đến 31/1, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lí được khoảng 204,4 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết này. Trong đó, riêng năm 2018 đã xử lí được khoảng 113,4 nghìn tỉ đồng.

Đầu năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng đặt mục tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020.

Việc xử lí nợ xấu tiếp tục được đề cập đến trong nhiều cuộc họp chỉ đạo từ các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, NHNN, điều này cho thấy tầm quan trọng của nó không hề bị giảm đi. 

Sự quan tâm về nợ xấu ngân hàng không chỉ đến từ phía các cơ quan chức năng mà nó còn đến từ các cổ đông ngân hàng, một thành phần rất quan trọng tại các TCTD. Nhiều cổ đông kì vọng việc xử lí tốt gánh nặng nợ xấu sẽ giúp các nhà băng thu được những khoản đột biến góp phần vào lợi nhuận, đồng thời giúp cải thiện chất lượng tài sản, hỗ trợ kế hoạch lên sàn (nếu có) hoặc trợ giá cổ phiếu.

Diệp Bình

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.