Xử lý nợ xấu chủ yếu dựa vào lợi nhuận
Quí 4-2018, VietinBank có ít nhất 19.600 tỉ đồng dư nợ cho vay đã chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ quá hạn. Ảnh: THÀNH HOA
Tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng không phải tại mọi ngân hàng
Tỷ lệ nợ xấu thực vào cuối năm 2018 (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC) khoảng 6,5%, giảm mạnh so với mức 7,36% vào cuối năm 2017 và 10,08% vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, xu hướng tích cực về nợ xấu có lẽ không diễn ra ở tất cả các ngân hàng. Thống kê nợ xấu tại 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2018 (có thuyết minh) cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng này tăng 9.709 tỉ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng tương đương 14,5%. Nợ xấu nội bảng chỉ thực giảm mạnh ở một số ngân hàng như Sacombank, Eximbank, ABBank, Saigonbank; trong khi tăng mạnh tại các “ông lớn” như VietinBank, BIDV, LienVietPostBank, VPBank, MSB, SHB. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 25 ngân hàng trên là 1,56% (năm 2017 là 1,55%). Trong đó, có đến 14/25 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng.
Sự thiếu đồng nhất cũng tương tự khi nhìn vào các khoản nợ xấu “tạm treo” tại VAMC. Mặc dù tổng trái phiếu đặc biệt VAMC của 25 ngân hàng trên giảm hơn 6.400 tỉ đồng, tức giảm khoảng 4,8% so với đầu năm, vẫn có một số ngân hàng tăng mạnh giá trị trái phiếu đặc biệt như VietinBank, SCB, ABBank, BaoVietBank, Saigonbank. Với những ngân hàng có nợ xấu nội bảng giảm nhưng đồng thời trái phiếu đặc biệt tăng như ABBank và Saigonbank, nợ xấu có lẽ chỉ được chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác. Riêng VietinBank là ngân hàng đặc biệt trong quí 4-2018 với nợ quá hạn, nợ xấu nội bảng lẫn trái phiếu đặc biệt đều tăng mạnh.
Câu chuyện hai tỷ lệ nợ xấu
Tại VietinBank, có ít nhất 19.600 tỉ đồng dư nợ cho vay đã chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ quá hạn, nợ xấu trong quí 4-2018, bao gồm nợ quá hạn nội bảng, tăng hơn 6.200 tỉ đồng và trái phiếu VAMC phát sinh mới hơn 13.400 tỉ đồng. Một lượng dư nợ lớn “khủng khiếp” như vậy, chiếm đến 2,3% tổng dư nợ của ngân hàng, không thể tự dưng “xấu đi” chỉ sau một quí. Biến động ấy được ngân hàng giải thích là do thực hiện đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
Hiểu một cách đơn giản hơn là các khoản nợ này vốn đã “xấu” từ trước, nhưng chỉ sau khi NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu, ngân hàng mới chuyển nhóm mà thôi. Chậm chuyển nhóm và tiếp tục dự thu trong thời gian dài sau khi các khoản nợ đã quá hạn là nguyên nhân làm phát sinh khoản chi phí hoạt động tín dụng khác hơn 6.500 tỉ đồng (thực chất là thoái phần lãi đã dự thu), khiến VietinBank lỗ trong quí 4-2018.
Câu chuyện của VietinBank cũng là câu chuyện đã xảy ra cách đây nhiều năm tại nhiều ngân hàng. Các số liệu tài chính ban đầu có sự chệch choạc ở đâu đó về tỷ lệ lãi dự thu/số dư cho vay và trái phiếu, tỷ lệ lãi thực thu/thu nhập lãi... nhưng tỷ lệ nợ xấu và kết quả lợi nhuận vẫn ổn cho đến khi NHNN thanh tra, hoặc thay đổi cổ đông lớn, thay đổi ban lãnh đạo.
Điều hơi bất ngờ là câu chuyện của VietinBank diễn ra sau giai đoạn NHNN kiểm soát chặt chẽ về chất lượng tín dụng trong nhiều năm qua, và đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Do đó, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng có thêm một vài ngân hàng khác “thực hiện đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt” nhằm kéo tỷ lệ nợ xấu gần với thực tế hơn.
Việc có hai tỷ lệ nợ xấu là chuyện lạ nhưng đã trở thành quen trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu thực đến cuối năm 2018 là 6,5%, chênh lệch với tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên đến 4,59%, tức khoảng hơn 330.000 tỉ đồng nợ xấu đang nằm ngoài sổ sách. Số nợ xấu ngoài sổ sách ấy theo định nghĩa của NHNN có thể là trái phiếu đặc biệt VAMC hoặc là nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (theo cách hiểu của người viết là nợ nhóm 2 và nợ được cơ cấu lại nhưng không chuyển nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN năm 2012). Trái phiếu đặc biệt VAMC và nợ nhóm 2 có thể được nhận biết trong thuyết minh báo cáo tài chính của các ngân hàng, còn nợ được cơ cấu lại thì không. Nghĩa là các nhà đầu tư hay những người gửi tiền thông thường không thể nào biết chính xác tỷ lệ nợ xấu thực của từng ngân hàng, mặc dù NHNN có thể tính toán được con số ấy.
Và liệu tỷ lệ nợ xấu thực 6,5% mà NHNN tính toán đã đúng là “thực” chưa? Liệu các ngân hàng có còn “tạm gửi” nợ xấu ở nơi nào khác ngoài trái phiếu đặc biệt VAMC, nợ nhóm 2 và nợ cơ cấu lại hay không? Thống kê 27 ngân hàng đã công bố BCTC năm 2018 cho thấy tổng các khoản phải thu tăng 37% so với đầu năm, tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản tăng mạnh từ 2,13% lên 2,65%. Một số ngân hàng có tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản vượt trên mức 5%, một điều bất thường trong hoạt động của ngành ngân hàng. Nếu cứ theo kinh nghiệm của đợt tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1, có lẽ một vài ngân hàng vẫn chưa phân loại đúng tài sản và chất lượng tín dụng.
Xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn phải dựa vào lợi nhuận
Trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149.220 tỉ đồng nợ xấu, trong đó các TCTD sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý chiếm tỷ trọng 46,68%, thu nợ của khách hàng chiếm tỷ trọng 26,78%, bán nợ cho VAMC chiếm tỷ trọng 20,1%, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm tỷ trọng 6,44%.
Nói riêng về nợ bán cho VAMC, tính đến cuối năm 2018, đã có sáu ngân hàng không còn trái phiếu đặc biệt VAMC là Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VIB và OCB. Điểm nhấn trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 là nhiều ngân hàng thể hiện quyết tâm xóa sạch nợ tại VAMC càng nhanh càng tốt, thậm chí có thể phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để thực hiện điều này.
Có thể kể tên một số ngân hàng có ý định tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trong năm 2019 như VPBank, TPBank, KienLongBank... Ngay cả VietinBank, ngân hàng mới bán 13.400 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2018, cũng đã trích lập luôn 16,6% dự phòng cho các trái phiếu này trong năm 2018 (theo quy định, ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC sau một năm kể từ ngày phát hành trái phiếu).
Mới đây, NHNN đã tạo thêm động lực xử lý nợ bán cho VAMC khi đưa ra dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, trong đó quy định các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Có thể thấy, kết quả xử lý nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt VAMC đang và sẽ chủ yếu dựa vào nguồn lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của các ngân hàng hơn là các giải pháp thu hồi nợ thực sự. Điều kiện kinh doanh thuận lợi những năm qua đang tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng và sớm tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC. Tất nhiên, Nghị quyết 42 và sự ấm lên của thị trường bất động sản trong vài năm qua cũng ảnh hưởng tích cực đến kết quả thu hồi nợ xấu, góp phần gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng và tạo cơ hội để ngân hàng tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu còn lại bằng dự phòng rủi ro.