Lãnh đạo VietinBank: Sẽ xử lí xong nợ xấu VAMC trong thời gian ngắn trước mắt
Tại Hội nghị Nhà đầu tư và Chuyên gia phân tích do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức, bà Nguyễn Hồng Vân Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tài chính ngân hàng cho biết năm 2019, ngân hàng đã đạt kết quả khá tích cực về xử lí nợ xấu.
Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,6% xuống 1,2%, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 92,7% lên 127,5%.
Đáng chú ý, VietinBank đã có sự chú trọng đặc biệt trong quá trình xử lí khoản nợ xấu tại VAMC, lượng trích lập dự phòng cho nợ xấu tại đây tăng mạnh từ 17% trong năm 2018 lên 54% vào cuối năm 2019.
"VietinBank sẽ xử lí xong nợ xấu VAMC trong thời gian ngắn trước mắt", bà Vân chia sẻ.
Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết trong tháng 12/2018 VietinBank đã bán lại một số khoản nợ cho VAMC và 1 năm sau đó chúng tôi đã trích lập dự phòng trên 54% nợ xấu tại đây.
Riêng trong năm 2019, VietinBank thu được 1.000 tỉ đồng từ các khách hàng có nợ đã bán cho VAMC. Nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục được kiểm soát và giảm xuống so với đầu năm.
"Trong năm 2020, VietinBank chưa có kế hoạch bán tiếp nợ xấu cho VAMC", ông Thọ nói.
Về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ông cho biết VietinBank luôn tuân theo qui định của NHNN, vừa trích lập dự phòng đồng thời với áp dụng các biện pháp khác để đẩy nhanh việc xử lí nợ xấu.
Liên quan đến các khoản nợ trong lĩnh vực BOT, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết BOT là lĩnh vực đầu tư rất quan trọng và là động lực giúp tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong đó, VietinBank là một trong những ngân hàng tích cực trong việc thực hiện thẩm định xem xét và tài trợ cho một số dự án BOT.
Ông cho rằng tín dụng cho BOT trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng phụ thuộc vào chủ trương của Chính Phủ.
VietinBank cũng có chiến lược chủ động cũng như chính sách để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Riêng với BOT giao thông đã tăng cường quản lí giám sát, thường xuyên theo sát các dự án.
Chủ tịch chia sẻ chuyển đổi cơ cấu thu nhập là một trong mục tiêu chủ điểm của ngân hàng trong những năm vừa qua gồm ba khu vực kinh doanh trụ cột: KHDN (khách hàng lớn, SME, FDI); bán lẻ (KHCN, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ); hoạt động kinh doanh trên thị trường tài chính (định chế tài chính, CTCK, quản lí quĩ…).
Cuối 2019, tỉ trọng nhóm KHDN lớn chiếm 39% tổng danh mục tín dụng; khách hàng SME chiếm 23%; FDI chiếm 5%; bán lẻ chiếm 33%. Trong năm 2020, ngân hàng sẽ tiếp tục chiến lược đa dạng hoá và kì vọng 3 - 5 năm tới sẽ nâng tỉ trọng SME bán lẻ lên 60 - 62%.