|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc NHNN: Bộ Tài chính đang hoàn tất thủ tục để tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại cho VietinBank

21:31 | 07/01/2020
Chia sẻ
Người đứng đầu NHNN cho biết hiện tại Bộ Tài Chính đang hoàn thiện để sửa Nghị định và sau đó sẽ báo cáo Chính phủ để tăng vốn bằng lợi nhuận giữ lại của năm 2017 - 2018 cho VietinBank.
Thống đốc NHNN: Bộ Tài chính đang hoàn tất thủ tục để tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại cho VietinBank - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng (Ảnh: VietinBank).

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019, triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Chính Phủ đã có chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng và VietinBank dự kiến sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 - 2018. 

Hiện tại, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài Chính đang hoàn thiện để sửa Nghị định và sau đó sẽ báo cáo Chính phủ để tăng vốn. Sau đó, VietinBank phải đánh giá tốc độ tăng trưởng, dự kiến kế hoạch kinh doanh để có lộ trình tăng vốn tiếp theo cho năm 2019 - 2020.

Thống đốc chia sẻ theo Thông tư số 33 mới ban hành, các ngân hàng mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ được chủ động trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng vốn cấp 2 và không phải xin phép NHNN. Điều này sẽ hỗ trợ giúp các ngân hàng có vốn Nhà nước chủ động trong việc tăng vốn.

Nhận định kết quả kinh doanh của VietinBank trong năm 2019, Thống đốc cho rằng đây là một thành tích rất ấn tượng. Ông đánh giá cao tinh thần chủ động nâng cao năng lực tài chính của VietinBank từ quản trị điều hành, kiểm soát tốt chất lượng và hiệu quả tín dụng, không tạo ra tăng trưởng quá nóng, triển khai đề án tái cơ cấu.

Năm 2019, lợi nhuận của ngân hàng mẹ VietinBank đạt gần 11.500 tỉ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch, tăng 83% so với năm 2018.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 1,24 triệu tỉ đồng, tăng 6,5% so với năm trước, trong đó dư nợ tín dụng đạt 952.000 tỉ đồng, tăng 7,2%. Tổng huy động đạt 892.000 tỉ đồng, tăng 5%. Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%).

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Thống đốc cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn đọng tại VietinBank.

Nhìn vào cơ cấu tín dụng của VietinBank, Thống đốc nhấn mạnh ngân hàng cần tập trung hơn nữa tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế. 

Mục tiêu tăng trưởng năm nay được đặt ra là khá thách thức nên đòi hỏi toàn bộ hệ thống các TCTD trong đó có các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước phải là những đơn vị đi đầu. Từ đó nhằm đảm bảo cung ứng vốn an toàn hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là tín dụng đi vào bất động sản.

"Tình trạng cho vay kinh doanh bất động sản của VietinBank và tập trung tín dụng vào các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông cần được ngân hàng hết sức lưu ý, phải được kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng", Thống đốc nói.

Thống đốc NHNN: Bộ Tài chính đang hoàn tất thủ tục để tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại cho VietinBank - Ảnh 3.

Thống đốc Lê Minh Hưng Phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VietinBank).

Tỉ lệ nợ xấu có giảm nhưng nợ mà đã bán cho VAMC vẫn còn lớn, mặc dù có lộ trình nhưng cần có nỗ lực lớn để thực hiện. Trong thời gian sớm nhất VietinBank cần xử lí triệt để các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để làm sao rút ngắn lại quá trình tái cơ cấu, xử lí nợ xấu ngắn lại, giảm bớt chi phí.

Thống đốc cho biết nhiệm vụ của VietinBank trong năm 2020 là phải giảm ít nhất 30% tổng nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ đã phân loại nợ lại.

Về mặt quản trị điều hành, Thống đốc cho biết hiện tại NHNN đã chỉ đạo nhanh chóng sửa đổi các Quyết định 678, tăng số lượng người đại diện vốn trong HĐQT không chỉ có 3 người như hiện tại. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của chính các thành viên này nhằm đảm bảo HĐQT điều hành ra đường lối chính sách hợp lí và kiểm tra giám sát tốt hoạt động của Ban điều hành.

Về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, Thống đốc Lê cho rằng ngân hàng cần tập trung xử lí một cách quyết liệt, có hiệu quả cả về thời gian và nội dung các vấn đề lớn trong đề án. Trong đó bao gồm việc xử lí thu hồi các khoản nợ lớn đặc biệt các lĩnh vực có rủi ro, xử lí dự án đầu tư xây dựng.

Diệp Bình