|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiktok, Xiaomi và các đại gia Trung Quốc tại Ấn Độ đang sống trong sợ hãi

13:41 | 20/06/2020
Chia sẻ
Làn sóng tẩy chay hàng hoá Trung Quốc đẩy các công ty công nghệ vào tình thế khó khăn, nhiều công ty lựa chọn im lặng, hủy bỏ các sự kiện ra mắt sản phẩm.

Theo SCMP, các công ty công nghệ Trung Quốc nên chuẩn bị cho một sự thay đổi chưa từng có tại thị trường Ấn Độ. Khi các cơ quan chính phủ bắt đầu có những động thái ủng hộ làn sóng tẩy chay hàng loạt sản phẩm phổ biến của Trung Quốc từ ứng dụng di động đến điện thoại thông minh.

Các cuộc biểu tình trực tuyến xuất hiện trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội ở Ấn Độ, sau khi lực lượng quân đội xác nhận ít nhất 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với Trung Quốc tại khu vực biên giới của 2 quốc gia.

"Làm sóng tẩy chay là báo động đỏ cho các công ty công nghệ của Trung Quốc", Lin Minwang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khu vực Nam Á tại Đại học Fudan cho biết.

Trên ứng dụng TikTok, vô số những video tẩy chay sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc xuất hiện cùng hashtag #BoycottChineseProducts, #IndiaChinaborder và #Chinaborder. Những video này có tổng lượt xem khoảng 29 triệu lần.

Ngày 18/6, hashtag #HindiCheeniByeBye nằm trong nhóm những từ khoá thịnh hành trên Twitter Ấn Độ, với hơn 116.000 bài đăng liên quan.

Tiktok, Xiaomi và các đại gia Trung Quốc tại Ấn Độ đang sống trong sợ hãi - Ảnh 1.

Các ứng dụng di động và điện thoại là 2 sản phẩm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay sản phẩm Trung Quốc tại Ấn Độ. Ảnh: EPA-EFE.

Trước đó, các tờ báo địa phương cũng xác nhận có khoảng 52 ứng dụng di động liên quan tới Trung Quốc đã bị cơ quan tình báo Ấn Độ đặt về danh sách kiểm tra. Các cơ quan này đã gửi yêu cầu để chính phủ chặn hoặc đưa ra lệnh hạn chế sử dụng vì lo ngại những ứng dụng Trung Quốc thu thập dữ liệu của người dùng trái phép.

Danh sách 52 ứng dụng có những cái tên rất nổi tiếng như TikTok, nền tảng livestream Bigo Live, ứng dụng hội họp trực tuyến Zoom, Weibo, mạng xã hội Kwai, ứng dụng nhắn tin Wechat. Ứng dụng quản lý sản phẩm Xiaomi, trang thương mại điện tử Alibaba cũng nằm trong danh sách điều tra.

"Các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc nằm trong danh sách những sản phẩm không cần thiết, chúng sẽ dễ dàng bị đào thải nếu làn sóng tẩy chay tiếp tục lan rộng", Meenakshi Tiwari, chuyên viên phân tích công nghệ độc lập tại New Delhi phân tích.

Đại diện của Xiaomi, Tencent, Alibaba, ByteDance, Weibo, Baidu, và Bigo từ chối đưa ra bình luận về việc ứng dụng di động của họ bị đưa vào danh sách điều tra.

Bên cạnh các ứng dụng di động, smartphone Trung Quốc sẽ là sản phẩm tiếp theo bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 19/6, Oppo thông báo hủy sự kiện ra mắt trực tuyến chiếc điện thoại flagship 5G tại thị trường Ấn Độ. Theo Reuters, đây là động thái nhằm tránh những ảnh hưởng không đáng có trong giai đoạn làn sóng tẩy chay hàng hoá Trung Quốc lan rộng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội.

Các cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hoá Trung Quốc tại Ấn Độ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc vẫn đang trong một cuộc chiến thương mại phức tạp khác với Mỹ, mà công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Huawei.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá sẽ rất khó để người dân Ấn Độ thoát li khỏi hệ sinh thái sản phẩm công nghệ của Trung Quốc trong thời gian ngắn.

"Hàng hoá của Trung Quốc rẻ và cung cấp đa dạng các giá trị hơn, trừ khi chính phủ Ấn Độ cung cấp được một sản phẩm tốt hơn thì mới có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân", Tiwari nói.

"Các công ty công nghệ Trung Quốc mang đến cho Ấn Độ sản phẩm tốt, tiền và cơ hội công việc, tôi tin tưởng Ấn Độ sẽ thành cường quốc công nghệ nhưng sẽ cần khoảng ít nhất 10 năm nữa để có thể vượt qua Trung Quốc", Lin đưa ra nhận xét chung về làn sóng tẩy chay.

Kim Cang