|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dẫn dắt Uber và TikTok ở Trung Quốc, nữ luật sư tạo nên thành công của ByteDance

20:24 | 17/06/2020
Chia sẻ
Hành nghề luật sư trong suốt hơn một thập niên, Liu Zhen quyết định thay đổi và trở thành một trong những nhà lãnh đạo công nghệ lớn xuất sắc nhất Trung Quốc.

Tháng 3/2014, Harvard Business Review xuất bản một bài viết dưới tiêu đề "Vì sao Trung Quốc không thể sáng tạo" nhắc đến các lí do các doanh nhân Trung Quốc gặp khó khăn khi hiện thực hóa những ý tưởng chưa từng tồn tại trên thị trường.

Bài viết nêu ra nhiều lỗ hổng trong hệ thống giáo dục quá nặng tính sách vở, những ưu tiên dành cho khối doanh nghiệp nhà nước và cấu trúc quản trị rối rắm ở Trung Quốc.

Dù vậy, vào mùa xuân năm 2014, sự sáng tạo đã bắt đầu nhen nhóm ở quốc gia tỉ dân.

Từ Uber đến TikTok: Đây là người phụ nữ đứng đằng sau thành công của ByteDance - Ảnh 1.

Liu Zhen là người có nhiều đóng góp trong thành công của TikTok nói riêng và ByteDance nói chung. Ảnh: Tech In Asia

Một tháng trước kì nghỉ Tết Nguyên đán năm 2014, Tencent ra mắt chiến dịch lì xì số trên WeChat Pay. Đây là điểm khởi đầu của cuộc chuyển đổi sang thanh toán điện tử diễn ra trên qui mô quốc gia tại Trung Quốc.

Cùng thời điểm, Zhang Yiming, kĩ sư phần mềm làm việc trong một startup có tên Zhongguancun, đã dẫn dắt ByteDance  trong 2 năm. ByteDance hiện tại đang là startup giá trị nhất thế giới và đang gạt bỏ các quan điểm cho rằng các startup Trung Quốc không trang bị đầy đủ để cạnh tranh trên toàn cầu.

Cũng vào lúc ấy, Liu Zhen, một luật sư người Bắc Kinh, quyết định thay đổi nghề nghiệp và dẫn dắt Uber tiến vào thị trường Trung Quốc.

Vào năm 2016, Zhang mời Liu về làm việc tại ByteDance trong vai trò quản lí vận hành. Chỉ trong vòng vài tháng, thành công của ByteDance nâng tầm Zhang và Liu thành biểu tượng của thế hệ doanh nhân công nghệ mới ở Trung Quốc. Họ nhận lời tán dương không chỉ bởi các sáng tạo công nghệ mà còn nhờ phong cách lãnh đạo tiên tiến.

Nền tảng đa dạng

Liu Zhen sinh năm 1982 ở Bắc Kinh. Cô xuất thân từ một gia đình luật sư và doanh nhân, với chú là Liu Chuanzhi, người sáng lập Lenovo và cậu là Jane Liu, chủ tịch Didi Chuxing. Năm 17 tuổi, Liu dành một năm ở Concord, New Hampshire trong một chương trình trao đổi học sinh. Cô nói rằng đây là trải nghiệm có tác động sâu sắc đến cuộc đời cô.

Trong một chia sẻ với GGV Capital, Liu giải thích lợi ích mà giáo dục đa văn hóa đã mang lại cho quan điểm và thế giới quan của bản thân. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm ở Bắc Kinh, Liu tiếp tục theo đuổi giáo dục nước ngoài khi ghi danh vào ngành luật tại Đại học California Berkeley.

Sau khi tốt nghiệp, Liu làm luật sự cho các công ty ở thung lũng Silicon suốt 9 năm và trở nên quen thuộc với ngành công nghệ Mỹ. Khách hàng của cô gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ và các doanh nhân Trung Quốc ở nước ngoài.

Trải nghiệm đa văn hóa của Liu khiến cô lọt vào mắt xanh của Zhang Yiming khi anh tìm kiếm một đội ngũ lãnh đạo đa dạng cho ByteDance. Zhang chưa từng đi du học hay làm việc ở nước ngoài. Dù thế, mở  rộng ra ngoài Trung Quốc luôn làm hoài bão của anh với ByteDance.

Nền tảng của Liu cũng rất ấn tượng. Mặc dù luật có vẻ không phải kiến thức nền phù hợp với một doanh nhân công nghệ, Liu đã chứng minh năng lực khi là giám đốc chiến lược Uber Trung Quốc.

Uber Trung Quốc

Từ Uber đến TikTok: Đây là người phụ nữ đứng đằng sau thành công của ByteDance - Ảnh 2.

Trước khi đầu quân cho ByteDance, Liu Zhen là giám đốc chiến lược của Uber Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Tính cách chủ động của Liu không cho phép cô cảm thấy tự hài lòng. Sau gần 1 thập niên làm luật, Liu quyết định tìm thử thách mới. Vào tháng 4/2015, cô gia nhập Uber trong vai trò giám đốc chiến lược thị trường Trung Quốc. Dù không có nền tảng công nghệ, Liu sẵn sàng đối mặt với thách thức lớn ở Trung Quốc khi dẫn dắt một công ty Internet nước ngoài.

Trong gần hai năm, Uber Trung Quốc cạnh tranh  với đối thủ nội địa Didi Chuxing do chính cậu của Liu lãnh đạo. Cuộc cạnh tranh về giá khiến cả hai liên tục đốt tiền để thu hút khách hàng.

Năm 2016, Didi nhận 7,3 tỉ USD trong một vòng gọi vốn do Tencent, SoftBank, Apple, Alibaba và một số nhà đầu tư khác dẫn dắt. Số tiền đầu tư này nâng định giá của nó lên 28 triệu USD. Liu và Uber đáp lại bằng khoản đầu tư 3,5 tỉ USD từ quỹ Public Investment Fund của Ả-rập Saudi.

Dù thế, đến tháng 8/2016, Didi chiếm thế thượng phong với hơn 85% thị phần gọi xe ở Trung Quốc và thâu tóm Uber Trung Quốc cùng năm.

Liu từ chức 2 tháng sau khi Uber Trung Quốc về tay Didi. Những gì Liu học hỏi được ở Uber Trung Quốc khiến cô càng nhận ra tầm quan trọng của việc có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau trong cùng một đội ngũ. Đây cũng là những giá trị mà cô mang đến cho ByteDance.

Gia nhập ByteDance

Liu Zhen gặp Zhang Yiming năm 2016. Cô mô tả người sáng lập ByteDance là một người kín đáo, có phần ngại ngùng nhưng cũng thẳng thắng và kiên định.

Ấn tượng bởi tầm nhìn của Zhang, Liu đầu quân cho ByteDace vào tháng 10/2016. Cheng Wei, người sáng lập Didi và biết cả 2 người, nói rằng những nét đối lập trong tính cách của Liu Zhen và Zhang Yiming sẽ tạo ra một cặp bài trùng tuyệt vời.

Liu có nét tính cách hướng ngoại và bổ trợ hoàn hảo cho tính cách hướng nội song tham vọng của Zhang.

Liu luôn ngợi khen văn hóa công ty đầy thực tế mà Zhang xây dựng tại ByteDance đồng thời tiết lộ Zhang luôn đặt mục tiêu học hỏi từ những người có chuyên môn khác nhau. Liu tin rằng họ có thể xây dựng ByteDance thành một "đế chế" toàn cầu.

Tháng 9/2016, ByteDance ra mắt ứng dụng video ngắn Douyin tại Trung Quốc và nhanh chóng đón nhận thành công. Liu và ByteDance muốn "sao chép" công thức thành công cho nước ngoài.

Trong vai trò điều hành các khoản đầu tư nước ngoài của công ty, Liu có ảnh hưởng lớn trong việc ByteDance mua lại thành công ứng dụng chỉnh sửa video Musical.ly với giá 1 tỉ USD vào  tháng 2/2017. Đây là nền tảng để TikTok thành công ở thị trường quốc thế.

Vào thời điểm thâu tóm, Musical.ly có khoảng 200 triệu người dùng, chủ yếu là người Mỹ trẻ tuổi, đối tượng người dùng mà ByteDance hướng tới.

Sensor Tower ước tính Douyin và TikTok đón nhận gần 177 triệu USD chi tiêu trong ứng dụng của người dùng chỉ tính riêng trong năm 2019.

Liu cũng là giám đốc Jinri Toutiao, ứng dụng tổng hợp tin tức sử dụng AI, được nhiều người Trung Quốc yêu thích và có doanh thu từ quảng cáo ổn định.

Không chỉ là thuật toán

Thành công của ByteDance phần lớn đến từ việc sử dụng máy học và dữ liệu lớn để gợi ý nội dung cho từng người dùng. Thuật toán này giúp Jinri Toutiao và Douyin trở thành 2 trong số các ứng dụng kiếm tiền tốt nhất Trung Quốc trong khi đó TikTok có hơn 1,5 tỉ người dùng trên toàn cầu cho tới cuối năm 2019.

Dù vậy, câu chuyện của ByteDance không chỉ nằm ở công nghệ, nó còn là sự kết hợp của sáng tạo trong quản lí và văn hóa doanh nghiệp vốn hoàn toàn khác với văn hóa doanh nghiệp truyền thống ở Trung Quốc.

"ByteDance là một công ty quốc tế vô tình có trụ sở ở Bắc Kinh", Liu từng nói.

Ở ByteDance, họ không dùng chức danh cho các vị trí quản lí . Thay vào đó, mọi người giao tiếp với nhau bằng tên. Quy trình tuyển dụng ở ByteDance cũng khá khác biệt.

 "Chúng tôi tuyển dụng đúng người… Nền tảng giáo dục, kinh nghiệm làm việc và chức danh không quan trọng", Zhang từng nói. ByteDance thu hút được rất nhiều nhân tài.

Một nhà tuyển dụng tại Trung Quốc nói với Nikkei rằng trong khi các "ông lớn" Trung Quốc như Alibaba, Tencent, hay Baidu coi nhân viên như ốc vít trong cỗ máy, ByteDance đề cao tính chủ động của nguồn nhân lực.

Liu ủng hộ cách quản lí cởi mở. Trong một bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa năm 2018, Liu khuyên sinh viên nên chấp nhận rủi ro và không sợ thất bại. Cô cho rằng mọi người đều nên hành động và dám chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.

Cũng trong năm 2018, vào dịp kỉ niệm lần thứ 6 của công ty, Zhang Yiming công bố 6 giá trị cốt lõi, bao gồm: theo đuổi sự tuyệt vời, đề cao tính thực tế, khiêm tốn, minh bạch, cởi mở và duy  trì tinh thần khởi nghiệp.

Một ví dụ khác cho thấy phong cách lãnh đạo cấp tiến của ByteDance là giảm mức độ bất cân xứng về mặt tiếp cận thông tin do cấp bậc. Tất cả nhân sự đều có quyền tiếp cận dữ liệu công ty. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nhân sự đều có thể tiếp cận giải quyết vấn đề với sự hiểu biết về công ty sâu sắc.

Kết thúc ngọt ngào xen cay đắng

Hôm 29/5, Liu Zhen rời ByteDance vì lí do cá nhân. Trên trang cá nhân, cô bày tỏ sự hài lòng với quãng thời gian ở ByteDance cùng sự hào hứng cho kế hoạch trong tương lai.

Sau khi Liu Zhen rời ByteDance, tập đoàn trải qua những thay đổi lớn về đội ngũ lãnh đạo khi Zhang Yiming nhận lại ghế CEO toàn cầu trong khi đó Kevin Mayer, cựu nhân sự cao cấp Disney, ngồi ghế giám đốc vận hành ByteDance và CEO TikTok.

Hiện chưa ai biết kế hoạch tiếp theo của Liu Zhen song với vai trò là một trong những doanh nhân công nghệ cao cấp nhất Trung Quốc, chắc chắn động thái tiếp theo của cô sẽ thu hút sự quan tâm của mọi người.

Thái Sơn