Thỏa thuận thương mại là tia sáng duy nhất trong quan hệ Mỹ - Trung
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer có cuộc điện đàm vào sáng ngày 25/8 theo giờ Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Văn phòng Thương Mại Mỹ (USTR) cho biết: "Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy nhiều tiến bộ và cam kết sẽ có những bước đi cần thiết để đảm bảo thực hiện thành công thỏa thuận".
Về phía Trung Quốc, một thông cáo ngắn cho thấy các bên đã "tiến hành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề như tăng cường phối hợp song phương về các chính sách kinh tế vĩ mô và việc thực hiện" thỏa thuận thương mại.
Một cố vấn của Bắc Kinh coi việc Trung Quốc nhắc đến việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô là "lời nói suông" vì điều phối kinh tế không thuộc thẩm quyền của USTR".
Cuộc đàm phán diễn ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kịch liệt chỉ trích Trung Quốc và đối thủ Joe Biden tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, tuyên bố: "Trung Quốc sẽ chiếm hữu nước Mỹ nếu gã này [Biden] đắc cử".
Một ngày trước đó, đội ngũ tranh cử của ông Trump còn công bố chương trình nghị sự chính sách cam kết sẽ tiếp tục cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.
Dường như cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dần tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xoay quanh các tranh cãi về công nghệ, nhân quyền, luật an ninh Hong Kong và hàng loạt vấn đề khác.
Có lẽ cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều nhận thấy rằng một kênh giao tiếp duy nhất giữa hai bên dù ít nhưng vẫn còn tốt hơn là không có gì cả.
Bà Kelly-Ann Shaw, cựu quan chức thương mại Nhà Trắng cho biết việc Mỹ và Trung Quốc không hủy buổi đánh giá lại thỏa thuận thương mại "là dấu hiệu cho thấy cả hai bên vẫn gắn bó với thỏa thuận bất chấp các căng thẳng trong mối quan hệ".
"Các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia luôn diễn ra theo những hướng riêng biệt - thực tế đó không thay đổi. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể là điểm sáng duy nhất trong mối quan hệ giữa hai bên, nhưng ít nhất ánh sáng vẫn chưa tắt".
Việc phân tích dữ liệu thăm dò ý kiến cho cuộc bầu cử tháng 11 giúp giải thích lí do tại sao chính quyền ông Trump vẫn kiên trì với một thỏa thuận mà Trung Quốc ít có khả năng thực hiện.
5 bang sản xuất nhiều đậu nành và ngô nhất của Mỹ trong năm 2019 là Illinois, Iowa, Minnesota, Nebraska và Indiana. Ngoại trừ Illinois, 4 bang còn lại đều đã đóng góp lớn cho chiến thắng của ông Trump hồi năm 2016.
Tuy nhiên, hiện tại tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Trump tại 4 bang này chỉ cao hơn vài điểm phần trăm so với những người bỏ phiếu cho ông Biden hoặc thậm chí còn thấp hơn.
Ông Clark Jennings, cựu cố vấn thương mại dưới thời Tổng thống Obama nói: "Trump cần phải tỏ vẻ rằng ông ta đang mang lại lợi ích cho những người ủng hộ mình, đặc biệt là các nông dân vùng Trung Tây nước Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại. Ông ta phải thuyết phục họ rằng Trung Quốc sắp mua lượng lớn nông sản Mỹ".
Thỏa thuận thương mại có thể giúp Trung Quốc tránh chiến tranh tài chính với Mỹ
Trong bối cảnh cuộc bầu cử chỉ còn cách hơn hai tháng nữa, chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao chống Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với các quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục còn vượt quá những gì các nhà phân tích dự đoán, làm dấy lên lo ngại về những động thái Mỹ có thể tung ra tiếp theo.
Một trong những nước đi thường được bàn luận là việc đóng băng lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD.
"Đây sẽ là biện pháp khá mới mẻ trong chính sách trừng phạt của Mỹ và sẽ dẫn tới việc cắt đứt quan hệ tài chính với Trung Quốc", ông James Green, cựu quan chức chính phủ Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại có thể là yếu tố ngăn cản viễn cảnh này xảy ra. Nếu Trung Quốc không thể mua bán bằng đồng USD, nước này sẽ không thể mua nông sản hoặc hàng hóa Mỹ theo như thỏa thuận giai đoạn một, gây tổn hại tới triển vọng tái đắc cử của ông Trump.
"Mỹ chỉ đang cân nhắc rất ít hành động chống Trung Quốc trên mặt trận tài chính. Nếu Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với các ngân hàng lớn như Bank of China, họ sẽ làm dấy lên nghi vấn về khả năng mua đậu nành Mỹ của Trung Quốc", ông Cliff Tan, nhà kinh tế tài chính tại Hong Kong cho biết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/