|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thỏa thuận thương mại mong manh lại là liên kết vững chắc nhất giữa Mỹ và Trung Quốc

19:49 | 14/08/2020
Chia sẻ
Quan chức chính phủ Mỹ và các chuyên gia thương mại cả hai nước đều đồng ý rằng thỏa thuận giai đoạn một là lĩnh vực duy nhất mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chịu hợp tác với nhau.
Thỏa thuận thương mại mong manh lại là liên kết vững chắc nhất giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) kí thỏa thuận thương mại ngày 15/1/2020. Ảnh: AFP.

Chỉ trong vỏn vẹn vài tháng, chính quyền ông Trump đã trừng phạt các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc liên quan tới luật an ninh quốc gia Hong Kong, phạt các học giả Trung Quốc và đóng cửa lãnh sự quán của Bắc Kinh tại Houston. Bắc Kinh phản ứng lại bằng cách cho đóng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô và trừng phạt một số nghị sĩ Mỹ.

Bất chấp xung đột leo thang, các quan chức Mỹ vẫn khẳng định thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ không bị hủy bỏ.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu trước truyền thông hôm 13/8: "Mỹ và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt lớn về nhiều vấn đề, nhưng hai bên đều thấy thoải mái về thỏa thuận thương mại giai đoạn một".

Các cố vấn thương mại Trung Quốc nói rằng khủng hoảng COVID-19 khiến nước này khó đạt được mục tiêu mua hàng, nhưng họ không nghĩ Nhà Trắng sẽ hủy bỏ thỏa thuận.

Reuters dẫn lời một nhà kinh tế Trung Quốc đã tư vấn cho Bắc Kinh về thỏa thuận thương mại nhận xét: "Việc hai bên có thể cùng ngồi xuống đàm phán và thảo luận với nhau là điều tốt". Nhưng ông cũng cảnh báo khó có khả năng thương mại giữa hai nước sẽ thực sự được cải thiện.

Nhà kinh tế giấu tên cho biết: "Rất khó để mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nữa, nhưng cũng khó mà đạt được kịch bản tốt nhất. Hoa không thể nở giữa mùa đông băng giá được".

Theo Reuters, gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường mua thêm nông sản Mỹ bao gồm ngô và đậu nành. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với cam kết mua thêm 77 tỉ USD nông sản và hàng hóa, năng lượng và dịch vụ của Mỹ.

Lượng nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ hiện còn thấp hơn năm 2017, cách xa mục tiêu 36,5 tỉ USD đặt ra cho năm 2020. Bắc Kinh mới chỉ mua 5% sản phẩm năng lượng cần thiết để đáp ứng mục tiêu 25,3 tỉ USD trong năm đầu tiên theo thỏa thuận.

Việc tìm ra cách để thu hẹp hoặc giải thích khoảng cách trên sẽ là thách thức lớn nhất đối với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc họp trực tuyến hôm 15/8.

Có còn hơn không

Giới chuyên gia thương mại nhận xét ông Trump gần như sẽ không gặt hái được bất kì lợi ích chính trị nào nếu từ bỏ thỏa thuận thương mại lúc này. Việc chấm dứt thỏa thuận với Trung Quốc chẳng khác nào thừa nhận rằng đề xướng thương mại lớn nhất trong nhiệm kì của ông đã thất bại.

Ngay cả một số quan chức chính quyền ông Trump cũng lo ngại việc châm ngòi cho cuộc chiến thuế quan mới sẽ khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo.

Ông Miriam Sapiro, Giám đốc tại hãng chiến lược truyền thông Sard Verbinnen nói với Reuters: "Hiện tại, thỏa thuận giai đoạn một vẫn còn có ích cho chính quyền ông Trump và giới lãnh đạo Trung Quốc". Ông Sapiro nói thêm rằng các các yêu cầu đặt ra trong thỏa thuận ngay từ đầu đã là "không thực tế".

Tuần này, ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận thương mại, nói rằng lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng vọt trong năm 2021.

Ông Stephen Vaughn, cựu cố vấn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng bản thân Trung Quốc cũng được lợi nếu tuân thủ các cam kết, vì điều này sẽ ngăn cản quan hệ giữa hai nước xấu đi.

"Tôi không thấy Trung Quốc có được lợi ích gì nếu thất hứa. Tôi đoán rằng kịch bản này sẽ không xảy ra".

Bà Claire Reade, cựu quan chức thương mại Mỹ cho biết thỏa thuận giai đoạn một cũng giúp đỡ phần nào cho các doanh nghiệp Mỹ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.

"Nếu chính quyền ông Trump khai tử thỏa thuận với Trung Quốc, sẽ rất khó để biện minh cho những tổn thất gây ra bởi cuộc chiến thương mại kéo dài", bà Reade viết.

Gần 90% doanh nghiệp được khảo sát bởi Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung có quan điểm tích cực về thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, chỉ 7% doanh nghiệp đánh giá lợi ích từ thỏa thuận lớn hơn chi phí phát sinh trong cuộc chiến thương mại.

Giang